Xây dựng mô hình quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam (Trang 73 - 77)

3.2. Các biện pháp quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ tại Agribank

3.2.1. Xây dựng mô hình quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ

Quản trị rủi ro cần phải được thực hiện tại tất cả các cấp trong ngân hàng dù ngân hàng có cơ cấu tổ chức hay áp dụng phương pháp quản trị rủi ro nào. Agribank cần áp dụng cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro phù hợp và tương ứng với quy mô, hoạt động kinh doanh của mình, nhằm tạo ra một cơ chế vừa chặt chẽ vừa linh hoạt để giám sát và vận hành.

Hình 8 - Sơ đồ đề xuất mô hình quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ

Theo tiêu chuẩn quốc tế, bộ máy quản trị rủi ro của ngân hàng bao gồm 03 tuyến kiểm soát rủi ro. Theo đó, Agribank cần có văn bản quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng bộ phận, cụ thể như sau:

Hội đồng Thành viên chịu trách nhiệm cao nhất trong công tác quản trị rủi ro hoạt động kinh doanh ngoại tệ của Agribank. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng Thành viên có thể ủy quyền cho Tổng giám đốc hoặc một bộ phận chịu trách nhiệm quản trị rủi ro nhưng vẫn chịu trách nhiệm cuối cùng và cao nhất trong công tác quản trị rủi ro. Hội đồng Thành viên chịu trách nhiệm ban hành chiến lược, khẩu vị, chính sách quản trị rủi ro và định kỳ xem xét, sửa đổi bổ sung khi cần thiết; phê duyệt cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro và phê duyệt các hạn mức cho hoạt động kinh doanh ngoại tệ, đưa ra các quyết định trong thẩm quyền.

Ban điều hành đứng đầu là Tổng giám đốc chịu trách nhiệm ban hành các văn bản về quy trình hướng dẫn quản trị rủi ro; chỉ đạo việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động kinh doanh phù hợp với chiến lược, khẩu vị rủi ro do Hội đồng Thành viên phê duyệt; đảm bảo các hoạt động kinh doanh tuân thủ theo các chính sách và quy trình quản trị rủi ro; phê duyệt các hạn mức và các trường hợp vi phạm hạn mức trong thẩm quyền đã được quy định; chỉ đạo việc triển khai các hành động xử lý rủi ro trên cơ sở đề xuất của Uỷ ban Quản lý Tài sản Nợ - Tài sản Có (ALCO) và Trung tâm Phòng ngừa và Xử lý rủi ro (PN&XLRR); tham gia vào Uỷ ban Quản lý rủi ro (QLRR) và quá trình ra quyết định theo Quy chế hoạt động của Uỷ ban Quản lý rủi ro.

Ủy Ban Quản lý rủi ro tham mưu, trình Hội đồng Thành viên ban hành chiến lược, chính sách quản trị rủi ro, phê duyệt khẩu vị rủi ro, cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, quy trình nhận diện, đo lường, kiểm soát, giám sát và báo cáo rủi ro và định kỳ rà soát và điều chỉnh khi cần thiết. Ủy Ban Quản lý rủi ro cũng chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai và kết quả thực hiện của Uỷ ban ALCO trong việc thực thi chiến lược, chính sách quản trị rủi ro; xem xét, cho ý kiến về các báo cáo quản trị rủi ro định kỳ và báo cáo theo yêu cầu (báo cáo về mức độ rủi ro; báo cáo về trạng thái ngoại tệ, báo cáo kết quả

kinh doanh ngoại tệ...) của Uỷ ban ALCO; tham mưu, trình Hội đồng Thành viên phê duyệt mức dấu hiệu cảnh báo sớm đối với từng loại hạn mức thiết lập cho các đơn vị kinh doanh; xem xét kế hoạch hành động do Uỷ ban ALCO quyết định và giám sát bao quát tình hình việc thực hiện kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ.

