Yếu tố tác động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu áp dụng quản trị tinh gọn tại công ty cổ phần bóng đèn phích nước rạng đông (Trang 37 - 42)

Nghiên cứu của (Torbjorn H.Netland, 2015) được thực hiện đối với 432 người từ 83 nhà máy thuộc 2 tập đoàn xuyên quốc gia về các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi quản trị tinh gọn. Kết quả cho thấy để đạt được thành công khi áp dụng quản trị tinh gọn, các nhà quản trị cần thể hiện cam kết và tham gia trực tiếp vào việc triển khai các hoạt động. Trong quá trình thực hiện sau bước triển khai ban đầu, mức độ tham gia của nhà quản trị vẫn cần được duy trì và thậm chí gia tăng. Việc nâng cao trình độ, khả năng thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn cho đồng thời các cấp quản lý và nhân viên được chứng minh là nhân tố quan trọng tiếp theo. Trong giai đoạn đầu thực hiện, giới thiệu, chia sẻ những hoạt động mang lại thành quả tốt và thành lập nhóm chuyên môn sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên sang giai đoạn triển khai, những yếu tố đó trở nên ít quan trọng hơn. Hoạt động đãi ngộ, ghi nhận nỗ lực của toàn bộ nhân viên cần được thiết kế một cách cẩn trọng bởi đây là hoạt động khá nhạy cảm và chúng không ảnh hưởng nhiều dến hiệu quả thực thi quản trị tinh gọn.

Pius Achanga và cộng sự (2006) khi nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực thi quản trị tinh gọn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Anh cho thấy khả năng và cam kết của nhà lãnh đạo là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của việc thực thi quản trị tinh gọn. Ngoài ra còn có các nhân tố như khả năng tài chính, văn hóa doanh nghiệp và kỹ năng, kinh nghiệm làm việc của nhân viên. Khả năng hạn hẹp nguồn tài chính trong triển khai tổ chức các chương trình đào tạo cho nhân viên, thuê chuyên gia tư vấn thiết kế hệ thống sẽ hạn chế quá trình cải tiến của doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ được nghiên cứu sử dụng lao động với trình độ kỹ năng thấp, do đó họ có tâm lý không mong muốn áp dụng những cải tiến trong công việc. Các doanh nghiệp lớn thường lựa chọn và xây dựng được văn hóa riêng trong công ty phù hợp với việc triển khai quản trị tinh

gọn, ngược lại các doanh nghiệp nhỏ lại bị ảnh hưởng bởi tính cách của giám đốc nên khó xây dựng được văn hóa doanh nghiệp phù hợp.

Khi nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thành công của việc thực thi quản trị tinh gọn trong các công ty logictic Thái Lan của nhóm tác giả (Prattana Punnakitikashem; Nattapan Buavaraporn; Lin Chen, 2013) đã chứng minh được tầm quan trọng của nhân tố lãnh đạo, khả năng tài chính, văn hóa doanh nghiệp. Các nhân tố khác không thể hiện mối quan hệ gồm khả năng truyền thông và kỹ năng làm việc của nhân viên. Dữ liệu thu thập được thông qua phiếu khảo sát được thực hiện đối với các công ty đã triển khai áp dụng quản trị tinh gọn. Có tất cả 404 phiếu khảo sát được thực hiện với các giám đốc có ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistic.

Hướng tối đối tượng trả lời phỏng vấn là những chuyên gia tư vấn quản trị tinh gọn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thái Lan, nhóm nghiên cứu của T.Kiacharoenpol và cộng sự (2014) đã nghiên cứu 4 nhóm nhân tố chính gồm nguồn lực tổ chức (organization resource), nguồn lực con người (human resource), nguồn lực công nghệ (technology production) và nguồn lực tài chính (financial resource). Cụ thể nguồn lực tổ chức gồm các yếu tố như khả năng và mức độ cam kết của nhà quản trị, tầm nhìn và chiến lược phát triển, khả năng quản trị dự án và văn hóa sẵn sàng, liên tục thực hiện các cải tiến. Nguồn lực con người gồm khả năng đào tạo, phát triển khả năng của mỗi cá nhân, nguồn lực chuyên gia bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Nguồn lực công nghệ gồm khả năng làm chủ những công nghệ sản xuất mới cũng như hiểu biết sâu rộng về các phương pháp, công cụ thực hiện quản trị tinh gọn. Nguồn lực tài chính đánh giá khả năng chi trả cho các chi phí thực hiện quản trị tinh gọn như các giải thưởng, các chi phí tổ chức… kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn lực công nghệ giữ vai trò ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả áp dụng quản trị tinh gọn.

