Việc xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động bảo lãnh ngân hàng chính là xem xét các nhân tố ảnh hưởng tới các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển nghiệp vụ bảo lãnh. Nghiệp vụ bảo lãnh được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng trong thực tế có nhiều nhân tố chủ quan và khách quan khác nhau tác động đến việc phát triển hoạt động bảo lãnh của ngân hàng.
1.2.3.1. Các nhân tố khách quan a. Môi trường chính trị - xã hội
Môi trường chính trị - xã hội tác động tới tất cả các chủ thể trong nền kinh tế. Môi trường chính trị - xã hội ổn định sẽ tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế, thúc đẩy sự phát triển hoạt động đầu tư, kích thích sự gia tăng của các hoạt động thương mại trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của bảo lãnh. Ngược lại, khi môi trường chính trị - xã hội bất ổn định, chiến tranh, đình công thường xuyên xảy ra sẽ làm trì trệ hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, môi trường chính trị - xã hội ổn định là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của hoạt động ngân hàng nói chung và nghiệp vụ bảo lãnh nói riêng.
b. Hành lang pháp lý
Trong điều kiện nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, hoạt động bảo lãnh được sử dụng rộng rãi và đa dạng, hành lang pháp lý tạo nên khung pháp lý cần thiết để các ngân hàng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Tính phù hợp và chặt chẽ của pháp luật trong việc ban hành các văn bản, quy chế bảo lãnh ngân hàng sẽ giúp cho các bên nhận thức rõ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó tránh phát sinh các tranh
chấp, mâu thuẫn ảnh hưởng đến chất lượng bảo lãnh ngân hàng. Như vậy, một hành lang pháp lý đồng bộ sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong hoạt động bảo lãnh và giúp tránh được rủi ro không đáng có.
c. về phía khách hàng
- Bên được bảo lãnh
Các nhân tố thuộc về tình hình tài chính, khả năng quản lý doanh nghiệp, năng lực của bên được bảo lãnh trong việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng cơ sở ký kết với bên nhận bảo lãnh ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bảo lãnh. Nếu các doanh nghiệp yêu cầu bảo lãnh hoạt động kinh doanh tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong hợp đồng đối với cả bên thụ hưởng bảo lãnh và ngân hàng bảo lãnh thì sẽ đảm bảo chất lượng cho hợp đồng và ngược lại.
- Bên nhận bảo lãnh
Sự trung thực của người thụ hưởng trong việc yêu cầu thanh toán bảo lãnh cũng gây ảnh hưởng tới chất lượng bảo lãnh. Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh giả mạo chứng từ xuất trình đòi thanh toán mà ngân hàng không phát hiện ra thì ngân hàng sẽ gặp rủi ro khi thanh toán cho bên thụ hưởng số tiền bảo lãnh mà không đòi được tiền bồi hoàn từ bên được bảo lãnh.
1.2.3.2. Các nhân tố chủ quan
a. Chiến lược kinh doanh của ngân hàng
Đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng. Một chiến lược kinh doanh hiệu quả, linh hoạt sẽ giúp ngân hàng có phương hướng phát triển rõ ràng, có thể phát huy tốt nhất năng lực của ngân hàng, đồng thời có thể dễ dàng thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh. Trên cơ sở có được chiến lược kinh doanh đúng đắn, ngân hàng mới có thể có được phương hướng phát triển nghiệp vụ bảo lãnh, cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ nhất định, xác định đối tượng khách hàng, thị trường mục tiêu và các loại bảo lãnh tương ứng.
b. Danh tiếng và uy tín của ngân hàng trên thị trường
Danh tiếng và uy tín có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bảo lãnh của ngân hàng, cụ thể là ảnh hướng đến doanh số bảo lãnh, số lượng khách hàng. Đối với những khách hàng lần đầu tiên sử dụng dịch vụ bảo lãnh, cơ sở để họ đến giao dịch chính là căn cứ vào danh tiếng và uy tín của ngân hàng trên thị trường. Còn đối với những
khách hàng đã sử dụng dịch vụ của ngân hàng, uy tín đóng vai trò giữ chân họ tiếp tục sử dụng dịch vụ.
c. Trình độ nghiệp vụ của cán bộ thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh
Trong bất cứ một lĩnh vực nào, con người luôn là nhân tố quan trọng. Ngân hàng muốn hoạt động tốt trước hết phải có đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, có tâm huyết và có đạo đức tốt. Ngoài ra, các cán bộ ngân hàng phải nắm chắc nghiệp vụ, có kiến thức, chuyên nghiệp trong giao tiếp ứng xử.
