hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên
“Điều 420
d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;”
Theo đó, khi thiệt hại xảy ra thì một trong các bên không đạt được mục đích giao kết hợp đồng như ban đầu. Tuy nhiên, điều khoản này cũng không đưa ra một tiêu chí hay mức độ cụ thể để xác định “thiệt hại nghiêm trọng”. Trong trường hợp này, luật trao toàn quyền cho các bên và cơ quan có thẩm quyền để xác định có “thiệt hại nghiêm trọng” hay không tùy vào từng vụ việc cụ thể. Điều này có thể dẫn đến một số ý kiến bất đồng trong việc diễn giải và áp dụng quy định này trên thực tế.73
Trong thực tiễn xét xử tại Việt Nam từ trước đã có không ít những vụ việc sau khi hợp đồng có hiệu lực, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng gây “thiệt hại nghiêm trọng” cho một bên. Người viết xin dẫn lại hai vụ việc (một vụ việc tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC và một vụ việc tại Tòa án nhân dân) dưới đây. Cả hai vụ việc này đều liên quan đến nhu cầu thay đổi giá đã được các bên thỏa thuận trong hợp đồng (chủ đề chính của việc áp dụng cơ chế điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản).74
Vụ việc thứ nhất: Công ty Việt Nam (Bên Mua) và Công ty nước ngoài (Bên Bán) đã ký một hợp đồng 05 năm với nội dung mua bán hàng hóa cho từng năm và mỗi năm với số lượng cụ thể, giá cụ thể (cùng với thỏa thuận chọn VIAC). Sau đó, các bên tranh chấp với nhau xuất phát từ việc các bên không đạt được thỏa thuận từ việc giá của hàng hóa năm thứ ba trên thị trường chỉ còn bằng 1/3 giá nêu trong hợp
73 PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng và Trần Thị Giang Thu, (2016), tlđd.
74 Đỗ Văn Đại (2015), “Tham luận 4: Điều chỉnh Hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi”, Hội thảo chế định Hợp đồng trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ngày 18 tháng Ba năm 2015, Bộ tư pháp, USAID và VIAC, Hà Nội, Việt Nam.
đồng (bên bán yêu cầu giữ nguyên giá trong hợp đồng còn bên mua yêu cầu giá mới do giá trên thị trường đã giảm còn bằng 1/3 giá trong hợp đồng đã ký trước đó 03 năm) và đưa tranh chấp ra VIAC.75
Trong vụ việc thứ nhất, bên mua Việt Nam có nghĩa vụ phải thực hiện đúng hợp đồng là nhận đúng số lượng đã cam kết cho năm thứ ba với giá đã được nêu cho năm thứ ba ở các cam kết trước đó 03 năm mà các bên thỏa thuận. Rõ ràng, với mức giá như vậy Bên Mua có thể mua được hàng hóa tương đương trên thị trường với khối lượng nhiều gấp 03 lần khối lượng đã nêu trong hợp đồng. Nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng, phía Việt Nam sẽ gặp bất lợi rất lớn.
Vụ việc thứ hai: Năm 1992, ông Hồ Khắc Thiết và bà Hoàng Thị Lới (Bên Mua) đăng ký mua một kiốt số 29B1 của ông Hồ Văn Son và bà Trương Thị Thìn (Bên Bán) với giá 7.800.000 đồng (Bảy triệu tám trăm nghìn đồng) và Bên Mua đã thanh toán được 4.800.000 đồng (Bốn triệu tám trăm nghìn đồng), tức còn thiếu 3.000.000
(Ba triệu đồng) và nhận kiốt. Sau đó các bên có tranh chấp và năm 2006 (14 năm
sau), Tòa án nhân dân tối cao tỉnh Quảng Bình xác định thỏa thuận mua bán trên “là hợp pháp, các bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện”.76
Ở vụ việc thứ hai này, chúng ta thấy có bất công bằng cho bên bán: Nếu áp dụng đúng hợp đồng thì Bên Mua là ông Thiết và bà Lới chỉ phải trả số tiền còn thiếu, là 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) như đã nêu trong thỏa thuận nhưng giá trị của 3.000.000 đồng được thỏa thuận năm 1992 không còn giá trị như ở năm 2006. Vì vậy, nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng, bên bán chỉ được nhận lại 3.000.000 đồng - giá trị không tương xứng vào thời điểm sau đó 14 năm. Điều này cho thấy sự bất công bằng cho Bên Bán (ông Son và bà Thìn).
