nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng thương mại
Ở Việt Nam chưa có đạo luật riêng về luật hợp đồng mà chế định hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự và một số luật chuyên ngành như Bộ luật Lao động, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bất động sản…Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự luôn được coi là đạo luật gốc quy định các vấn đề chung nhất và cơ bản nhất về hợp đồng, là nền tảng cho pháp luật về hợp đồng được áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh tế, hợp đồng có mục đích kinh doanh hay hợp đồng nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Các hoạt động thương mại là rất đa dạng và phong phú, vì vậy chúng không thể được điều chỉnh trong một luật hay bộ luật duy nhất. Thực tế, ở Việt Nam đã có nhiều luật điều chỉnh các hoạt động thương mại khác không được điều chỉnh trong Luật Thương mại, như Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng v.v.. Mối quan hệ giữa các luật này và Luật Thương mại được được xác lập thông qua quy định “hoạt động thương mại phải tuân theo Luật Thương mại và pháp luật có liên quan” và quy định “hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó”. Các quy định này ấn định cho Luật Thương mại vai trò là luật chung (lex generalis) đối với hoạt động thương mại nói chung, còn (các) luật khác quy định về hoạt động thương mại đặc thù là luật chuyên ngành, luật riêng (lex specialis). Đồng thời quy định này cũng thể hiện một trong các nguyên tắc cơ bản nhất về áp dụng luật, đó là luật riêng được áp dụng, còn luật chung chỉ áp dụng khi luật riêng không quy định hay còn gọi là luật riêng loại trừ luật chung (lex specialis derogat legi generali).
Dựa trên tình hình thực tế hiện nay, bản chất cũng như thực trạng pháp luật về hợp đồng của Việt Nam đã đến giai đoạn các nhà làm luật nên bắt đầu chú ý đến việc luật hoá chế định TNTHĐ. Chúng ta nên tiếp nhận các quan điểm về vấn đề này của các hệ thống pháp luật trên thế giới phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm pháp lý của hệ thống pháp luật Việt Nam, để xây dựng nền móng cho quy định TNTHĐ. Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ thống luật dân sự (Civil law), chưa thật sự cởi mở với án lệ, nên việc có các quy định về TNTHĐ là một việc hết sức cần thiết và mang tính thực tiễn cao, vừa đảm bảo sự công bằng của pháp luật, vừa tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Như vậy, nghiên cứu TNTHĐ nói chung, cũng như nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng thương mại nói riêng, sẽ có những cái nhìn cụ thể và sâu sắc hơn đối với từng loại hợp đồng chuyên biệt. Qua đó, sẽ có những kiến nghị và đề xuất phù hợp để điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ tiền hợp đồng thương mại.