Cán bộ thực hiện bảo lãnh là những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, là những người đi sâu tìm hiểu về tình hình của khách hàng thực hiện bảo lãnh. Do đó, nếu cán bộ ngân hàng có được sự hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ và dày dặn kinh nghiệm thì có thể đánh giá đúng về khách hàng của mình, đưa ra những quyết định chính xác, từ đó giúp ngân hàng hạn chế được rủi ro, thu được lợi nhuận và ngược lại.
d. Quy trình bảo lãnh
Mỗi ngân hàng sẽ xây dựng một quy trình bảo lãnh riêng phù hợp với đặc điểm của ngân hàng mình và phù hợp với mục tiêu của ngân hàng trong từng thời kỳ. Nếu quy trình được xây dựng một cách hợp lý, rõ ràng, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan thì sẽ giúp cho cán bộ thực hiện bảo lãnh một cách nhanh chóng, dễ dàng, kiểm soát rủi ro tốt hơn, từ đó tạo điều kiện mở rộng hoạt động bảo lãnh của ngân hàng.
e. Cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ hiện đại
Việc trang bị đầy đủ thiết bị cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại là một yếu tố thúc đẩy phát triển nghiệp vụ bảo lãnh, trước hết là giúp cho ngân hàng thu thập thông tin nhanh chóng giúp đánh giá đúng về khách hàng, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, tạo lập được hệ thống quản lý thông tin của khách hàng một cách chuyên nghiệp,...; mặt khác mang đến sự hài lòng và tin tưởng cho khách hàng, góp phần thu hút khách hàng đến bảo lãnh tại ngân hàng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG I
Chương I của khóa luận đã đề cập một cách khái quát những lý luận cơ bản của hoạt động bảo lãnh, đặc biệt là sự phát triển hoạt động bảo lãnh của ngân hàng thương mại. Bên cạnh việc đưa ra khái niệm phát triển bảo lãnh ngân hàng thì chương này cũng đã đề cập đến một số chỉ tiêu để đánh giá sự phát triển hoạt động bảo lãnh tại NHTM, các nhân tố ảnh hưởng đến việc phát triển hoạt động này. Trong đó:
- Một số chỉ tiêu đánh giá sự phát triển hoạt động bảo lãnh gồm chỉ tiêu định lượng liên quan đến số dư bảo lãnh, doanh số bảo lãnh, doanh thu từ hoạt động bảo lãnh, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ bảo lãnh, số món bảo lãnh, dư nợ bảo lãnh quá hạn và các chỉ tiêu định tính như sự đa dạng của các sản phẩm bảo lãnh cung cấp, mạng lưới ngân hàng đại lý và thủ tục bảo lãnh.
- Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển bảo lãnh ngân hàng bảo gồm các nhân tố khách quan và chủ quan. Cụ thể, một số nhân tố chủ quan như chiến lược kinh doanh của ngân hàng, danh tiếng và uy tín của ngân hàng trên thị trường, trình độ nghiệp vụ của cán bộ thực hiện bảo lãnh, quy trình bảo lãnh cũng như cơ sở vật chất và việc ứng dụng công nghệ hiện đại. Cùng với đó là các nhân tố khách quan như: môi trường chính trị - xã hội, hành lang pháp lý và các nhân tố liên quan đến khách hàng, cả từ phía bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh.
Trên cơ sở các kiến thức lý luận đó, Khóa luận sẽ đi sâu phân tích thực trạng phát triển nghiệp vụ bảo lãnh tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam thông qua các chỉ tiêu nêu trên trong chương II.
CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGHIỆP VỤ BẢO LÃNH TẠI NGÂN HÀNG TMCPKỸ THƯƠNGVIỆT NAM