Ket quả đạt được

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại NHTMCP kỹ thương việt nam khoá luận tốt nghiệp 110 (Trang 66 - 68)

Thực hiện định hướng kinh doanh của toàn ngành ngân hàng và mục tiêu chiến lược kinh doanh của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Techcombank đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. Trong giai đoạn 2011-2013, Techcombank đã có những thành công đáng khích lệ trong hoạt động kinh doanh nói chung và trong nghiệp vụ tín dụng nói riêng. Cụ thể:

Thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nhưng nguồn vốn huy động của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng qua các năm, cơ cấu nguồn vốn được cải thiện, tỷ trọng nguồn tiền gửi lớn là tiền đề để cho việc thực hiện các hoạt động về cho vay, tạo ra một lượng vốn ổn định cho những hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng. Đây là thành công mà ngân hàng cần phải phát huy vì điều này là tiền đề cho việc mở rộng hoạt động cho vay, tạo ra các khoản tín dụng có chất lượng cao cho ngân hàng. Trong nguồn vốn tiền gửi, tiền gửi không kỳ hạn ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn, điều này sẽ vừa tạo điều kiện tăng số dư và giảm chi phí đầu vào, vừa giúp Ngân hàng mở rộng các dịch vụ liên quan như phát hành thẻ, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, cho vay,...Ngoài ra tiền gửi của dân cư chiếm tỷ trọng cao và ổn định sẽ giúp Techcombank theo đuổi chính sách ngân hàng bán lẻ hiện nay của mình.

Thứ hai, về dư nợ cho vay, trong những năm qua quy mô tín dụng được mở rộng, tốc độ tăng khá hợp lý, cho thấy quan hệ tín dụng của ngân hàng ngày càng mở rộng, uy tín ngày càng được nâng cao. Nghiệp vụ tín dụng luôn giữ vai trò trọng tâm và chủ đạo trong hoạt động kinh doanh của Techcombank. Ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay đa dạng của khách hàng để mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cải thiện đời sống. Trong cơ cấu dư nợ cho vay đã có sự chuyển dịch tích cực phù hợp với tình hình kinh tế. Tỷ trọng các khoản cho vay ngắn hạn vẫn cao nhất nhằm giảm thiểu rủi ro do sự biến động kinh tế và lãi suất. Trong cơ cấu cho vay theo loại hình doanh nghiệp thì cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ thấp. Cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân và khách hàng cá nhân có xu hướng tăng, đây là nhóm khách hàng kinh doanh rất năng động và hiệu quả, do đó chất lượng tín dụng của ngân hàng sẽ có những chuyển biến tích cực.

Thứ ba, ngân hàng đã xây dựng và sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để tiến hành chấm điểm tín dụng và phân loại khách hàng từ đó giúp nâng cao tính chính xác, tốc độ xử lý để ra quyết định cho vay. Quy trình tín dụng được toàn bộ các nhân viên Ngân hàng nghiêm túc thực hiện. Các hình thức bảo đảm tín dụng được thực hiện tương đối tốt, hình thức bảo đảm chủ yếu vẫn là thế chấp nhà, đất, văn phòng, tài sản lớn có giá trị, ... Khi phê duyệt khoản vay nào đó thì Ngân hàng cũng đã xem xét tới các yếu tố hiệu quả kinh doanh, uy tín và năng lực tài chính của khách hàng để cố gắng giảm thiểu tối đa những khoản vay có thể trở thành nợ quá hạn, nợ xấu cho ngân hàng.

Thứ tư, từ năm 2012, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản - TechcomAMC đã ngừng cung cấp các dịch vụ khác ngoài xử lý và thu hồi nợ. Bộ máy của AMC được sáp nhập với một số bộ phận của Techcombank như Xử lý nợ, Quản trị rủi ro nhằm tập trung hóa công tác xử lý nợ xấu. Sự thay đổi này đã đem đến những kết quả tích cực trong công tác thu hồi nợ.

Trong những năm qua, Techcombank đã thực hiện hàng loạt các biện pháp để tăng cường kiểm soát, quản trị rủi ro. Tuy nhiên nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng liên tục phải đối mặt với nhiều thách thức, chất lượng danh mục của toàn ngành Ngân hàng tại Việt Nam nói chung phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng cao và Techcombank cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, Ngân hàng tiếp tục

giảm rủi ro bằng mức trích lập dự phòng cao và bán tương đương hơn 2 nghìn tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2013.

Tính tới cuối năm 2013 tỷ lệ nợ xấu của Techcombank là 3,65%, đã giảm đáng kể so với dữ liệu hồi cuối tháng 11/2013 là 5,93%. Ket quả này là nhờ việc chú trọng trong công tác quản lý và thu hồi nợ, kết hợp với việc tiếp tục chính sách quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế đảm bảo tính minh bạch cao.

Dự phòng rủi ro luôn là nguồn tài chính quan trọng để bù đắp cho những khoản nợ khó đòi, làm trong sạch bảng tổng kết tài sản của Ngân hàng. Việc trích lập dự phòng rủi ro luôn được Techcombank thực hiện kịp thời và nghiêm túc.

Thứ năm, ngân hàng cũng đã củng cố lại chức năng Quản trị Rủi ro thông qua hệ thống Đánh giá Rủi ro Tín dụng, Phân loại nợ và Quản lý nợ. Hệ thống Điều chuyển vốn và Quản lý tài sản Nợ-Có được triển khai với các công cụ phân tích hiện đại giúp nâng cao việc quản lý rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất, lập kế hoạch ngân sách vốn và chương trình khuyến mại, phân tích chênh lệch lãi suất và thanh khoản hằng ngày để tối ưu hóa sử dụng vốn.

Ngân hàng đã nâng cao năng lực cạnh tranh của mình bằng việc tích cực gia tăng vốn tự có của ngân hàng, các cổ đông sẵn sàng nhận ít cổ tức để dùng lợi nhuận giữ lại tăng vốn và tái đầu tư. Mạng lưới chi nhánh và PGD ở các địa bàn tiềm năng luôn được tích cực mở rộng nhằm phục vụ khách hàng và tăng hiệu quả hoạt động huy động vốn trong những thời kỳ cạnh tranh như hiện nay.

Thêm vào đó, Ngân hàng đã đầu tư cho chính sách nhân sự nhằm phát triển đội ngũ nhân tài. Đây là chương trình phát triển nhân tài nằm trong chính sách dài hạn về phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn kết và tâm huyết với ngân hàng. Điều này sẽ góp phần giúp nâng cao chất lượng tín dụng ngay từ những khâu đầu tiên về tiếp túc khách hàng, thẩm định chính xác để có thể ra quyết định cho vay đúng đắn, tránh những tiêu cực, hậu quả phát sinh về sau.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại NHTMCP kỹ thương việt nam khoá luận tốt nghiệp 110 (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(153 trang)
w