Đa dạng hóa danh mục sản phẩm

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nghiệp vụ bảo lãnh tại NHTMCP kỹ thương việt nam khoá luận tốt nghiệp 143 (Trang 71 - 72)

Việc đa dạng hóa sản phẩm một mặt khai thác tối đa tiềm năng của thị trường trong việc sử dụng sản phẩm của ngân hàng mặt khác nhằm hạn chế rủi ro và phân tán rủi ro. Nếu các sản phẩm của ngân hàng đưa ra quá nghèo nàn, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì họ đang đánh mất dần thị trường tiềm năng và ngân hàng đó đang loại mình ra khỏi cuộc cạnh tranh giành khách hàng gay gắt như hiện nay. Mặt khác, việc phát triển sản phẩm mới là cơ sở để ngân hàng củng cố, gia tăng thị phần của mình, từ đó tăng thu nhập cho ngân hàng.

Sản phẩm bảo lãnh nằm trong một hệ thống các sản phẩm phong phú và đa dạng của một ngân hàng, vì thế việc xây dựng và hoàn thiện nó đòi hỏi phải phù hợp với chiến lược chung của ngân hàng. Hiện nay, Techcombank mới chỉ thực hiện các loại hình bảo lãnh phổ biến mà ít quan tâm đến các loại hình như: bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh đối ứng, bảo lãnh phát hành chứng khoán, bảo lãnh bảo hành,. Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, các công ty cổ phần ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, bảo lãnh phát hành chứng khoán cũng là một loại hình rất có tương lai, triển vọng để phát triển. Mặt khác, trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán chững lại, tốc độ tăng trưởng không còn nhanh như trước, các doanh

nghiệp tham gia vào thị trường gặp nhiều khó khăn, do vậy mà hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp rất cần có một tổ chức uy tín đứng ra bảo lãnh cho họ phát hành chứng khoán, tạo được niềm tin với công chúng. Bảo lãnh chứng khoán là một loại hình bảo lãnh khá mới mẻ và việc thực hiện quy trình bảo lãnh, nhất là trong khâu thẩm định sẽ có những cái khác biệt so với các loại hình bảo lãnh thông thường khác. Trong thời gian tới, ngân hàng có thể xem xét và cung ứng thêm loại bảo lãnh này cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Ngoài ra, còn phải kể đến đồng bảo lãnh, đây không phải là loại hình bảo lãnh mới, nhưng trong danh mục bảo lãnh của ngân hàng chưa có loại hình bảo lãnh này. Theo thông tư số 13/2010/TT-NHNN, số dư bảo lãnh đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của TCTD; do đó, đồng bảo lãnh là giải pháp tốt nhất trong trường hợp này. Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế hội nhập, phát triển mạnh mẽ, giá trị các hợp đồng bảo lãnh cũng tăng lên, nếu ngân hàng không muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh và mất khách, thực hiện đồng bảo lãnh vừa giúp ngân hàng đạt được mục tiêu, vừa giúp ngân hàng tận dụng được sức mạnh tài chính, năng lực hoạt động của ngân hàng khác, vừa giúp ngân hàng phân tán rủi ro. Do vậy, trong thời gian tới, ngân hàng cần chú trọng tạo mối quan hệ tốt với các ngân hàng có uy tín, tiềm lực tài chính vững mạnh, cùng với việc chú trọng phát triển loại hình bảo lãnh này, đa dạng hóa danh mục bảo lãnh và phân tán rủi ro cho ngân hàng.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nghiệp vụ bảo lãnh tại NHTMCP kỹ thương việt nam khoá luận tốt nghiệp 143 (Trang 71 - 72)