75 Đỗ Văn Đại (2015), “Tham luận 4: Điều chỉnh Hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi”, tlđd.
76 Quyết định Giám đốc Thẩm số 14/2006/DS-GDT ngày 06/06/2006 về vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản; Xem thêm tại: Đỗ Văn Đại (2014), Luật nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Bản án số 37-39.
2.5. Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích
“Điều 420
đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.”
Điều kiện này đặt ra nghĩa vụ ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích của bên bị ảnh hưỏng bởi sự thay đổi của hoàn cảnh thực hiện hợp đồng. Khi bên có lợi ích bị ảnh hưởng đưa ra yêu cầu nhằm chấm dứt hoặc thay đổi nội dung của hợp đồng thì phải chứng minh rằng mình đã áp dụng “mọi biện pháp cần thiết” mà vẫn không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích từ sự thay đổi đó. Tuy nhiên, luật cũng không quy định thế nào là “biện pháp cần thiết”, có thể gây khó khăn trong việc xác định mức độ thực hiện hành vi ngăn chặn giảm thiểu ảnh hưởng của bên có quyền và lợi ích của bên bị thiệt hại.
Điều kiện thứ năm này được quy định trong BLDS 2015 có thể coi là tương tự với quy định trong Công ước CISG và PICC. Trong khi PICC quy định như sau:
“Điều 6.2.2.
c) các sự kiện này nằm ngoài sự kiểm soát của bên bị bất lợi;”,
thì Công ước CISG quy định như sau: “một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát
của bên đó… người ta không thể… tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó”,77
Từ các quy định tại khoản 1 Điều 420 BLDS năm 2015, để được xem là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” thì phải đáp ứng đồng thời tất cả điều kiện trên, thiếu một trong các điều kiện thì cũng không được xem là thỏa mãn.
Năm điều kiện ở trên là các định nghĩa để xem xét sự kiện “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” trong BLDS Việt Nam 2015. Bên cạnh các điều kiện như: (1) Các sự kiện này xảy ra hoặc được bên bị thiệt hại biết đến sau khi giao kết hợp đồng; (2) Bên bị bất lợi đã không tính đến một cách hợp lý các sự kiện đó khi giao kết hợp đồng; (3) 77 Công ước CISG, tlđd., Điều 79(1).
Các sự kiện đó nằm ngoài sự kiểm soát của bên bị bất lợi, PICC lại quy định về điều kiện (4) Rủi ro về các sự kiện này không được bên bị bất lợi gánh chịu. Điều kiện này là điều kiện khác biệt so với BLDS Việt Nam 2015.
Khoản d, Điều 6.2.2 PICC chỉ ra rằng sự kiện Hoàn cảnh thay đổi cơ bản sẽ không nảy sinh nếu nếu bên thiệt hại đã gánh chịu sự rủi ro. Từ "gánh chịu" cho thấy rõ rằng các rủi ro không nhất thiết phải được gánh chịu một cách rõ ràng, nhưng điều này có thể xuất phát từ chính bản chất của hợp đồng.78 Một bên tham gia vào một giao dịch được coi là chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định, mặc dù có thể không nhận thức đầy đủ về rủi ro đó tại thời điểm giao kết hợp đồng.79
* Các ví dụ giả định
Để phân tích rõ hơn các điều kiện để áp dụng quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản, người viết xin lấy hai ví dụ nhằm mục đích nhận diện “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” hay nói cách khác nhằm xem xét các điều kiện của quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản có được thỏa mãn hay không.