Nghiên cứu về “Hiệu quả kinh doanh và các nhân tố ảnh hưởng tới thành công của quản trị tinh gọn tại các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nhỏ và vừa Châu Âu của Manoj Dora và cộng sự (2013) đã chỉ ra rằng kỹ năng và kinh nghiệm của đội ngũ nhân viên là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của việc

áp dụng quản trị tinh gọn. Bên cạnh đó, còn các nhân tố khác gồm đội ngũ lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp cũng có tác dụng ảnh hưởng tích cực.

Nghiên cứu của (Alessandro Laureani; Jiju Antony, 2012) về các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi quản trị tinh gọn và Six Sigma đã dựa trên kết luận những nhân tố quan trọng nhất bao gồm: cam kết từ nhà quản trị, thay đổi trong văn hóa, sự kết nối giữa Lean six sigma với chiến lược kinh doanh và phong cách lãnh đạo. Nhân tố ít ảnh hưởng nhất là các giải thưởng liên quan đến Six sigma và việc mở rộng hoạt động này đến các kênh phân phối. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên bảng hỏi được gửi dến 600 công ty hoạt động trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ với tỷ lệ trả lời khoảng 17%.

Nhóm tác giả (H. Tamjid Yamchello; R. Samin; A. Tamjidyamcholo, 2014) thực hiện tổng hợp kết quả các nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng hệ thống sản xuất tinh gọn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy việc thiếu cam kết từ nhà quả trị, thay đổi văn hóa doanh nghiệp và công tác đào tạo tập huấn sẽ gây khó khăn cho việc thực thi quản trị tinh gọn.

Từ những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, kết hợp với những đặc thù của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhân tố ảnh hưởng tới áp dụng quản trị tinh gọn như sau:

(Nguồn: Nghiên cứu áp dụng QTTG tại các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu của Việt Nam. Mã số ĐTKHCN.13446, Đề tài Bộ Công thương 2016- Chủ nhiệm đề tài: TS Phạm Thu Hương)

- Nhóm nhân tố lãnh đạo:

Nhân tố đầu tiên quyết định khả năng thành công của việc áp dụng quản trị tinh gọn là mức độ cam kết từ các nhà quản trị. Nếu không có sự cam kết và thấu hiểu từ các cấp lãnh đạo, nội dung của quản trị tinh gọn sẽ không thể lan tỏa, phổ biến sâu rộng tới toàn thể nhân viên trong doanh nghiệp, không thể biến động lực thành hành động triển khai các công cụ quản trị tinh gọn trong doanh nghiệp.

Việc chuyển đổi từ phương thức quản trị truyền thống sang phương thức quản trị tinh gọn đòi hỏi nhà quản trị phải có cái nhìn tổng quan và chi tiết đến từng

hoạt động trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhất thiết cần hiệu rõ các nguyên tắc, triết lý của quản trị tinh gọn để cụ thể hóa thành công cụ, phương pháp khả thi và bền vững. Tư duy tinh gọn đòi hỏi nhà quản trị cần nắm vững thực tế công việc triển khai áp dụng từ cấp thấp nhất trong mỗi bộ phận, từ cải tiến một cách hiệu quả.

Quản trị tinh gọn là một quá trình triển khai lâu dài, do vậy nhà quản trị cần xây dựng được tầm nhìn và phương hướng hoạt động theo nhu cầu của thị trường và khả năng của doanh nghiệp. Chỉ khi quản trị tinh gọn được xem như một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp mới có thể tạo ra động năng cần thiết để hỗ trợ quá trình thực thi các cải tiến.

