Nghĩa vụ cung cấp thông tin giai đoạn tiền hợp đồng thương mại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghĩa vụ cung cấp thông tin giai đoạn tiền hợp đồng thương mại (Trang 34 - 39)

1.3.1. Khái niệm, đặc điểm

Khái niệm nghĩa vụ: Nghĩa vụ là việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác. Luật nghĩa vụ là nền tảng đầy chất lý luận của luật thương mại. Vấn đề cần nói trước tiên tại đây là định nghĩa về nghĩa vụ. Điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế lại có nhiều rắc rối riêng trong pháp luật Việt Nam. Tuy nghĩa vụ có lẽ được hiểu không khác nhau về mặt nội dung, nhưng nó lại được định nghĩa đôi khi khác nhau không chỉ về ngôn từ, mà cả từ xuất phát điểm. Việc làm rõ định nghĩa về nghĩa vụ có ích cho việc hiểu rõ hơn các nguồn gốc của nghĩa vụ (hay căn cứ phát sinh ra nghĩa vụ), phân loại nghĩa vụ và có ích cho việc nghiên cứu các đặc điểm của nghĩa vụ, cũng như các hệ quả của các đặc điểm này…

Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam định nghĩa: “Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”.7 Định nghĩa này đã nhắc tới các bên trong quan hệ nghĩa vụ và liệt kê các “đối tượng” của nghĩa vụ. Tại đây cần phải lưu ý, một số luật gia của Việt Nam hiện nay đưa ra sự phân biệt giữa khách thể của quan hệ nghĩa vụ và đối tượng của nghĩa vụ. Định nghĩa này không mang tính khái quát cao. Nhưng điều đáng bình luận hơn là định nghĩa này không xuất phát từ việc xem nghĩa vụ là một quan hệ mà trong đó có hai loại chủ thể trái ngược nhau về mặt lợi ích: (1) Một bên có quyền yêu cầu; và (2) một bên khác (bên có nghĩa vụ) phải thực hiện yêu cầu của bên kia. Định nghĩa như Điều 274 nói trên chỉ xuất phát từ hành vi của bên phải thực hiện một đối tượng vì lợi ích của người khác. Sự định

7 Điều 274 BLDS 2015.

nghĩa thiếu chính xác này có lẽ là do sự nhầm lẫn về thuật ngữ. “Nghĩa vụ dân sự” có hai nghĩa. Một nghĩa chỉ hành vi phải thực hiện của một bên theo yêu cầu của bên kia (nghĩa hẹp). Một nghĩa khác chỉ một quan hệ mà theo đó một bên có quyền yêu cầu, còn bên kia phải thực hiện hành vi nhất định theo yêu cầu đó, có nghĩa là chỉ mối quan hệ giữa trái chủ và người thụ trái xác định (nghĩa rộng). Vì vậy, với nghĩa thứ hai này, khi nói hợp đồng là căn cứ phát sinh ra nghĩa vụ, thì có nghĩa là hợp đồng làm phát sinh ra quan hệ giữa trái chủ và người thụ trái xác định.8

Nghĩa vụ mà tiếng Anh và tiếng Pháp viết là “obligation” có nguồn gốc từ danh từ “obligatio” của tiếng Latin. Nó có rất nhiều nghĩa khác nhau. Vì vậy khi sử dụng nó, cần thận trọng. Có thể khảo sát một số định nghĩa khác về nghĩa vụ để làm rõ hơn cho các bình luận nêu trên.

“Nghĩa vụ là một quan hệ pháp luật được xác lập giữa hai chủ thể theo đó một chủ thể (chủ thể quyền - người có quyền) có quyền yêu cầu chủ thể kia (chủ thể nghĩa vụ - người có nghĩa vụ) phải hoàn thành một yêu cầu nhất định. Ở đây các đặc điểm chính của quan hệ nghĩa vụ được đề cập tới và đối tượng của nghĩa vụ được trừu tượng hóa để làm rõ bản chất là yêu cầu. Cũng vì vậy, trong khi bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Xaca Vacaxum và Tori Aritdumi nêu bật bản chất của nghĩa vụ là “quyền của một người nhất định yêu cầu một người khác thực hiện các hành vi nhất định. Cuốn từ điển pháp luật của Pháp mang tên “Petit Dictionnaire de Droit” định nghĩa: “Nghĩa vụ là một mối quan hệ pháp lý theo đó một người, được gọi là trái chủ, có thể sử dụng phương cách cưỡng chế của quyền lực công theo sự lựa chọn của anh ta để buộc người khác, người thụ trái xác định, chuyển giao tài sản, làm hoặc không làm việc gì đó.

