1.2.2.1. Quy định về Điều tra viên.
Thuật ngữ “Điều tra viên” được sử dụng trong pháp luật tố tụng hình sự, được quy định chính thức trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Pháp lệnh TCĐTHS năm 1989 và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đến năm 2004, tại Điều 29 Pháp lệnh TCĐTHS đã quy định về ĐTV như sau: “Điều tra viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự”. Từ đó cho đến nay, đây vẫn là khái niệm chính xác nhất về ĐTV với tư cách là một chức danh tư pháp. Theo Điều 45 Luật Tổ chức CQĐTHS năm 2015 thì ĐTV được chia thành 3 ngạch khác nhau để phục vụ việc chuẩn hóa, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng ĐTV cũng như để chức danh ĐTV phù hợp với các chức danh tư pháp khác (KSV, thẩm phán). Theo đó, ĐTV gồm có các ngạch sau đây: ĐTV sơ cấp; ĐTV trung cấp; ĐTV cao cấp.
Theo Điều 46 Luật Tổ chức CQĐTHS năm 2015, quy định về tiêu chuẩn chung của ĐTV như sau: “Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Có trình độ đại học An ninh nhân dân, đại học Cảnh sát nhân dân hoặc Cử nhân luật trở lên. Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của luật này. Đã được đào tạo nghiệp vụ điều tra. Có sức khỏe đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao”, [4, tr.205-206].
Để xác định được các nhiệm vụ cụ thể của ĐTV theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, cần xem xét quy định về nhiệm vụ của Cơ quan điều tra. Theo Điều 8 Luật Tổ chức CQĐTHS quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra như sau: “Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao; Tiến hành điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố; Tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan hữu quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa”
Theo Điều 53 Luật Tổ chức CQĐTHS năm 2015, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ĐTV như sau: Tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và các hoạt động điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự khi được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự; Áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan để điều tra, xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ; Tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong các trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định; Chấp hành quy định của pháp luật về những việc cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm; ĐTV phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình.
Theo quan điểm của cá nhân các quy định trên về ĐTV là khá chi tiết, cụ thể theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, có sự kế thừa của những quy định cũ, bổ sung thêm vào những nội dung mới đầy đủ hơn.
1.2.2.2. Quy định về hoạt động điều tra của Điều tra viên
Theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, Luật Tổ chức CQĐTHS năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì để điều tra vụ án hình sự, trong
hoạt động điều tra của ĐTV có các quyền hạn sau:
Thứ nhất, ĐTV có thẩm quyền quyết định, trực tiếp tổ chức tiến hành hoặc
chủ trì tiến hành các biện pháp điều tra, thực hiện các hoạt động điều tra như: Bắt người phạm tội quả tang (Điều 111 BLTTHS năm 2015); Bắt người đang bị truy nã (Điều 112 BLTTHS năm 2015); Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra (Điều 37, 201, 202, 203, 204 BLTTHS năm 2015); Kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản; thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử; thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan tổ chức bưu chính, viễn thông; tạm giữ tài liệu, đồ vật, tài sản có liên quan vụ án khi được phân công thi hành lệnh khám xét, lệnh bắt, lệnh kê biên tài sản, lệnh phong tỏa tài khoản của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (Điều 37, 128, 129, 196, 197, 198 BLTTHS năm 2015); Triệu tập và hỏi cung bị can, triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự (Điều 37, 182, 183, 185, 186, 188 BLTTHS năm 2015); Quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, ngượi bị kiến nghị khởi tố, bị hại, quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát, quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội (Điều 37, 127, BLTTHS năm 2015); Đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói (Điều 37, 189, 190, 191 BLTTHS năm 2015)...
Trong số các hoạt động điều tra trên, chỉ có hoạt động bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang và khám nghiệm hiện trường là hoạt động được BLTTHS năm 2015 quy định có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự, còn lại đều không quy định rõ thời điểm có thể tiến hành là trước hay sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Thứ hai, ĐTV không có thẩm quyền quyết định, chỉ có quyền giới hạn là thi
điều tra theo lệnh, quyết định, phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (Điều 37, 127, BLTTHS năm 2015), cụ thể như: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp (Điều 110 BLTTHS năm 2015); Bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 113 BLTTHS năm 2015); Bảo lĩnh (Điều 121 BLTTHS năm 2015); Đặt tiền để bảo đảm (Điều 122 BLTTHS năm 2015); Cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 123 BLTTHS năm 2015); Tạm giữ (Điều 117 BLTTHS năm 2015); Tạm giam (Điều 119 BLTTHS năm 2015); Truy nã, đình nã bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng (Điều 36 BLTTHS năm 2015); Trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, khai quật tử thi, thực nghiệm điều tra, thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định, yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản (Điều 36 BLTTHS năm 2015)...
Như vậy, theo BLTTHS năm 2015, ĐTV có thẩm quyền quyết định đối với các hoạt động điều tra, biện pháp điều tra rất hạn chế; ĐTV chủ yếu chỉ có quyền thi hành, thực hiện các hoạt động, biện pháp điều tra theo sự phân công hoặc quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; ĐTV hầu như không có thẩm quyền ra các quyết định tố tụng. Trên thực tế, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT là người ra các quyết định, còn ĐTV chỉ là người thực hiện, thi hành các hoạt động điều tra cụ thể. Điều này đang tạo ra sự bất cập, hạn chế hiệu quả hoạt động điều tra trong thực tiễn tố tụng thời gian qua.