- Khả năng tài chính:

Quản trị tinh gọn hướng tới sự cắt giảm các lãng phí và do đó tiết kiệm được chi phí. Về nguyên tắc, phần chi phí tiết kiệm được về lâu dài sẽ đủ bù đắp được phần kinh phí đầu tư mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi triển khai áp dụng quản trị tinh gọn.

Tuy nhiên, khi bắt đầu triển khai áp dụng quản trị tinh gọn, doanh nghiệp cần có một khoản đầu tư không nhỏ trong công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về quản trị tinh gọn của các cấp lãnh đạo và nhân viên trong công ty. Sự đánh đổi giữa chi cho đào tạo nguồn nhân lực trước mắt để hướng tới tiết kiệm chi phí trong tương lai và chi cho hoạt động tạo ra doanh thu trong ngắn hạn khiến cho một số doanh nghiệp lựa chọn hoặc giảm bớt nguồn kinh phí này.

Không có một khuôn mẫu nhất định cho áp dụng quản trị tinh gọn tại bất kỳ doanh nghiệp nào mà phải dựa trên quá trình nghiên cứu, ứng dụng từng bước một cách hiệu quả. Quá trình thực hiện cũng phát sinh các chi phí triển khai. Ví dụ, quản lý trực quan cần có các bảng hiện thị bằng hình ảnh dễ hiểu hơn so với các tài liệu văn bản, một số công ty còn áp dụng tập huấn bằng video cho các công việc phức tạp hay các vấn đề liên quan đến an toàn lao động.

Quản trị tinh gọn đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng phát hiện các lãng phí và thực hiện các cải tiến. Hoạt động của nhóm cải tiến Kaizen cần có sự tham gia

của các cấp lãnh đạo cũng như có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động. Ngoài ra, để tăng mức độ tham gia của toàn bộ công nhân viên thì mức thưởng cho các ý tưởng được áp dụng thành công, được áp dụng phù hợp sẽ có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả triển khai.

- Kỹ năng và kinh nghiệm làm việc:

Nếu như các nhà quản lý hoàn thành tốt vai trò hướng dẫn, truyền đạt, triển khai các kế hoạch cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động nhưng đội ngũ nhân viên không thực hiện đúng vai trò của mình thì việc vận dụng quản trị tinh gọn không thể thành công. Trong xây dựng mô hình quản trị tinh gọn, nhân viên là những người trực tiếp thực thi, tham gia phát hiện và cải tiến phương thức sản xuất kinh doanh. Đội ngũ nhân viên không chỉ thành thục về chuyên môn kỹ thuật, các kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm đồng thời cần hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của quản trị tinh gọn mang lại.

- Văn hóa doanh nghiệp:

Văn hóa doanh nghiệp là những phẩm chất riêng biệt của một tổ chức do vậy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn liền với quản trị tinh gọn sẽ thay đổi cách hành xử và suy nghĩ của con người. Văn hóa doanh nghiệp được coi là nền tảng để phát triển doanh nghiệp, là tổng hòa các quan niệm về giá trị được tạo ra từ đạo đức, ý tưởng kinh doanh, triết lý kinh doanh, phương pháp kinh doanh…. Trong quá trình phát triển, mỗi doanh nghiệp đều nỗ lực xây dựng văn hóa riêng nhằm phát huy sức mạnh của tập thể.

Văn hóa gắn liền với quản trị tinh gọn có thể hiểu là tư tưởng tập trung hướng tới sự hài lòng của khách hàng và loại bỏ mọi lãng phí. Do vậy, việc xây dựng được văn hóa doanh nghiệp gắn liền với quản trị tinh gọn sẽ là cơ sở để nâng cao tinh thần, thái độ của toàn bộ doanh nghiệp quyết tâm thực hiện thành công quản trị tinh gọn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu áp dụng quản trị tinh gọn tại công ty cổ phần bóng đèn phích nước rạng đông (Trang 37 - 42)