Ví dụ 01: Tháng 01/2017, Công ty A (bên bán) và Công ty B (bên mua) ký hợp
đồng mua bán hàng hóa là tinh bột mì, trong đó các bên thỏa thuận đơn giá là không đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Đến tháng 08/2017, các bên tiếp tục ký Phụ lục Hợp đồng vẫn thống nhất giá không đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Tháng 10/2017, bên B có thông báo yêu cầu giao hàng, tuy nhiên vài ngày sau đó bên A gửi thông báo không giao được hàng với lí do đưa ra là bệnh khảm lá ở cây mì (truyền thông đưa tin về bệnh này vào tháng 07/2017) làm giá nguyên liệu tăng dẫn đến nguyên liệu đầu vào không ổn định, khan hiếm và đề xuất tăng giá bán. Bên B không đồng ý và khởi kiện yêu cầu bên A chịu phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại.
Ví dụ 02: Công ty A (bên cho thuê lại) và Công ty B (bên thuê lại) ký hợp đồng
thuê lại đất, thời hạn thuê là từ năm 2001 đến năm 2050, trong đó các bên thỏa thuận
78 Dịch giả: TS. Nguyễn Minh Hằng (2014), tlđd., tr. 266.
giá hợp đồng là giá thị trường tại thời điểm ký kết. Khi Uỷ ban Nhân dân (UBND) cấp tỉnh có quyết định tăng giá thuê đất, dẫn đến việc bên A phải trả tiền thuê đất với giá cao hơn, hai bên xảy ra tranh chấp về giá đất thuê lại khi bên A yêu cầu bên B trả giá thuê đất tương ứng với giá thuê mà bên A trả cho Nhà nước. Do điều khoản về tiền thuê đất trong hợp đồng không rõ ràng dẫn đến tranh chấp vẫn chưa được giải quyết.
Sau khi nghiên cứu tình huống của hai vụ việc, người viết có những bình luận như sau:
Về điều kiện thứ nhất, sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng. Trong Ví dụ 01, điều kiện này là không được thỏa mãn. Mặc dù xuất hiện nguyên nhân khách quan là dịch bệnh khảm lá ở cây mì, tuy nhiên thời điểm xảy ra dịch bệnh này là trước khi ký Phụ lục hợp đồng (theo thông tin trên phương tiện truyền thông cho thấy tháng 07/2017 đã có thông tin dịch bệnh ở cây mì, trong khi đến tháng 08/2017 các bên mới ký phụ lục hợp đồng thống nhất giá vẫn không đổi). Do đó không thể nói đây là sự kiện nằm ngoài sự kiểm soát của các bên làm cho bên vi phạm không thực hiện được hợp đồng.
Ngược lại, ở Ví dụ 02, điều kiện này lại được thỏa mãn. Nguyên nhân khách quan chính là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà cụ thể là quyết định về tăng giá đất của UBND tỉnh được ban hành sau khi hai bên đã ký kết hợp đồng thuê lại đất.
Về điều kiện thứ hai, tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh. Trong Ví dụ 01, điều kiện này là không thỏa mãn, vì xét thời điểm ký Hợp đồng, phụ lục hợp đồng, thời điểm phát sinh dịch bệnh cũng như thời điểm có thông báo yêu cầu giao hàng thì rõ ràng có thể thấy vì thời điểm phát sinh dịch bệnh là khoảng tháng 07/2017 hoặc trước đó, đến tháng 08/2017 khi ký Phụ lục hợp đồng các bên vẫn thống nhất giá không đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Bên cung cấp sản phẩm tinh bột mì cần biết và có nghĩa vụ phải biết về các dịch bệnh có thể xảy ra ở cây mì thông qua các bản tin trên phương
tiện truyền thông. Việc bên cung cấp không dự đoán được dịch bệnh là do năng lực yếu kém hoặc không sát sao vào công việc.
