2.3.3.1. Nguyên nhân khách quan
Môi trường kinh tế quyết định rất lớn đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng vì thế khi mà nghiên cứu môi trường kinh doanh của chi nhánh ngân hàng ta có thể tìm thấy rất nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho ngân hàng làm cho chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng:
Trong 3 năm qua, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Xung đột và thiên tai xảy ra ở nhiều nơi. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lần này được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ sau Đại suy thoái kinh tế thế giới 1929-1933. Nhiều nước công nghiệp phát triển đã điều chỉnh mạnh chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực và diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Biển Hoa Đông... Thực trạng trên tác động bất lợi đến phát triển kinh tế- xã hội nước ta.
Trong nước, những hạn chế yếu kém vốn có của nền kinh tế cùng với mặt trái của chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã làm cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế tăng trưởng chậm lại, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn. Tăng trương GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%). Công nghiệp tăng trưởng chậm, xuất khẩu nông sản khó khăn, hiệu quả thấp, khả năng
phòng tránh, giảm nhẹ tác hại của thiên tai đối với sản xuất và đời sống, nhất là sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Trong năm 2011, lạm phát tăng cao, các mức lãi suất điều hành được điều chỉnh tăng để kiểm soát lạm phát, theo đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ 9-15%/năm, lãi suất cho vay qua đên trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 9-16%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 7-13%/năm; quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng VNĐ 14%/năm. Quy định trần lãi suất huy động USD của cá nhân là 3% và của tổ chức kinh tế là 1%/năm. Đặc biệt tình hình lãi suất cho vay và huy động trong năm 2011 có những biến động mạnh. Lạm phát tăng cao làm cho việc huy động vốn của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Để huy động được vốn, hoặc không muốn vốn từ ngân hàng mình chạy sang ngân hàng khác, nhiều ngân hàng phải nâng lãi suất huy động sát với diễn biến của thị trường vốn. Có những thời điểm cuộc chạy đua lãi suất của các NHTM tưởng chừng không có điểm dừng, lãi suất huy động đã được các ngân hàng đẩy lên rất cao lên tới 17-18%/năm với các kỳ hạn ngắn. Do lãi suất huy động tăng cao nên lãi suất cho vay khi đó phổ biến ở mức 19-20%, có khi lên tới 22-23%, lớn hơn rất nhiều so với tỷ suất lợi nhuận của đa phần các doanh nghiệp. Việc trả lãi đè nặng lên các doanh nghiệp vay vốn dẫn tới chi phí giá thành tăng cao, lợi nhuận giảm, kèm theo đó là năng lực tài chính của các doanh nghiệp giảm đáng kể, luân chuyển vốn chậm, không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ ngân hàng, dẫn tới nợ quá hạn, nợ xấu tăng đột biến. Các doanh nghiệp khó khăn về tài chính đều gặp phải trở ngại trong việc thanh toán tiền hàng, việc thu tiền bán hàng chậm, doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn dẫn đến các ngân hàng phải điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ và chuyển các món nợ vào nợ quá hạn, nợ xấu.
Sang tới năm 2012, lạm phát đã được kiểm soát tốt hơn, lãi suất bắt đầu có xu hướng giảm xuống. Các mức lãi suất điều hành và lãi suất huy động vốn tối đa bằng VND được điều chỉnh giảm 5-6%/năm. Cùng với đó NHNN cũng đã thực hiện giảm trần lãi suất huy động nhiều lần để có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xu hướng ổn định theo chiều hướng giảm của lãi suất thị trường đã duy trì trong năm 2012 và 2013, tuy nhiên hoạt động tín dụng của ngân hàng không vì thế mà có những chuyển biến tích cực hơn.
Nợ xấu là rào cản đối với hoạt động ngân hàng: Dù nhìn vào con số thì có thể thấy rằng nợ xấu đang giảm đi nhưng mức độ giảm thực tế ra sao thì vẫn chưa đánh giá được, bởi việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường, trong khi tiêu thụ hàng hóa còn chậm, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn thấp. Thị trường BĐS chậm phục hồi, TTTC trì trệ càng gây khó khăn cho việc bán, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ. Trong khi đó các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường BĐS luôn có độ trễ và cần phải có thời gian để phát huy tác dụng. Cơ chế chính sách xử lý TSBĐ còn rất nhiều vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu. VAMC đã được thành lập, đã mua nợ, song việc giải quyết số nợ này ra sao là cả một vấn đề chưa có hướng đi cụ thể.
