Các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô:

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại NHTMCP kỹ thương việt nam khoá luận tốt nghiệp 110 (Trang 27 - 29)

1.3.1.1. Môi trường chính trị - pháp luật

Mỗi quốc gia đều tồn tại một thể chế chính trị nhất định, sự ổn định của chính trị sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và chất lượng tín dụng nói riêng. Tại một nước có nền chính trị ổn định, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngược lại, trong xã hội có nền chính trị bất ổn thì việc kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng xấu tới chất lượng tín dụng ngân hàng.

Nhân tố pháp lý bao gồm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính đầy đủ, thống nhất của các văn bản dưới luật, đồng thời gắn liền với quá trình chấp hành pháp luật và trình độ dân trí trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tại các quốc gia có môi trường pháp lý tốt, pháp luật ngân hàng nói chung cũng như pháp luật tín dụng nói riêng rất được chú trọng, điều này sẽ giúp cho hoạt động tín dụng của ngân hàng diễn ra trôi chảy, từ đó góp phần nâng cao chất lượng tín dụng ngân hàng.

Ngoài ra, hệ thống chính trị - pháp luật tốt sẽ góp phần răn đe và hạn chế các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng từ đó giúp cho hoạt động tín dụng được lành mạnh hơn.

1.3.1.2. Môi trường kinh tế

Môi trường kinh tế bao gồm các yếu tố như chu kỳ kinh tế, chính sách kinh tế, chính sách đầu tư và tiết kiệm, tình hình lạm phát, tỷ giá... ảnh hưởng đến khả năng thu nhập, tiết kiệm, đầu tư, thanh toán, chi tiêu, nhu cầu về vốn và tiền gửi của khách hàng. Những yếu tố này có tác động mạnh đến nhu cầu và cách thức sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong đó có sản phẩm tín dụng.

Chu kỳ kinh tế có tác động không nhỏ tới hoạt động tín dụng. Trong thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng, sản xuất phát triển thì nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên. Đây là điều kiện thuận lợi để ngân hàng mở rộng quy mô cho vay, đồng thời quan tâm nâng cao chất lượng cho vay, đảm bảo an toàn vốn và thu được mức lợi nhuận cao nhất. Ngược lại, khi nền kinh tế ở vào thời kỳ suy thoái thì sản xuất bị kìm hãm từ đó làm giảm nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và kéo theo phạm vi đầu tư của NHTM bị thu hẹp.

Sự biến động của lãi suất cũng ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng. Lãi suất vừa là chi phí cũng vừa là lợi nhuận tín dụng của ngân hàng. Khi lãi suất thị trường tăng cao, các NHTM sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình huy động vốn nhằm đảm bảo hoạt động cho vay. Thêm vào đó, khi lãi suất huy động tăng cao, các NHTM sẽ phải cho vay với lãi suất cao hơn nhằm bù đắp chi phí tín dụng. Nhưng nếu mức lãi suất cho vay lớn hơn mức lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ có thể gây ra rủi ro tín dụng cho ngân hàng, do khi đó doanh nghiệp sẽ không có khả năng trả nợ.

Thêm một yếu tố nữa là lạm phát, khi tỷ lệ lạm phát tăng cao sẽ dẫn đến sự gia tăng của các chi phí đầu vào đối với doanh nghiệp, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm và làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đối với các dự án đầu tư dài hạn, lạm phát cao sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh của vốn đầu tư vượt quá dự toán ban đầu khi tiến hành vay vốn. Do vậy, tỷ lệ lạm phát cao sẽ tác động rất lớn tới các doanh nghiệp vay vốn và từ đó làm giảm khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

1.3.1.3. Môi trường khoa học - công nghệ

Hoạt động ngân hàng không thể tách rời sự phát triển của công nghệ thông tin. Phương thức trao đổi giữa khách hàng và ngân hàng rất nhạy cảm với các tiến bộ về công nghệ. Nhờ công nghệ thông tin mà nhiều sản phẩm dịch vụ mới, hiện đại được ra đời, ranh giới giữa thị trường nội địa và quốc tế bị xóa nhòa bởi mạng thông tin toàn cầu Internet. Thái độ của khách hàng còn tùy thuộc vào công nghệ mà ngân hàng đang sử dụng cũng như mức độ thỏa mãn nhu cầu mong muốn của khách hàng.

Với công nghệ hiện đại như ngày nay cho phép các ngân hàng tiến hành quy trình giao dịch một cửa, rút ngắn thời gian giao dịch, chuyển tiền và nhận tiền vô cùng thuận tiện, tính bảo mật cao, hiện đại hóa và đơn giản hóa quy trình thủ tục cho vay... từ đó thu hút khách hàng đến giao dịch với ngân hàng.

1.3.1.4. Môi trường văn hóa - xã hội

Môi trường văn hóa - xã hội tạo nên tập quán, thói quen, tâm lý... của khách hàng. Đạo đức xã hội có liên quan đến rủi ro tín dụng trong trường hợp lợi dụng lòng tin để lừa đảo, hoặc do điều kiện sống còn khó khăn, trình độ dân trí còn chưa cao, sự kém hiểu biết dẫn đến chưa hiểu đúng bản chất hoạt động của ngân hàng nói chung cũng như hoạt động tín dụng nói riêng. Sự làm ăn kém hiệu quả, nhiều khi không phát huy tốt chức năng của các phương tiện tín dụng ngắn hạn.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại NHTMCP kỹ thương việt nam khoá luận tốt nghiệp 110 (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(153 trang)
w