Có thể xem xét thực hiện chính sách luân chuyển ĐTV giữa các CQĐT cấp huyện với nhau, tăng cường cho những địa bàn có nhiều án xảy ra, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Mục đích nhằm tăng cường lực lượng để đảm bảo công
tác điều tra xử lý tội phạm góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương, đồng thời qua đó tạo điều kiện cho ĐTV rèn luyện bản lĩnh và nâng cao tay nghề trong hoạt động điều tra TTHS ở nhiều môi trường khác nhau.
Các ngành có thể nghiên cứu, xây dựng, ban hành các thông tư liên ngành, quy chế, quy định phối hợp công tác giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng với nhau và với các cơ quan, người được giao tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật TTHS… góp phần vào việc giải quyết VAHS một cách có hiệu quả, chất lượng, đúng quy định của pháp luật.
Một điểm mới trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tại Điều 296 là việc “Điều tra viên tham dự phiên tòa”, cụ thể trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án đã thụ lý, giải quyết với mục đích để hướng đến việc xét xử được khách quan, công bằng, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và trật tự pháp luật. Do đó cần phải có văn bản hướng dẫn thực hiện phù hợp của cấp có thẩm quyền để đảm bảo được địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của Điều tra viên tại phiên tòa.
Tiểu kết chương 3
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐTV phải phù hợp với các quan điểm và phương hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp đến năm 2020. Từ thực tế hoạt động của ĐTV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, cho thấy còn nhiều vấn đề bất cập về hoạt động điều tra theo các quy định của pháp luật hiện hành. Để nâng cao chất lượng hoạt động của ĐTV trong giải quyết các VAHS, trong chương này đã đề cập đến những yêu cầu đặt ra phải hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, từ bước hoàn thiện các quy định về CQĐT, ĐTV và hoạt động của ĐTV trong giải quyết vụ án hình sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến. Đồng thời luận văn đã nêu lên được một số giải pháp cần thiết, từng bước xây dựng, đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung, ĐTV nói riêng theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, tăng thẩm quyền và trách nhiệm cho ĐTV
để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và các quyết định tố tụng của mình.
KẾT LUẬN
Đổi mới cải cách tư pháp nhằm mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong những năm qua, các cơ quan tư pháp trên địa bàn Đà Nẵng đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động cải cách ngành tư pháp nói chung và xây dựng hệ thống các CQĐT và đội ngũ ĐTV trực thuộc Công an thành phố Đà Nẵng nói riêng. Đây là đội ngũ có vai trò quan trọng trong quá trình làm rõ sự thật khách quan các vụ án, đưa tội ác ra trước ánh sáng chịu sự nghiêm trị của pháp luật, nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở nghiên cứu một số vấn đề lý luận về ĐTV và hoạt động của ĐTV trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, từ đó luận văn có cơ sở để tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách khách quan hiệu quả hoạt động của đội ngũ ĐTV thuộc Công an thành phố Đà Nẵng - địa bàn hội tụ nhiều yếu tố phức tạp hình thành nên nhiều nhóm tội phạm trong đó có những nhóm tội phạm mới trong thời gian vừa qua. Thực trạng cũng đã cho thấy bằng sự nỗ lực của bản thân đội ngũ ĐTV và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các CQĐT, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn trong tình hình mới, đem lại sự bình yên cho nhân dân thành phố. Đó cũng là lý do vì sao Đà Nẵng được tạp chí Kinh tế Mỹ Forbes bình chọn “là một thành phố yên bình, đáng sống nhất Việt Nam”. Mặt khác, công tác cải cách tư pháp đã bước đầu bổ sung và hoàn thiện nhằm tháo gỡ một số khó khăn trở ngại tạo điều kiện để đội ngũ ĐTV có môi trường hoạt động thông thoáng, thuận lợi hơn trong điều tra khám phá án.
Tuy nhiên, trước những diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường của các loại tội phạm trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những tội phạm nguy hiểm có yếu tố nước ngoài cho thấy nhiều vấn đề khó khăn đang đặt ra đối với CQĐT và đội ngũ ĐTV thuộc lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng. Thực trạng này đòi hỏi họ không ngừng phấn đấu hơn nữa để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ,… đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Song để nâng cao chất lượng hoạt động của ĐTV, luận văn đã đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể:
nhất, giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐTV; Thứ
hai, giải pháp về xây dựng, bố trí, sử dụng đội ngũ Điều tra viên đảm bảo phát huy
được năng lực, sở trường của ĐTV; Thứ ba, giải pháp về tăng cường quan hệ phối hợp giữa Điều tra viên với những người tiến hành tố tụng khác, một số người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật, tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giữa những người tiến hành tố tụng. Hơn nữa, việc hoàn thiện những quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ĐTV, hoạt động của ĐTV trong tố tụng hình sự cũng là một trong những yêu cầu được luận văn đề cập đến nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về ĐTV nói chung, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ĐTV nói riêng.
Tóm lại, qua nghiên cứu đề tài này đã trang bị cho bản thân những phương pháp nghiên cứu khoa học, đặc biệt khi gắn những tri thức lý luận với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Thực hiện luận văn này là cơ hội để nâng cao trình độ lý luận thông qua hệ thống các văn bản pháp luật và nghiên cứu, phân tích, đánh giá, liên hệ với thực tiễn công tác. Do vậy, kết quả nghiên cứu của luận văn hy vọng đóng góp một phần nhỏ vào công tác nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về ĐTV, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thực hiện các giải pháp để xây dựng, củng cố, bố trí, sử dụng đội ngũ ĐTV thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật TTHS, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ ĐTV trong thời gian đến./.