Các yếu tố thuộc môi trường vi mô

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại NHTMCP kỹ thương việt nam khoá luận tốt nghiệp 110 (Trang 29 - 32)

1.3.2.1. Các yếu tố thuộc về phía ngân hàng

a, Chính sách tín dụng

Chính sách tín dụng là một trong những chính sách quan trọng hàng đầu của NHTM. Chính sách tín dụng được xem là chủ trương, đường lối xuyên suốt quá trình phát triển của NHTM, chính sách tín dụng đảm bảo cho sự phát triển đúng hướng của hoạt động tín dụng ngân hàng. Neu có được chính sách tín dụng đúng đắn và linh hoạt sẽ giúp cho các cán bộ sẽ dàng trong việc ra các quyết định cho vay và xây dựng danh mục cho vay có hiệu quả, có thể đạt được nhiều mục tiêu đồng thời tránh được những sai lầm trong hoạt động cho vay, góp phần cải thiện chất lượng tín dụng.

Một chính sách tín dụng tốt phải đảm bảo 3 mục tiêu cơ bản:

- Lợi nhuận của NHTM

- Đảm bảo an toàn trong hoạt động

- Sự lành mạnh của các khoản tín dụng

Bất cứ một ngân hàng nào muốn đạt được hiệu quả cao trong kinh doanh thì phải vạch rõ một chính sách tín dụng thích hợp qua đó xác định phương hướng huy động và sử dụng các nguồn vốn nhằm tạo ra các tài sản có chất lượng cao và ít rủi ro. Chính sách tín dụng của các NHTM trong các thời kỳ khác nhau thì mang những đặc điểm khác nhau nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn của nền kinh tế.

b, Quy trình tín dụng

Quy trình tín dụng là sự cụ thể hóa chính sách tín dụng, bao gồm các bước các quy định phải thực hiện trong quá trình cho vay và thu nợ nhằm bảo đảm an toàn vốn tín dụng. Quy trình tín dụng bao gồm nhiều khâu, bắt đầu từ khâu chuẩn bị cho vay, giải ngân đến khi thu hồi được hết nợ.

Việc nắm bắt quy trình cho vay và phối hợp chặt chẽ các bước của quy trình cho vay là căn cứ để ngân hàng kiểm soát tiến trình cấp tín dụng và điều chỉnh chính sách tín dụng đối với khách hàng cho phù hợp với thực tế thông qua đó thực hiện kiểm soát và hạn chế rủi ro tín dụng phát sinh.

c, Hệ thống thông tin tín dụng:

Thông tin tín dụng đóng vai trò là yếu tố không thể thiếu và rất quan trọng trong quản lý tín dụng của ngân hàng. Thông tin tín dụng có thể được thu thập từ

khách hàng, từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, từ trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Đây là cơ sở để cán bộ tín dụng thực hiện phân tích tình hình tài chính, uy tín, tính khả thi của phương án, dự án mà doanh nghiệp xin vay vốn để đưa ra lựa chọn tín dụng tốt nhất. Đồng thời có biện pháp theo dõi, xử lý nợ sao cho có hiệu quả nhất.

d, Công tác tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ

Công tác tổ chức là việc thiết lập và cụ thể hóa các vị trí, các mối quan hệ giữa các phòng ban bộ phận trong ngân hàng một cách khoa học hợp lý, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt là điều kiện thuận lợi để ngân hàng thỏa mãn tốt nhất các yêu cầu của khách hàng. Đồng thời theo dõi và quản lý sát sao các khoản vốn huy động và cho vay, góp phần nâng cao chất lượng cho vay của ngân hàng.

Chất lượng đội ngũ cán bộ là một nhân tố quan trọng quyết định tới chất lượng hoạt động tín dụng. Sự thành công của hoạt động tín dụng phụ thuộc rất nhiều vào năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ tín dụng. Đội ngũ cán bộ tín dụng ngân hàng phải được trang bị những kiến thức cần thiết về kinh tế, tài chính và pháp luật để thực hiện tốt việc phân tích hồ sơ vay vốn của khách hàng, qua đó giảm thiểu những rủi ro tín dụng.

e, Hệ thống kiểm soát nội bộ

Ban kiểm soát nội bộ là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu tổ chức của NHTM. Kiểm soát nội bộ là việc theo dõi và giám sát các hoạt động nghiệp vụ mà NHTM đang cung cấp để có những thông tin thường xuyên về tình hình tín dụng, qua đó phát hiện các vi phạm pháp luật, quy chế, thể lệ, chính sách, nguyên tắc cho vay để từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời. Chất lượng tín dụng cũng thông qua đó phụ thuộc vào mức độ phát hiện kịp thời các sai sót phát sinh trong quá trình giải ngân một khoản tín dụng. Quá trình kiểm soát nội bộ sẽ giúp cho lãnh đạo ngân hàng thương mại điều hành công việc theo đúng cơ chế, chính sách, đúng pháp luật đồng thời nắm bắt được những sai sót góp phần bảo đảm chất lượng tín dụng.