Còn ở Ví dụ 02, câu hỏi đặt ra là liệu quyết định tăng giá thuê đất của UBND tỉnh có thể lường trước được hay không? Trong trường hợp này, bên A không thể viện dẫn điều khoản “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, bởi tại thời điểm ký hợp đồng, A đáng lẽ phải tính đến việc giá đất có thể biến động (tăng hoặc giảm) so với thời điểm ký hợp đồng, nhất là khi khoảng thời gian thực hiện hợp đồng là một khoảng thời gian tương đối dài (50 năm).
Về điều kiện thứ ba, hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác. Điều kiện này là thỏa mãn ở cả hai ví dụ được nêu ra phía trên. Trong Ví dụ 01, nếu biết trước xảy ra dịch bệnh khảm lá ở cây mì dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào tăng thì bên A đã không đồng ý với mức giá tinh bột mì (gây bất lợi cho mình). Tương tự, trong Ví dụ 02, nếu biết trước giá thuê đất sẽ tăng theo quyết định của cơ quan nhà nước thì Bên A đã không thống nhất mức giá thuê như trong hợp đồng ký kết.
Có thể thấy ở Ví dụ 01, dù cho bên bị bất lợi vô tình không nhận thức được sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản có thể xảy ra (có thể do năng lực dự đoán kém) thì điều kiện này vẫn được thỏa mãn. Quy định này cho thấy các bên cần có ý thức nghiên cứu cẩn thận, kỹ càng trước khi quyết định giao kết hợp đồng.
Về điều kiện thứ tư, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Trong Ví dụ
01, điều kiện này là không thỏa mãn. Tuy thực tế dịch bệnh khảm lá ở cây khoai mì
đã khiến cho nguyên liệu đầu vào không ổn định và khan hiếm, nếu tiếp tục thực hiện việc giao hàng với mức giá đã thỏa thuận trong hợp đồng thì sẽ gây thiệt hại cho bên bán, nhất là khi số lượng hàng hóa phải giao là rất lớn. Nhưng việc không lường trước được dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là khi mầm dịch bệnh đã được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông thì đây là rủi ro mà bên bán phải gánh chịu do sự thiếu tìm hiểu của mình.
Còn ở Ví dụ 02, nếu tiếp tục hợp đồng thì bên cho thuê lại sẽ phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước cao hơn so với giá đã thỏa thuận với Bên thuê lại trong khoảng thời gian quy định trong hợp đồng. Điều này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho Bên cho thuê.
Về điều kiện thứ năm, bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Điều kiện này là không thỏa mãn trong Ví dụ 01, bởi vì khi nhận được thông báo yêu cầu giao hàng của bên A thì ngay sau đó bên B đã gửi thông báo là không giao được hàng. Liệu trong vài ngày bên B đã áp dụng “mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép” hay chưa? Và trước khi có thông báo giao hàng của bên A, bên B cũng không chủ động liên lạc trước với bên A để thông báo về khó khăn mình gặp phải để các bên cùng đàm phán lại hợp đồng hoặc tìm cách khắc phục mà chỉ khi bên A yêu cầu giao hàng thì bên B mới phản hồi lại là không giao hàng được do bệnh dịch và đề nghị bên A tăng giá.
Trái lại, trong Ví dụ 02, điều kiện này là thỏa mãn bởi quyết định tăng giá thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ban hành có tính chất bắt buộc, đặt bên bị điều chỉnh (bên cho thuê lại) trong tình thế bị động, bắt buộc phải thực hiện và không thể làm gì để ngăn chặn hay "giảm thiểu mức độ ảnh hưởng" từ quyết định của UBND này.
Từ những phân tích về các ví dụ ở trên, để được công nhận là hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì cần phải đáp ứng đủ 05 điều kiện luật định như đã nêu. Trong cả hai ví dụ ở trên, có một số điều kiện được thỏa mãn, nhưng một số điều kiện khác không được thỏa mãn; vì vậy đều không được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
* Các ví dụ thực tế
Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc liên quan đến việc xác định sự kiện Hoàn cảnh