Về pháp luật thực định, các đạo luật, nếu đưa ra định nghĩa về nghĩa vụ, đều định nghĩa nhấn mạnh đến bản chất của nghĩa vụ là quyền yêu cầu như trên. Bộ luật Dân sự CHLB Đức qui định: “Hiệu lực của nghĩa vụ là việc trái chủ có quyền yêu cầu sự thực hiện từ người thụ trái. Sự thực hiện này có thể bao gồm việc không

8 Trần Đình Chi, Chuyển giao quyền yêu cầu trong quan hệ nghĩa vụ dân sự, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2011

hành động”.9 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan cũng có qui định tương tự như Bộ luật Dân sự CHLB Đức như sau: “Đối với một nghĩa vụ, trái chủ có quyền yêu cầu sự thực hiện từ người thụ trái. Sự thực hiện có thể bao gồm việc không hành động”.10

Chúng ta cũng bắt gặp các định nghĩa có cùng một xuất phát điểm trong nhiều công trình nghiên cứu của nhiều học giả Việt Nam. Ví dụ, trong cuốn “Việt Nam dân luật lược khảo- Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước”, Vũ Văn Mẫu định nghĩa: “Nghĩa vụ là mối liên hệ pháp lý giữa hai người, nhờ đó một người là trái chủ (hay chủ nợ) có quyền đòi người kia là người phụ trái (hay con nợ) phải thi hành một cung khoản có thể trị giá bằng tiền” “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam” của Học viện Tư pháp, mặc dù không nói thẳng, nhưng đã ngụ ý không đồng ý với định nghĩa tại Điều 274, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015, và đã đưa ra một định nghĩa khác hẳn in chữ nghiêng để nhấn mạnh, dù hơi dài và có phần gây tranh luận như sau: “Nghĩa vụ dân sự được hiểu là quan hệ pháp luật về tài sản và nhân thân của các chủ thể, theo đó chủ thể mang quyền có quyền yêu cầu chủ thể mang nghĩa vụ phải chuyển giao một tài sản, thực hiện một việc hoặc không được thực hiện một việc vì lợi ích của mình hay lợi ích của người thứ ba, phải bồi thường một thiệt hại về tài sản hoặc nhân thân do có hành vi gây thiệt hại, vi phạm lợi ích hợp pháp của bên có quyền. Chủ thể mang nghĩa vụ dân sự có nghĩa vụ thực hiện quyền yêu cầu của chủ thể mang quyền. Các quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự của các bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ theo qui định của pháp luật hoặc theo thoả thuận của các bên xác lập quan hệ nghĩa vụ dân sự” Như vậy có thể hiểu, nghĩa vụ dân sự có các đặc điểm sau: Các bên chủ thể trong nghĩa vụ dân sự được xác định cụ thể; là một loại quan hệ tài sản; có sự ràng buộc pháp lý giữa các chủ thể và vì lợi ích bên có quyền. Và nghĩa vụ đó bao gồm cả nghĩa vụ trong hợp đồng và nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Đối tượng thực hiện là bên có nghĩa vụ trong quan hệ dân sự.

Khái niệm thông tin: Chúng ta đang sống trong thời đại mà thuật ngữ thông tin được đề cập mọi lúc, mọi nơi. Khái niệm thông tin là khái niệm cơ bản của khoa

9 Điều 241 Bộ luật dân sự Đức.

10 Điều 194 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan.

