Trước ngày 01/01/2018, các hoạt động của ĐTV đều thực hiện theo quy định của BLTTHS năm 2003 và Pháp lệnh TCĐTHS năm 2004 có nhiều bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng cho đến khi tổ chức triển khai thực hiện BLTTHS năm 2015 và Luật Tổ chức CQĐTHS năm 2015 thì các hoạt động điều tra của CQĐT, ĐTV đã từng bước nâng cao được vai trò, vị trí của ĐTV, có sự chuyển biến rất tích cực mạnh mẽ. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện vẫn còn một số bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động tiến hành tố tụng, cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện:
Tăng thẩm quyền để ĐTV hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quá trình điều tra VAHS. Điều đó, đòi hỏi ĐTV phải có sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực rất lớn của bản thân ĐTV trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ĐTV. Trong thực tế hiện nay, thẩm quyền của ĐTV còn hạn chế, hầu như các hoạt động của ĐTV đều phải báo cáo, làm theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT. Trong khi đó Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT không trực tiếp tham gia điều tra vụ án, chỉ nghe ĐTV báo cáo về nội dung, diễn biến điều tra các vụ án do ĐTV thụ lý. Bên cạnh đó, để chỉ đạo hoạt động điều tra Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT sử dụng đội ngũ lãnh đạo cấp trung gian (như Đội trưởng, Phó Đội trưởng đối với cấp quận, huyện, phòng thuộc tỉnh, thành phố; trưởng phòng, phó trưởng phòng đối với cấp Bộ…). Về quy trình hoạt động điều tra là ĐTV phải báo cáo, đề xuất với chỉ huy Đội trưởng hoặc Phó Đội trưởng phụ trách (cấp quận, huyện, phòng thuộc tỉnh, thành phố) hoặc Trưởng phòng, Phó
trưởng phòng phụ trách (ở cấp Bộ) duyệt trước rồi sau đó mới trình Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT được phân công điều tra vụ án duyệt, ký chính thức. Thực tế, có một số trường hợp ĐTV được phân công thụ lý điều tra vụ án đề xuất nhiều lần không được phê duyệt sẽ dẫn đến tâm lý chán nản, giảm nhiệt tình, hạn chế khả năng sáng tạo của ĐTV. Nếu có sai phạm xảy ra thì rất khó xử lý vì liên quan đến trách nhiệm của nhiều người như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, lãnh đạo trung gian (cấp đội hoặc phòng) và ĐTV trực tiếp điều tra vụ án.
Đặc trưng của hoạt động tư pháp là đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân của những người được pháp luật phân công. ĐTV là chức danh tư pháp tương đương các chức danh tư pháp khác (như Kiểm sát viên, Thẩm phán), nhưng Kiểm sát viên, Thẩm phán có nhiều thẩm quyền, độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong các hoạt động tố tụng về truy tố, xét xử, còn ĐTV thì có rất ít thẩm quyền… Do đó, Luật cần nghiên cứu, xem xét tăng thêm thẩm quyền cho ĐTV, các hoạt động điều tra của ĐTV để ĐTV có sự chủ động, tính độc lập, ý thức trách nhiệm cá nhân, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động điều tra, là đòi hỏi cấp bách trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay.