1.1.4.1. Những dấu hiệu của rủi ro tín dụng
Những dấu hiệu trên báo cáo tài chính: Khách hàng không thường xuyên và kịp thời gửi báo cáo tài chính cho ngân hàng; Lượng tiền mặt của khách hàng giảm; Các chỉ số về khả năng thanh toán giảm; Tài sản cố định biến động mạnh; Xuất hiện những khoản nợ mà công ty vay hoặc cho vay cán bộ hoặc cổ đông của công ty; Doanh số bán hàng giảm hoặc gia tăng một cách quá nhanh chóng; Mức độ chênh lệch lớn giữa tổng doanh thu và doanh thu ròng; Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm; Xuất hiện các khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh...
Những dấu hiệu từ hoạt động kinh doanh: Thu hẹp về phạm vi kinh doanh; Mất quyền phân phối sản phẩm hoặc nguồn cung cấp; Mất một hay nhiều khách hàng lớn hoặc nhà cung ứng chính; Sự thay đổi đáng kể về quy mô của đơn đặt hàng hoặc hợp đồng mà có thể làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất hiện hành
Những dấu hiệu liên quan đến giao dịch ngân hàng: Số dư thường xuyên tại tài khoản ngân hàng sụt giảm; Xuất hiện các khoản nợ quá hạn; Xin gia hạn nhiều lần hoặc có dấu hiệu đảo nợ nhiều lần; Xuất hiện các khoản vay thanh toán cho cùng một nhà cung cấp hay đối tác không rõ ràng; Nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lưu động tăng đột ngột nhưng khó lý giải nguyên nhân, ...
Những dấu hiệu liên quan đến giao dịch ngân hàng: Những nhân sự quan trọng của công ty có nhiều thay đổi như luân chuyển hoặc nghỉ việc; Cổ đông của
công ty có sự xáo trộn lớn; Thay đổi trụ sở công ty hay địa điểm hoạt động kinh doanh chính...
Các dấu hiệu ban đầu thường khó phát hiện và không đáng kể. Cán bộ tín dụng cần thường xuyên bám sát tình hình hoạt động của khách hàng, cập nhật thông tin về khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau nhằm kịp thời nắm được các biến động của khách hàng và dự báo trước những nguy cơ cho ngân hàng để có biện pháp xử lý một cách chủ động.
1.1.4.2. Các chỉ tiêu đánh giá, đo lường rủi ro tín dụng
Các chỉ tiêu tuyệt đối: Để đánh giá mức độ rủi ro tín dụng của một ngân hàng, trước hết nhìn vào các chỉ tiêu tuyệt đối bao gồm: Giá trị dư nợ quá hạn/nợ xấu;Thời gian quá hạn; Số lượng khách hàng có nợ quá hạn/nợ xấu. Các chỉ tiêu này càng lớn cho thấy mức độ rủi ro tín dụng của ngân hàng càng lớn.
Tỷ lệ nợ quá hạn
Tùy theo thời gian quá hạn, khoản nợ này sẽ được xác định là nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, hoặc là nợ có khả năng mất vốn…Nợ quá hạn được phản ánh qua 2 chỉ tiêu sau:
(i) Tỷ lệ nợ quá hạn = Số dư nợ quá hạn / Tổng dư nợ
(ii) Tỷ lệ khách hàng có nợ quá hạn trên tổng số khách hàng = Số khách hàng có nợ quá hạn / Tổng số khách hàng có dư nợ.
Nếu ngân hàng có chỉ tiêu nợ quá hạn và số khách hàng có nợ quá hạn lớn thì ngân hàng đó đang có mức rủi ro cao và ngược lại. Tuy nhiên, không phải toàn bộ nợ quá hạn đều đem đến rủi ro cho ngân hàng, trong thực tế nhiều trường hợp khách hàng tốt nhưng vì một lý do khách quan đột xuất dẫn đến dòng tiền hoạt động kinh doanh bị chậm trễ so với kế hoạch dẫn đến chậm trả ngân hàng trong một thời gian ngắn. Chỉ tiêu nợ xấu phản ảnh sâu hơn về rủi ro tín dụng của ngân hàng.
Tỷ lệ nợ xấu
Nợ xấu là các khoản nợ quá hạn lâu ngày, khó hoặc không có khả năng thu hồi lại được…Nợ xấu sẽ phản ánh một cách rõ nét rủi ro tín dụng của ngân hàng thông
qua việc đánh giá cả thời hạn quá hạn của khoản vay và tiêu chí đánh giá rủi ro của khoản vay. Nợ xấu được phản ánh rõ nhất qua chỉ tiêu:
(i) Tỷ lệ nợ xấu = Nợ xấu /Tổng dư nợ (ii) Tỷ lệ nợ xấu / Vốn chủ sở hữu (iii) Tỷ lệ nợ xấu / Quỹ dự phòng rủi ro.
(iv) Tỷ lệ nợ xấu / Tổng giá trị tài sản bảo đảm
Tỷ lệ tài sản bảo đảm
Hệ số này thể hiện trong tổng dư nợ của ngân hàng có bao nhiêu dư nợ được bảo đảm 100% bằng tài sản. Tỷ lệ này càng cao, mức độ rủi ro ngân hàng phải đối mặt càng thấp
Tỷ lệ tài sản bảo đảm = Tổng giá trị TSBĐ/Tổng dư nợ
Dự phòng rủi ro tín dụng (DPRRTD)
Dự phòng rủi ro đánh giá khả năng chi trả của ngân hàng khi rủi ro xảy ra. Mục đích của việc sử dụng Dự phòng rủi ro là nhằm bù đắp tổn thất đối với những khoản nợ của ngân hàng xảy ra trong trường hợp khách hàng không có khả năng chi trả hoặc do giải thể, phá sản, chết, mất tích. DPRRTD được tính trên số dư nợ gốc của khách hàng bao gồm: Dự phòng cụ thể: bảo hiểm rủi ro cụ thể cho từng khoản vay; Dự phòng chung: bảo hiểm các rủi ro chung không xác định trong danh mục tín dụng và toàn bộ dự phòng được tính vào chi phí hoạt động của ngân hàng. Các chỉ số thể hiện DPRRTD:
(i) Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng = Dự phòng rủi ro tín dụng được trích lập/ Tổng dư nợ cho kì báo cáo
(ii) Hệ số khả năng bù đắp các khoản cho vay bị mất = Dự phòng rủi ro tín dụng được trích lập/ Dư nợ bị xoá.
Trong số các chỉ tiêu phản ánh rủi ro tín dụng nêu trên thì tỷ lệ nợ xấu được coi là chỉ tiêu đánh giá quan trọng nhất, phản ánh chính xác nhất mức độ rủi ro tín dụng mà ngân hàng đang phải đối mặt.