học, cũng là khái niệm trung tâm của xã hội trong kỷ nguyên số. Mọi quan hệ, mọi hoạt động của con người đều dựa trên một hình thức giao lưu thông tin nào đó. Có rất nhiều cách hiểu về thông tin. Thậm chí ngay các từ điển cũng không thể có một định nghĩa thống nhất. Từ điển Oxford English Dictionary thì cho rằng thông tin là điều mà người ta đánh giá hoặc nói đến, là tri thức, tin tức. Một số từ điển thì đơn giản đồng nhất thông tin với kiến thức – Thông tin là điều mà người ta biết, hoặc thông tin là sự chuyển giao tri thức làm tăng thêm sự hiểu biết của con người. Theo nghĩa thông thường, thông tin là tất cả các sự kiện, sự việc, ý tưởng, phán đoán làm tăng thêm sự hiểu biết của con người. Thông tin hình thành trong quá trình giao tiếp: một người có thể nhận thông tin trực tiếp từ người khác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ các ngân hàng dữ liệu hoặc từ tất cả các hiện tượng quan sát được từ môi trường xung quanh. Trong một nghiên cứu gần đây, người ta thấy có bốn yếu tố tác động đến chất lượng thông tin và đem lại giá trị cho nó. Đó là: tính chính xác, phạm vi bao quát của nội dung, tính cập nhật và tần số sử dụng. Trong đó quan trọng nhất là nội dung, thứ đến là tính chính xác. Trên bình diện tổng quát, ta thấy rằng thông tin có giá trị là những thông tin có tính chất riêng biệt và thông tin có tính chất dự báo. Tính chất riêng biệt làm cho thông tin phù hợp với yêu cầu của người sử dụng. Còn tính chất dự báo cho phép người ta có thể lựa chọn một quyết định trong nhiều khả năng cho phép. Có thể nói thêm rằng giá trị nhận thức của thông tin dự báo liên quan mật thiết đến tính đúng đắn của việc lựa chọn quyết định.11

Trong giao kết hợp đồng thương mại, nghĩa vụ cung cấp thông tin giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Chính nhờ vào các thông tin được cung cấp mà các bên có thể đánh giá, dự đoán được các rủi ro có thể xảy ra, giúp các bên hạn chế tối đa nhất thiệt hại xảy ra đối với mình, đồng thời nó bảo vệ sự công bằng và lợi ích chính đáng của các bên tham gia hợp đồng.

Xuất phát từ thực tiễn thực hiện hợp đồng, đặc biệt các tranh chấp xảy ra mà luật sư người Đức Rudolph Von Jhering là người đầu tiên đưa ra học thuyết về

11 Đoàn Phan Tân, Khái niệm thông tin và các thuộc tính thông tin làm nên giá trị của thông tin của tác giả, Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật, số 3 - 2001

nghĩa vụ tiền hợp đồng Culpa in contrahendo vào năm 1861. Hợp đồng chỉ có thể được thực hiện và đem lại lợi ích cho các bên chủ thể một cách tốt nhất khi nội dung hợp đồng được giao kết phản ánh gần nhất mong muốn, tiệm cận gần nhất lợi ích thực sự của các chủ thể. Để đạt được mục tiêu này, giai đoạn trước khi hợp đồng được giao kết, các bên phải thực hiện tốt các nghĩa vụ của mình như nghĩa vụ cung cấp thông tin, đảm bảo sự trung thực, thiện chí. Chính sự phù hợp với thực tiễn nên học thuyết dần dần được thừa nhận, đánh dấu bước nhảy vọt thông qua việc pháp luật các quốc gia ghi nhận dưới tên gọi như precontractualvliability hoặc culpa in contrachendoc (pháp luật Đức, Pháp…), được thừa nhận trong phán quyết của Tòa án (Anh, Hoa Kỳ) hay trong các bộ nguyên tắc về hợp đồng mang tính chất quốc tế như: Nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế (Pricinples of international commenrcial contracts – viết tắt là PICC), nguyên tắc về luật Hợp đồng châu Âu (Priciples of European contract law – viết tắt là PECL).

Về cơ bản nghĩa vụ tiền hợp đồng mang các đặc trưng:

+ Thời điểm phát sinh nghĩa vụ tiền hợp đồng là trước khi các bên tiến hành ký kết hợp đồng.

+ Căn cứ phát sinh nghĩa vụ tiền hợp đồng là các quy định của pháp luật dưới sự chi phối của nguyên tắc trung thực, thiện chí. Đây cũng là cơ sở để khẳng định nghĩa vụ tiền hợp đồng là các nghĩa vụ do luật định.

+ Nghĩa vụ tiền hợp đồng là cơ sở làm phát sinh trách nhiệm dân sự nếu có hành vi vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng.

Do vậy, nghĩa vụ tiền hợp đồng được hiểu là các xử sự mà pháp luật buộc các bên chủ thể trước khi tham gia ký kết hợp đồng phải thực hiện và trong trường hợp các bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu các hậu quả pháp lý bất lợi cho mình.

Từ đó có thể hiểu nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng thương mại là việc mà các bên trước khi giao kết hợp đồng bắt buộc phải cung cấp các thông tin cho nhau, trên nguyên tắc trung thực, thiện chí, để hạn chế tối đa nhất thiệt hại có

thể xảy ra.12

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghĩa vụ cung cấp thông tin giai đoạn tiền hợp đồng thương mại (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)