Ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, trong giai đoạn tiền hợp đồng, các bên không bị ràng buộc bởi bất kỳ một thỏa thuận nào liên quan đến quy trình việc ký kết hợp đồng. Quá trình đàm phán hợp đồng luôn được cho rằng là một quy trình thông thường, chủ yếu dựa trên tình hình thực tế và các quy tắc đạo đức được tạo ra trong hoạt động kinh doanh. Do đó, pháp luật ít khi can thiệp vào quy trình này và thường không áp đặt bất kỳ nghĩa vụ bắt buộc nào đối với các bên, cũng như cách thức mà các quy trình này được tiến hành. Do đó, thông tin là cơ sở để đảm bảo nguyên tắc tự do, tự nguyện trong giao kết hợp đồng thương mại. Trước khi tiến hành giao kết hợp đồng thương mại, các bên phải có đầy đủ các thông tin của nhau, đồng thời cung cấp cho nhau những thông tin cần thiết, qua đó giúp các bên có được những quyết định chính xác khi giao kết hợp đồng, hạn chế mức tối đa nhất những thiệt hại xảy ra.
Trong giao kết hợp đồng thương mại, nghĩa vụ cung cấp thông tin giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Chính nhờ vào các thông tin được cung cấp mà các bên có thể đánh giá, dự đoán được các rủi ro có thể xảy ra, giúp các bên hạn chế tối đa nhất thiệt hại đối với mình., đồng thời nó bảo vệ sự công bằng và lợi ích chính đáng của các bên tham gia hợp đồng.
Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng thương mại không được quy định riêng biệt trong một chương nhất định, mà nó được quy định rải rác ở một số điều luật cụ thể, liên quan đến một hoạt động thương mại cụ thể. Trong Bộ luật dân sự, thì các nội dung thông tin cần cung cấp cũng chỉ được quy định chung. Như tại Điều 323 BLDS quy định về Quyền của bên nhận thế chấp “Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp”26, song song với nó là quy định về Nghĩa vụ của bên thế chấp được quy định tại Điều 320 “Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp”27.
Quy định như vậy cũng chỉ là mang tính chung chung, yêu cầu các bên thế chấp phải cung cấp thông tin cho bên nhận thế chấp, mà không quy định rõ các thông tin đó là thông tin gì, việc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác thì sẽ gây ra hậu quả ra sao và các bên sẽ chịu hậu quả đó như thế nào? Việc bồi thường thiệt hại sẽ được xử lý như thế nào? Đây cũng là một nội dung mà cần phải làm rõ và có những quy định cụ thể hơn. Có như vậy thì mới có sự ràng buộc chặt chẽ giữa các bên, đồng thời với những chế tài xử phạt cũng sẽ làm cho các bên có sự thận trọng và cân nhắc khi thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin của mình.
Cụ thể hơn, tại Điều 366 BLDS quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin và chuyển giao giấy tờ: “Người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền” 28. Đây cũng là một quy định cần có sự hiểu sâu và rõ trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vì thực tế, trong việc chuyển giao giấy tờ, thì người chuyển giao quyền yêu cầu phải thực hiện việc cung cấp thông tin. Và nghĩa vụ cung cấp thông tin sẽ thuộc về người chuyển giao giấy tờ. Tuy nhiên, thông tin cần thiết là những thông tin gì và hiểu như thế nào cũng là một vấn đề khó khăn cho các bên khi tham gia giao kết hợp đồng. Bởi lẽ, khi có tranh chấp xảy ra sẽ rất khó để xác nhận và chứng minh thông tin như thế nào là cần thiết. Quy định trong BLDS chỉ là những quy định chung chung, không quy định rõ ràng, cụ thể, mà có lẽ khi đi vào từng luật chuyên ngành thì nghĩa vụ cung cấp thông tin mới được chi tiết, rõ ràng hơn. Việc cung cấp thông
26 Khoản 2 Điều 323 BLDS 2015
27 Khoản 5 Điều 320 BLDS 2015
28 Khoản 1 Điều 366 BLDS 2015
tin trong giao kết hợp đồng cũng được quy định cụ thể và chi tiết hơn tại Điều 387 BLDS quy định về thông tin trong giao kết hợp đồng: “Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết”29. Như vậy, khi giao kết hợp đồng, nếu có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng thì các bên phải thông báo cho nhau biết, đồng thời điều luật cũng quy định rõ hơn: “Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác”30. Điều này cũng tránh được những rủi ro nhất định và giúp cho hai bên có được sự thống nhất, đồng thời là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh.
Nghiên cứu Điều 443 BLDS về nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng cũng có quy định “Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó; nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện trong một thời hạn hợp lý; nếu bên bán vẫn không thực hiện làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Như vậy ta thấy rằng Điều 443 BLDS đã có quy định cụ thể và chi tiết hơn. Việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin phải được yêu cầu ngay trong giai đoạn đầu trước khi hai bên giao kết hợp đồng mua bán. Đồng thời kèm theo đó là chế tài phạt vi phạm nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ của mình. Đây cũng là một quy định có tính gợi mở giải quyết được vấn đề triệt để hơn. Vì thực tế bên cạnh quyền hủy bỏ hợp đồng thì bên bán vẫn phải bồi thường thiệt hại cho bên mua nếu bên mua có yêu cầu. Quy định này ràng buộc và có phần bảo vệ quyền lợi của bên mua, hạn chế được những tranh chấp và có hướng giải quyết được triệt để khi có tranh chấp xảy ra.