Tổng cầu suy giảm gây khó khăn cho việc hấp thụ vốn: Khác với giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả năm 2013 chỉ đạt xấp xỉ mục tiêu đề ra là khoảng 11%. Ngay cả khi mặt bằng lãi suất cả năm đã giảm 2-5% so với cuối năm 2012 và trở về ngang bằng lãi suất ổn định của giai đoạn năm 2005- 2006, tăng trưởng tín dụng vẫn khó khăn. Một mặt, rủi ro nợ xấu cản trở tín dụng, nợ xấu tồn đọng, các doanh nghiệp không dễ trả được, kể cả khi đã phát mại TSBĐ, khiến cho các ngân hàng cũng thận trọng hơn. Mặt khác là do tổng cầu thấp, doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ vốn. Thực tế cho thấy, lợi nhuận của các DN niêm yết ngành cao sư quý III/2013 giảm trên 30%, ngành khoáng sản giảm gần 60%, ... vì vậy dù lãi suất đã hạ, nhiều gói ưu đãi được thiết kế, song không thể giải quyết được nên việc mở rộng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng khoản vay vẫn rất khó khăn.
Một nguyên nhân nữa là khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện tái cơ cấu chậm: hơn một năm qua, tiến trình cổ phần hóa vẫn hết sức chậm chạp, năm
2012 cả nước chỉ cổ phần hóa được 13 DN, bằng 14% kế hoạch. 7 tháng đầu năm
2013 cũng chỉ thêm được 16 DN cổ phần hóa. Việc thoái vốn ì ạch vì thị trường BĐS, TTCK đều đi xuống. Thoái vốn còn theo tư duy để cắt lỗ chứ không phải để phân bổ lại nguồn lực. Vì thế không những không thực hiện được chức năng là “lực đẩy” cho phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng, bởi đây là đối tượng khách hàng rất lớn của các NHTM, là nơi hấp thụ vốn của nền kinh tế và cũng là nơi tạo ra của cải vật chất cho xã hội nên tháo gỡ nút thắt từ phía DNNN
được coi là giải pháp quan trọng để cải thiện hoạt động tín dụng. Tái cơ cấu nền kinh tế thông qua cổ phần hóa DNNN là một nhiệm vụ cấp bách trước bối cảnh kinh tế suy thoái. Do đó, việc chậm trễ trong công cuộc tái cơ cấu DNNN là một nguyên nhân gây khó khăn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
2.3.3.2. Nguyên nhân chủ quan từ phía ngân hàng:
Nợ xấu hiện nay Ngân hàng phải gánh chịu là hệ quả của việc đã có một thời gian dài chạy theo lợi nhuận bằng việc duy trì chính sách tăng trưởng tín dụng cao (luôn tăng trên 25%/năm) qua nhiều năm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng đã không ngần ngại điều chỉnh “khẩu vị rủi ro” để có thể mạnh tay trong việc giải ngân, thiếu đánh giá và dự báo dẫn đến việc cho vay các ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, tiêu dùng tín chấp,...
Bên cạnh việc theo đuổi chính sách tín dụng chứa đựng nhiểu rủi ro, công tác quản lý tín dụng của ngân hàng cũng còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong khâu giám sát và quản lý vốn vay. Một số cá nhân, doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích, đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao, dẫn đến thua lỗ và mất khả năng chi trả. Trong khi đó, Ngân hàng lại không hề hay biết hoặc cố tình không biết, lờ đi của một số cán bộ và khi chuyện vỡ lở thì đã quá muôn.
Một nguyên nhân đáng lưu ý khác dẫn đến nợ xấu tăng là năng lực thẩm định, phê duyệt trước khi cấp tín dụng của Ngân hàng còn hạn chế. Điều này dẫn đến thẩm định và phê duyệt tín dụng không đúng thực tế, từ đó phát sinh nợ xấu. Cán bộ tín dụng của Techcombank hiện nay đa số là cán bộ trẻ có trình độ, có nhiệt tình say mê trong công việc song còn thiếu kinh nghiệm, kém nhạy bén với thị trường tín dụng. Cán bộ tín dụng vẫn có lúc đánh giá phân tích thông tin chưa sâu, xử lý thông tin không triệt để nên đôi khi đánh giá phương án kinh doanh của khách hàng không được chính xác, chưa phân tích hết được năng lực tài chính cũng như uy tín, tư cách đạo đức của khách hàng vay vốn.
2.3.3.3. Nguyên nhân từ phía khách hàng của ngân hàng
Nguyên nhân từ phía khách hàng chiếm phần lớn trong các nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng cho ngân hàng:
Thứ nhất, do năng lực của người đi vay: năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính và quản lý của khách hàng còn nhiều hạn chế. Thực tế ở nước ta, đặc biệt là
các doanh nghiệp Nhà nước, không phải nhà lãnh đạo nào cũng có kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh, ... Sự hạn chế này dẫn đến khả năng các tổ chức kinh doanh kém, việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả, không trả được nợ cho ngân hàng theo như hợp đồng vay vốn đã kí kết, tác động xấu tới chất lượng khoản vay đó nói riêng và chất lượng tín dụng nói chung của ngân hàng.