f, Công tác quản lý rủi ro tín dụng

Khi thực hiện một hoạt động tài trợ cụ thể, ngân hàng cố gắng phân tích các yếu tố của người vay sao cho độ án toàn là cao nhất. Và nhìn chung ngân hàng chỉ quyết định cho vay khi thấy rằng rủi ro tín dụng sẽ không xảy ra. Tuy nhiên không một nhà kinh doanh tài ba nào có thể dự đoán chính xác vấn đề sẽ xảy ra. Khả năng hoàn trả

tiền vay của khách hàng có thể bị thay đổi bởi nhiều nguyên nhân. Hơn nữa, nhiều cán bộ ngân hàng không có khả năng thực hiện phân tích tín dụng thích đáng. Do vậy, trên quan điểm quản lý toàn bộ ngân hàng, rủi ro tín dụng là không thể tránh khỏi, là khách quan. Nhiều quan điểm cho rằng rủi ro tín dụng là bạn đường trong kinh doanh ngân hàng, có thể đề phòng, hạn chế chứ không thể loại trừ. Do vậy, rủi ro dự kiến luôn được xác định trước trong chiến lược hoạt động chung của ngân hàng. Việc quản lý tốt rủi ro tín dụng sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng.

g, Tình hình huy động vốn

Hoạt động huy động vốn là cơ sở cho các hoạt động khác của ngân hàng. Quy mô và chất lượng vốn huy động ảnh hưởng rất nhiều đến quy mô và chất lượng tín dụng. Quy mô dư nợ cho vay của ngân hàng sẽ phải phụ thuộc vào quy mô nguồn vốn, hay nói cách khác, quy mô dư nợ tín dụng sẽ không được phép vượt quá nguồn vốn mà ngân hàng huy động được. Nguồn vốn huy động được sẽ được chia thành hai phần, một phần được dùng để cho vay khách hàng và một phần dùng để dữ trữ đảm bảo khả năng thanh toán. Kỳ hạn của nguồn vốn huy động cũng ảnh hưởng rất lớn tới kỳ hạn cho vay, thông thường các ngân hàng phải tìm các nguồn vốn lâu dài và ổn định để tài trợ cho các khoản vay trung dài hạn. Bên cạnh đó lãi suất huy động cũng ảnh hưởng lớn tới chất lượng tín dụng do khi một ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao sẽ bắt buộc họ phải cho vay ra với một lãi suất cao tương ứng, khi đó dễ gặp phải những món vay có độ rủi ro cao.

1.3.2.2. Nhân tố về phía khách hàng

Các NHTM luôn tìm cách giảm đến mức tối thiểu các rủi ro tín dụng, tuy nhiên tổn thất vẫn xảy ra do gặp phải những rủi ro từ phía khách hàng mà ngân hàng không thể tính toán được hết. Các yếu tố về phía khách hàng có thể kể tới như:

a, Năng lực tài chính của khách hàng:

Năng lực tài chính của khách hàng đóng vai trò quan trọng khi đánh giá để cho vay. Một dự án luôn được tài trợ bằng cả vốn vay và vốn chủ sở hữu, đối với ngân hàng thì một dự án được tài trợ bằng tỷ lệ vốn chủ cao sẽ gặp phải ít rủi ro hơn trong trường hợp nếu việc triển khai dự án gặp phải nhiều khó khăn và chủ đầu tư phải sử dụng đến vốn chủ sở hữu để trả nợ ngân hàng. Nếu khách hàng có năng lực tài chính tốt thì khả năng hoàn trả cả gốc và lãi cho ngân hàng là rất cao.

b, Đạo đức, uy tín của khách hàng và lịch sử quan hệ với ngân hàng:

Đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Quan hệ giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Nếu khách hàng có đạo đức, uy tín tốt, luôn có ý thức trả nợ thì rủi ro mà ngân hàng gặp phải nhỏ và ngược lại. Mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng cũng rất quan trọng, một khi ngân hàng và khách hàng đã có mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp thì ngân hàng có thể tin tưởng khách hàng và nắm được khả năng trả nợ của khách hàng.

c, Trình độ tổ chức, quản lý của khách hàng:

Đối với khách hàng doanh nghiệp, nếu có một trình độ tổ chức tốt, khả năng quản lý hiệu quả sẽ là yếu tố quyết định tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đó nói chung và hiệu quả sử dụng vốn vay nói riêng. Khi sử dụng vốn vay hiệu quả, thực hiện tốt các phương án sản xuất kinh doanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để trả nợ ngân hàng đầy đủ, đúng hạn.

d, Những rủi ro trong công việc kinh doanh của khách hàng:

Rủi ro luôn tồn tại trong công việc kinh doanh của mọi tổ chức cá nhân. Trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp luôn phải tính toán, nghiên cứu môi trường xung quanh để từ đó tìm ra những rủi ro và biện pháp xử lý để đảm bảo sự thành công của dự án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp dù đã được tính toán một cách chính xác, chi tiết, khoa học nhưng rủi ro vẫn có thể xảy ra do các nguyên nhân khách quan như thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, sự thay đổi chính sách của nhà nước... Trong trường hợp rủi ro xảy ra người vay sẽ gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng và ảnh hưởng xấu đến chất lượng tín dụng.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại NHTMCP kỹ thương việt nam khoá luận tốt nghiệp 110 (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(153 trang)
w