2.3.1.1 Xác định mục tiêu M&A
Các doanh nghiệp cần đưa ra những mục tiêu rõ ràng, cụ thể trước khi tiến hành M&A. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp lựa chọn khoảng thời gian tiến hành và đối tác phù hợp. Theo phân tích tại mục 2.2, trong các thương vụ M&A tiêu biểu đã diễn ra trong ngành logistics, các doanh nghiệp đều có những mục tiêu khác nhau khi quyết định thực hiện M&A.
Đầu tiên, đối với FedEx và TNT, đây là hai doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chuyển phát nhanh quốc tế nhưng lại có thế mạnh ở các thị trường khác nhau. Tại thời điểm trước M&A, FedEx đang là công ty chuyển phát nhanh hàng đầu ở thị trường Mỹ, trong khi đó, TNT lại chiếm giữ thị phần lớn ở châu Âu. Với mục tiêu mở rộng thị trường kinh doanh, FedEx đã đề xuất mua lại TNT nhằm tận dụng lợi thế sẵn có của TNT tại châu Âu. Tương tự FedEx và TNT, Maersk Sea – land cũng tiến hành mua lại cổ phần của P&O Nedlloyd để củng cố thị phần và giữ vững vị thế trên thị trường vận tải biển. Trước và sau M&A, Maersk đều là doanh nghiệp đứng đầu trong vận tải biển, việc mua lại P&O Nedlloyd giúp Maersk đảm bảo cung ứng dịch vụ đến khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện nhờ vào liên kết giữa nhiều cảng biển với nhau và đội tàu hùng hậu.
Khác với hai trường hợp trên, CMA CGM và NOL cũng như NYK, MOL và ‘K’Line đã quyết định thực hiện M&A khi một trong các bên tham gia đang gặp phải tình hình khó khăn. Sau 5 năm liên tục kinh doanh lỗ, NOL đã bán lại doanh nghiệp cho CMA CGM nhằm bù đắp lại những thất thoát đã xảy ra. Trong khi đó, tại thời điểm trước M&A, cả ba công ty NYK, MOL và ‘K’Line đều rơi vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Nắm được những lợi thế cũng như bất lợi doanh nghiệp đang gặp phải, các hãng vận chuyển này đã lựa chọn M&A nhằm khôi phục lại hoạt động kinh doanh của mình.
Đối với bên mua, M&A giúp giải quyết hai vấn đề tiếp tục phát triển doanh nghiệp ở quy mô, tốc độ trưởng và nâng cao hiệu quả đầu tư nhờ vốn góp mới và cộng hưởng của đối tác. Đối với bên bán, việc M&A có thể đáp ứng mục tiêu xâm
nhập thị trường mới hoặc vực dậy hoạt động kinh doanh đang rơi vào khó khăn. Như vậy, việc xác định mục tiêu M&A là cần thiết đối với cả bên bán và bên mua.
2.3.1.2 Tìm hiểu rõ về vấn đề pháp lý trước khi tiến hành hoạt động M&A
Hoạt động M&A có thể giúp các doanh nghiệp mở rộng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý. Theo Ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch VIAC nhận định vấn đề pháp lý cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại hoặc tranh chấp trong các thương vụ M&A (Trọng Sang, 2018). Vấn đề về pháp lý đều phải được quan tâm bởi cả doanh nghiệp bán và doanh nghiệp mua trước khi tiến hành hoạt động M&A.
Theo phân tích ở mục 2.2.1 về thương vụ M&A giữa FedEx và TNT, thương vụ này không vướng phải bất kì rào cản pháp lý nào. Tuy nhiên trước đó, vào năm 2012, UPS cũng đã từng đề xuất mua lại TNT với giá 6,8 tỷ USD nhưng thỏa thuận đã bị phá vỡ do quyết định của Ủy ban châu Âu (Jeff Berman). Đề nghị mua lại của UPS không thành công sau cuộc điều tra về chống độc quyền tại châu Âu, bởi nếu TNT bị mua lại, UPS sẽ chiếm phần lớn thị phần, tạo sự cạnh tranh không công bằng và ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Ngược lại, FedEx có thị phần ở châu Âu nhỏ hơn nhiều so với UPS, nên thương vụ M&A giữa FedEx và TNT sẽ không tạo ra sự mất cân bằng trong thị trường logistics châu Âu. Nắm bắt được cơ hội này, FedEx đã mua lại thành công TNT với giá 4,9 tỉ USD, thấp hơn UPS đề xuất trước đó. Do đó, để thực hiện M&A, trước hết các doanh nghiệp cả bên bán lẫn bên mua đều phải tìm hiểu và nắm rõ những quy định, điều luật tại thị trường của công ty mục tiêu.
Tính đến thời điểm năm 2019, trên thế giới vẫn chưa ban hành bộ luật chính thức nào về M&A, nhưng hoạt động M&A vẫn được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật như: Luật cạnh tranh, chống độc quyền, luật doanh nghiệp, … Tại châu Âu, “The EC merger regulation” - Quy định về sáp nhập do Ủy ban châu Âu ban hành năm 1989 và sửa đổi năm 2004 đã có những điều khoản quy định đối với các doanh nghiệp muốn thực hiện M&A tại thị trường châu Âu. Các mức áp dụng Quy định về sáp nhập ở châu Âu được thể hiện qua sơ đồ 2.4.