Thứ hai, do tư cách của người đi vay: hiện nay tình trạng các doanh nghiệp đối phó với các ngân hàng thông qua việc cung cấp các số liệu không trung thực là phổ biến, vì các doanh nghiệp khi vay vốn muốn tạo cho bản thân mình có báo cáo tài chính đẹp để có thể dễ dàng nhận được một khoản vay lớn với lãi suất thấp, mặc dù các số liệu này có thể đã được các cơ quan chức năng kiểm duyệt. Mặc dù chế độ kế toán đã ban hành và được thực hiện từ vài năm nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều không thực hiện nghiêm túc. Thêm vào đó, các cán bộ ngân hàng chủ yếu lại chỉ phân tích tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng dựa trên BCTC mà khách hàng vay vốn cung cấp. Điều này gây khó khăn cho ngân hàng trong việc nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như việc quản lý vốn vay tại đơn vị vay vốn. Hiện nay, vốn ghi trong điều lệ của một số doanh nghiệp chỉ là hình thức vì vốn điều lệ là số vốn do cá thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời gian nhất định. Do luật cho phép ghi số vốn điều lệ mà các thành viên mới chỉ cam kết đóng góp, có thể chưa đóng góp thực sự nên có doanh nghiệp có vốn đăng ký kinh doanh hàng tỷ đồng nhưng thực tế lại thấp hơn nhiều.
Có nhiều doanh nghiệp sử dụng giấy tờ giả của cùng một loại tài sản để đi thế chấp ở nhiều ngân hàng khác nhau. Điển hình như vụ công ty TNHH Trường Ngân hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê nguyên liệu đã từng có quan hệ khá tốt với các ngân hàng nhưng đã dùng cùng một tài sản bảo đảm là số cà phê trong kho để vay vốn 7 ngân hàng, trong đó có ngân hàng Techcombank. Số tiền vay tổng cộng là 600 tỷ đồng trong khi tới 6/2013 trong kho chỉ còn khoảng 3.000 tấn, tương đương khoảng 100 tỷ đồng.
Thứ ba, do đối tác, khách hàng của người vay vốn làm công nợ tồn đọng: đây là một hiện tượng khá phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp muốn bán được hàng thì phải chấp nhận bán chịu cho người mua (tín dụng thương mại), tuy nhiên các đối tác dây dưa không chịu trả tiền, do vậy mà người vay vốn cũng không có
nguồn để trả nợ cho ngân hàng. Nhất là trong thời kỳ khó khăn như giai đoạn 2011- 2013, sức cầu yếu dẫn tới hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhiều, không bán được hàng thì cũng không ai muốn thanh toán tiền hàng nhập vào. Từ đó kéo theo một chuỗi những mắt xích trong nền kinh tế gây nợ quá hạn cho ngân hàng.
Thêm nữa, do khách hàng vay vốn thiếu những thông tin cần thiết cho hoạt động kinh doanh: Trong bối cảnh kinh tế thị trường, việc nắm bắt được thông tin là vô cùng quan trọng, nó có thể quyết định thành bại trong mọi hoạt động, dự án sản suất kinh doanh của khách hàng vay vốn. Với khách hàng cá nhân, việc nắm bắt được thông tin về thị trường như giá cả hàng hóa muốn mua (ô tô, nhà đất, du học, nguyên vật liệu xây dựng nhà,...) có thể giúp giảm được đáng kể chi phí nếu mua đúng thời điểm. Do thiếu thông tin, không nắm bắt được tình hình diễn biến nền kinh tế nên nhiều khách hàng vay vốn đã cho ra những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của thị trường, dẫn tới không tiêu thụ được, nhiều khách hàng đầu tư không đúng thời điểm làm chi phí tăng cao, hiệu quả thu được thấp, gây lãng phí nguồn vốn, lại không có khả năng để hoàn trả cho ngân hàng.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Từ việc phân tích tình hình chất lượng tín dụng qua những chỉ tiêu định tính và định lượng, có thể nói rằng chất lượng hoạt động tín dụng tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam giai đoạn 2011-2013 còn chưa cao. Do đó, việc nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tín dụng luôn là mục tiêu không thể thiếu và cần thiết của Ngân hàng trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong lĩnh vực ngân hàng, quá trình hội nhập của các ngân hàng thương mại nước ngoài. Chương 2 của khóa luận đã phản ánh được những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế đó để làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những giải pháp khắc phục và thực hiện.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN D ỤNG T ẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN KỸ THƯƠNG VIỆT NAM