a. Nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng đối với Doanh nghiệp vừa và nhỏ
Thẩm định tín dụng là khâu đầu tiên trong quá trình phê duyệt cấp tín dụng, có vai trò quyết định trong việc phê duyệt cấp tín dụng cho khách hàng. Chất lượng tín dụng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng thẩm định tín dụng. Hiện tại SHB đã có quy trình cấp tín dụng cụ thể, nhưng việc thực hiện trong thực tế chưa tuân thủ tiến trình thẩm định cần thiết. Một số giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng như:
- Xây dựng văn bản hướng dẫn thẩm định tín dụng cụ thể, ban hành các bộ chỉ tiêu để đánh giá tài chính, hướng dẫn những vấn đề cần chú trọng trong công tác thẩm định trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
- Nâng cao chất lượng thu thập thông tin: Thông qua hình thức gặp gỡ phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo DN về ngành nghề kinh doanh, định hướng của DN, vị thế của DN, các thông tin về tài chính của DN; thăm cơ sở sản xuất kinh doanh, văn phòng làm việc thu thập thông tin từ người lao động làm việc trong DN… để đưa ra những đánh giá sơ bộ về KH. Từ đó xác định các thông tin, vấn đề trọng yếu trong tình hình hoạt động của DN, xác định tính trung thực và năng lực quản lý của chủ DN để có định hướng đánh giá chuyên sâu. Đối với những thông tin pháp lý DN có thể thực hiện kiểm tra đối chiếu giấy tờ bản gốc tại DN đảm bảo tính chân thực hồ sơ DN cung cấp. Đặc biệt, cán bộ QHKH cần thực hiện thu thập thông tin và một số hồ sơ cơ bản của KH trước khi yêu cầu cán bộ thẩm định đi thẩm định trực tiếp, đảm bảo cán bộ thẩm định có được cái nhìn tổng quan trước khi gặp khách hàng, nâng cao khả năng khai thác thông tin từ DN trong quá trình gặp gỡ trực tiếp. Ngoài việc thu thập thông
tin trực tiếp từ DN, cần phát triển việc nghiên cứu thông tin thông qua trung thông tin tín dụng CIC, các cơ quan nhà nước (cơ quan thuế, hải quan), các đối tác của DN (khách hàng đầu ra, đầu vào, các TCTD mà DN đã từng có quan hệ).
- Nâng cao chất lượng xử lý thông tin trong quá trình thẩm định: Cần có sự khách quan trong việc đánh giá, phân tích, thẩm định DN và phương án kinh doanh. Trong quá trình thẩm định KH từ bộ phận QHKH, bộ phận thẩm định tại chi nhánh đến bộ phận Tái thẩm định hội sở cần có sự trao đổi thông tin qua lại để đảm bảo đưa ra được các giải pháp hạn chế rủi ro cho ngân hàng mà vẫn đảm bảo hỗ trợ tối đa cho phương án kinh doanh của KH.
b. Tăng cường công tác quản lý giải ngân, kiểm tra giám sát sau cấp tín dụng
SHB đã có quy trình cụ thể về hoạt động giải ngân, kiểm tra kiểm soát sau cấp tín dụng tuy nhiên việc tuân thủ quy trình vẫn chưa được coi trọng. Để nâng cao chất lượng tín dụng ngắn hạn đối với DNVVN cần có sự kiểm tra theo sát DN cũng như nguồn thu từ phương án kinh doanh để có thể thu nợ khi nguồn thu về đảm bảo KH sử dụng vốn đúng mục đích:
- Bộ phận hỗ trợ tín dụng kiểm soát chặt chẽ đảm bảo KH tuân thủ các điều kiện giải ngân theo phê duyệt, đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp để có thể xử lý TSĐB nếu nợ xấu xảy ra. Nếu KH vi phạm điều kiện giải ngân trọng yếu, phòng HTTD có thể đề nghị ngừng giải ngân.
- Bộ phận QHKH thực hiện kiểm tra giám sát sau giải ngân theo đúng quy định, tránh việc không trực tiếp kiểm tra mà chỉ gửi biên bản kiểm tra cho khách hàng ký lấy hình thức. Định kỳ rà soát khách hàng, xếp lịch kiểm tra định kỳ tài sản đảm bảo, chấm điểm xếp hạng tín dụng khách hàng để có những điều chỉnh phù hợp khi phát hiện những dấu hiệu rủi ro xảy ra.
- Bộ phận kiểm toán nội bộ sau khi phát hiện những sai sót trong quá trình cấp tín dụng ngoài việc yêu cầu các bộ phận liên quan sửa chữa, hoàn thiện kịp thời, có thể đề xuất ngừng giải ngân nếu việc tuân thủ không được cải thiện. Bộ phận kiểm toán có thể liệt kê những trường hợp bộ phận thẩm định, bộ phận hỗ trợ tín dụng đề xuất từ chối cấp tín dụng, từ chối giải ngân nhưng ban giám đốc vẫn phê duyệt giải
ngân, đánh giá chất lượng của khoản tín dụng đó sau khi giải ngân, những nguy cơ tiềm ẩn để báo cáo ban giám đốc chi nhánh và ban kiểm toán nội bộ để có những cảnh báo cần thiết với lãnh đạo ngân hàng.
