a. Môi trường kinh tế xã hội:
Chất lượng tín dụng của các DNVVN phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của DN. Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động của mỗi DN đều chịu sự ảnh hưởng từ tình hình chung của nền kinh tế. Với một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, lạm phát duy trì ở mức thấp, giá cả ổn định, tỷ giá ổn định, các DN dễ dàng hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh và thu hồi vốn để trả nợ cho ngân hàng.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, tham gia vào WTO, thực hiện đàm phán TPP… Càng hội nhập sâu, sự biến động của tình hình kinh tế thế giới càng ảnh hưởng mạnh đến các chủ thể của nền kinh tế. Trong khi các DNVVN hạn chế về việc cập nhật thông tin, đa phần các DNVVN chưa có kế hoạch chuẩn bị cho các bước hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong các hiệp ước quốc tế thì rủi ro đối với các DN này khi các điều kiện thay đổi càng cao.
Ngoài những thay đổi theo tiến trình cam kết của Việt Nam với thế giới trong các hiệp ước thì chu kỳ phát triển kinh tế là một yếu tố khó dự đoán có thể ảnh hưởng mạnh đến các DNVVN. Khi nền kinh tế chuyển từ giai đoạn phát triển tăng trưởng nóng sang giai đoạn suy thoái đóng băng, nhu cầu tiêu dùng thấp, tăng trưởng thấp, các DNVVN sẽ rơi vào khó khăn. Điển hình như giai đoạn 2011-2013 vừa qua, rất nhiều DNVVN đã không trả được nợ do các khoản phải thu không thu hồi được, hàng tồn kho không bán được, giảm giá trị; chất lượng tín dụng suy giảm nghiêm trọng, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đều gia tăng.
b. Môi trường pháp lý, chính trị
Mọi nền kinh tế muốn phát triển thì đều cần một hành lang pháp lý phù hợp, làm cơ sở để giải quyết các mối quan hệ giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Một môi trường pháp lý tốt, hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của các DN là môi trường tại đó có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, có tính thống nhất giữa các văn bản dưới luật, các chính sách thuế phí rõ ràng, ổn định và có lộ trình thay đổi phù hợp; người dân có ý thức chấp hành pháp luật.
Hoạt động của mọi ngân hàng thương mại ngoài việc phải tuân thủ những quy định do NHNN ban hành còn chịu ảnh hưởng của các quy định chung khác. Khi những chính sách quy định thay đổi, hoạt động của DNVVN có thể từ hiệu quả trở thành không hiệu quả, từ phù hợp với quy định thành trái quy định do đó các TCTD luôn phải cập nhật các văn bản pháp luật, các chính sách thuế phí của nhà nước để có đầy đủ cơ sở để đánh giá hoạt động của các DNVVN, đảm bảo đưa ra các quyết định cấp tín dụng chính xác.
Đặc biệt, sự ổn định về mặt chính trị của một quốc gia là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của quốc gia đó. Một môi trường chính trị ổn định là tiền đề để các DN có thể duy trì hoạt động kinh doanh, các ngân hàng có thể huy động vốn và cho vay, hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế. Mọi sự biến động về chính trị, những rủi ro chiến tranh, nội chiến đều ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến chất lượng tín dụng nói riêng và hoạt động của cả nền kinh tế nói chung.
c. Trình độ năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, ý thức trả nợ của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân vay vốn
Do trong hoạt động tín dụng, ngân hàng trao vốn của mình cho KH sử dụng do đó sau khi KH được cấp vốn, chất lượng tín dụng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào hiệu quả kinh doanh, năng lực quản lý và ý thức trả nợ của KH.
Để nâng cao chất lượng tín dụng, ngân hàng chỉ có thể đánh giá KH trước khi cấp tín dụng, hạn chế những rủi ro mà KH có thể gây ra bằng việc giám sát hoạt động của KH. Nếu việc đánh giá này không chính xác thì mọi rủi ro từ phía KH,ngân hàng đều khó có thể kiểm soát:
+ Trình độ, năng lực quản lý DN, hoạt động kinh doanh khi gặp biến động thay đổi mất hiệu quả, không thu hồi được vốn, DN không đảm bảo khả năng trả nợ.
+ Phương án kinh doanh hiệu quả tuy nhiên KH chây ỳ trong việc trả nợ do muốn dùng vốn tiếp tục quay vòng kinh doanh.
+ KH không cung cấp thông tin trung thực cho ngân hàng từ quá trình trước khi cấp tín dụng đến khi vốn đã được giải ngân. Điều này làm cho ngân hàng khó đánh giá chính xác hoạt động của KH để đưa ra phương án tài trợ chính xác.
+ KH sử dụng vốn vay sai mục đích, không thu hồi được vốn như dự định dẫn đến mất khả năng trả nợ.
Những rủi ro từ phía KH có thể coi là những rủi ro khách quan tuy nhiên thực tế những rủi ro này thường chỉ phát sinh khi hoạt động thẩm định, đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho KH không chính xác, dẫn đến tình trạng không kiểm soát được rủi ro, giảm chất lượng tín dụng.
d. Rủi ro bất khả kháng
Những rủi ro bất khả kháng như: Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh… là những yếu tố có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng trả nợ của KH, làm suy giảm trực tiếp chất lượng tín dụng mà cả ngân hàng và khách hàng đều không kiểm soát được. Biện pháp hạn chế rủi ro tốt nhất là ngân hàng yêu cầu KH mua bảo hiểm đối với những rủi ro này. Đối với các DNVVN việc mua bảo hiểm rất ít được quan tâm. Tuy nhiên khi DN vay vốn ngân hàng, ngân hàng cần yêu cầu DN mua bảo hiểm để cả hai bên hạn chế tối đa những thiệt hại khi rủi ro bất khả kháng xảy ra.