Uỷ ban ALCO xây dựng và thực hiện chính sách, quy trình quản trị rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất do Hội đồng Thành viên phê duyệt; xây dựng định hướng lãi suất trình Ban điều hành phê duyệt để làm cơ sở cho Trung tâm Vốn xây dựng kế hoạch kinh doanh. Uỷ ban ALCO vận hành hệ thống thông tin quản trị để đo lường rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, theo dõi việc tuân thủ các hạn mức rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất và các chương trình giám sát rủi ro báo cáo lên Ban điều hành. Uỷ ban ALCO cũng chỉ đạo Trung tâm Vốn trong hoạt động hàng ngày theo các quy trình và hạn mức quản trị rủi ro đã được ban hành.

Trung tâm PN&XLRR - Bộ phận quản trị rủi ro thị trường chịu trách nhiệm xây dựng, đề xuất và rà soát chính sách và phương pháp luận quản trị rủi ro để nhận diện, đo lường, kiểm soát, giám sát và xử lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ từ các đơn vị kinh doanh một cách chính xác báo cáo lên Uỷ ban ALCO và Ban điều hành; xây dựng mô hình sử dụng trong công tác quản trị rủi ro và các văn bản hướng dẫn có liên quan trình Uỷ ban ALCO và Ban điều hành phê duyệt; định kỳ đánh giá phân tích độc lập, báo cáo và đề xuất Uỷ ban ALCO và Ban điều hành về quản trị rủi ro và kế hoạch hành động. Khi xảy ra các vấn đề nghiêm trọng, phải báo cáo kịp thời Uỷ ban ALCO và Ban điều hành xem xét; đảm bảo các thông tin đo lường rủi ro chính xác và đầy đủ; tham gia vào quá trình đánh giá và xem xét các sản phẩm mới, đảm bảo xem xét đầy đủ các vấn đề có liên quan đến rủi ro; giám sát và đảm bảo mức rủi ro nằm trong các giới hạn đã được phê duyệt; báo cáo các trường hợp vi phạm lên các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định; nghiên cứu đề xuất lên Uỷ ban Quản lý rủi ro thông qua Ban điều hành thiết lập các mức dấu hiệu cảnh báo sớm cho từng loại giới hạn cụ thể; lập

các báo cáo định kỳ và các báo cáo đột xuất theo yêu cầu của các Cơ quan quản lý Nhà nước.

Phòng Kinh doanh ngoại tệ đưa ra các quyết định kinh doanh hàng ngày và phải đảm bảo các hoạt động này tuân thủ các chiến lược, khẩu vị rủi ro, chính sách và giới hạn về quản trị rủi ro; quản lý các trạng thái ngoại tệ của Agribank, đảm bảo tuân thủ với chiến lược quản trị rủi ro; phối hợp đề xuất cho Trung tâm PN&XLRR và Ban điều hành các kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu rủi ro dựa trên kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động kinh doanh ngoại tệ; góp ý đối với các đề xuất liên quan đến chiến lược, chính sách, giới hạn về rủi ro của Trung tâm PN&XLRR khi được yêu cầu; phát hiện và báo cáo mọi yếu tố bất thường và các sự kiện của thị trường lên Uỷ ban ALCO và Ban điều hành. Phòng Quản lý rủi ro chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động của phòng Kinh doanh ngoại tệ phù hợp với các quy định hiện hành, đề xuất quy trình kinh doanh ngoại tệ, báo cáo về các trường hợp vi phạm và đề xuất các biện pháp xử lý tình huống lên Ban Lãnh đạo Trung tâm Vốn.

Bộ phận Kiểm toán nội bộ định kỳ hàng năm kiểm tra, rà soát, đánh giá độc lập và khách quan về việc chấp hành chiến lược, chính sách, quy trình quản trị rủi ro, các giới hạn rủi ro và kiến nghị các biện pháp hoàn thiện, biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót; kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ về quản trị rủi ro và theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau kiểm toán nội bộ của các đơn vị, bộ phận. Bộ phận này cũng phải định kỳ đánh giá chất lượng, hiệu quả của khung quản trị rủi ro của Agribank, đánh giá việc triển khai các chính sách và quy trình quản trị rủi ro bao gồm cả các quy trình được thực hiện bằng hệ thống thông tin điện tử. Kết quả kiểm toán nội bộ đối với khung quản trị rủi ro phải được báo cáo kịp thời cho Hội đồng Thành viên, Ban điều hành và Ban Kiểm soát của Agribank.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam (Trang 73 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)