- Định kỳ hàng quý, ban lãnh đạo chi nhánh họp các phòng ban để đánh giá tình hình tuân thủ phê duyệt của các DNVVN, xem xét những vướng mắc để thực hiện tháo gỡ, tạm dừng giải ngân với những trường hợp KH không tuân thủ để đảm bảo việc kiểm soát khách hàng, đảm bảo chất lượng tín dụng tại chi nhánh.
c. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả xử lý nợ
Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu của chi nhánh ở mức cao so với mức cho phép 3% trong nhiều năm là do công tác xử lý nợ tại chi nhánh rất chậm chạp và chưa hiệu quả. Để cải thiện tình hình nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng ngắn hạn đối với DNVVN chi nhánh cần nâng cao hiệu quả xử lý nợ.
Việc xử lý nợ phải bắt đầu ngay từ khi khoản nợ quá hạn chuyển nhóm 2. Cán bộ QHKH và cán bộ xử lý nợ cần phối hợp tìm hiểu nguyên nhân quá hạn, hỗ trợ, tạo áp lực với KH, đưa ra giải pháp xử lý khoản nợ ngay từ khi khoản nợ quá hạn. Tránh như hiện nay, cán bộ xử lý nợ chỉ tham gia vào quá trình xử lý nợ khi KH đã quá hạn từ nhóm 3 đến nhóm 5, ý thức và khả năng trả nợ của khách hàng ở giai đoạn này đã rất thấp. Việc xử lý nợ ngay khi nợ xấu mới phát sinh sẽ làm tăng khả năng thu hồi nợ cho chi nhánh.
Sau khi đã tìm hiểu được nguyên nhân quá hạn, cán bộ xử lý nợ và cán bộ QHKH thống nhất trình lãnh đạo xử lý:
+ Tăng thêm vốn cho khách hàng: Biện pháp này được áp dụng những trường hợp khách hàng gặp bất ổn về vấn đề tài chính, tuy nhiên các bất ổn này chỉ là tạm thời hoặc doanh nghiệp đang cố gắng lớn để khắc phục các khó khăn, khôi phục tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là biện pháp được xem là hữu hiệu nhất nó vừa giúp được doanh nghiệp đi từ nguy cơ phá sản đến khả năng vực dậy sản xuất vừa giúp được ngân hàng thu hồi được khoản nợ gốc và lãi đúng hạn.
+ Ngân hàng giúp doanh nghiệp thu hồi các khoản nợ, các khoản phải thu mà bên thứ ba đang nợ khách hàng giúp khách hàng giảm bớt các khó khăn về tài chính.
+ Cơ cấu nợ cho DN nếu: DN vẫn hoạt động kinh doanh bình thường, gặp khó khăn trả nợ do bị đối tác trả chậm, chậm xử lý hàng tồn kho… và có phương án thu hồi vốn khả thi, thực hiện cơ cấu nợ cho KH và quản lý nguồn thu chặt chẽ đảm bảo thu hồi nợ khi có nguồn thu.
+ Trường hợp DN sử dụng vốn sai mục đích vay ngắn hạn sử dụng để đầu tư nhà xưởng phục vụ hoạt động kinh doanh dẫn đến không trả nợ đúng hạn, đánh giá lại phương án đầu tư nhà xưởng của KH, hiệu quả hoạt động, có thể xem xét cơ cấu nợ từ ngắn hạn sang trung dài hạn đúng mục đích nếu phương án khả thi. Trường hợp việc đầu tư nhà xưởng không hiệu quả, tạo áp lực thu hồi nợ, xem xét xử lý TSĐB.
+ Trường hợp đánh giá hoạt động DN đã ngưng trệ, không có khả năng thu hồi vốn từ hoạt động kinh doanh, KH không có nguồn thu trả nợ khác, xem xét xử lý TSĐB. Chú ý khi thanh lý tài sản đảm bảo cần phải kiểm tra đầy đủ, chính xác về tài sản đảm bảo, quy trình thanh lý tài sản theo đúng quy định và pháp luật đang ban hành.
- Việc xử lý nợ còn phụ thuộc rất nhiều vào thái độ hợp tác của KH, trường hợp KH không hợp tác trả nợ,bàn giao TSĐB, phải tiến hành kiện ra ṭòa, thời gian và chi phí sẽ rất tốn kém. Do đó ưu tiên đàm phán, giảm lãi quá hạn, thuyết phục, tạo áp lực, hỗ trợ KH bán tài sản để trả nợ.