2.4.2.1. Hạn chế
Bên cạnh những thành công thì hoạt động bảo lãnh của Techcombank vẫn còn có những hạn chế cần phải được khắc phục và giải quyết để có thể đạt được kết quả cao hơn. Cụ thể là:
Thứ nhất, có sự mất cân đối giữa các loại hình bảo lãnh. Hiện nay, Techcombank chủ yếu tập trung vào các loại bảo lãnh chính như: bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng; các loại bảo lãnh này vẫn đang chiếm tỷ trọng khá cao trong nghiệp vụ bảo lãnh. Các hình thức như bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh đảm bảo chất lượng sản phẩm,... mặc dù đã được ngân hàng chú ý phát triển nhưng vẫn còn chưa nhiều, doanh số còn chưa cao. Techcombank nên chú trọng hơn nữa để có sự phát triển đồng bộ bảo lãnh, đa dạng hóa sản phẩm bảo lãnh và phân tán rủi ro của hoạt động.
Thứ hai, doanh số và số dư bảo lãnh còn thấp. Mặc dù doanh số bảo lãnh của Techcombank năm 2015 đã có sự cải thiện, nhưng quy mô vẫn còn thấp so với các ngân hàng khác.
Thứ ba, doanh thu từ hoạt động bảo lãnh còn chiếm tỷ trọng thấp. Trong doanh thu từ lãi và tổng doanh thu của Techcombank, doanh thu từ hoạt động bảo lãnh còn chiếm tỷ trọng rất thấp. Nghĩa là sự phát triển của hoạt động bảo lãnh chưa xứng với tiềm năng của ngân hàng. Đòi hỏi Techcombank trong thời gian tới cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng bảo lãnh, thu hút thêm khách hàng, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.
Thứ tư, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ bảo lãnh còn chưa cao. Có thể thấy điều này một phần là do công tác tuyên truyền, giới thiệu về dịch vụ bảo lãnh của Techcombank còn hạn chế, chưa tiếp cận, thu hút được nhiều khách hàng. Số lượng khách hàng chưa cao dẫn đến doanh số và doanh thu từ hoạt động bảo lãnh còn thấp.
2.4.2.2. Nguyên nhân
a. Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, môi trường kinh tế thiếu ổn định. Tình hình kinh tế Việt Nam giai đoạn 2012 - 2014 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế thế giới,
cụ thể là khủng hoảng tài chính và nợ công ở châu Âu chưa được giải quyết. Suy thoái tại khu vực đồng Euro cùng với khủng hoảng tín dụng và tình trạng thất nghiệp gia tăng, khiến cho hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu bị tác động mạnh, giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp. Những bất lợi từ sự sụt giảm của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư trong nước. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng vì thế mà cũng bị ảnh hưởng nhiều, trong đó có hoạt động bảo lãnh. Do vậy, sang năm 2015, tuy rằng nền kinh tế có biến chuyển tốt, doanh số bảo lãnh cũng như doanh thu từ hoạt động này có tăng lên nhưng do sự sụt giảm từ năm 2013, 3014 nên những con số này vẫn còn ở mức thấp.
Thứ hai, môi trường pháp lý chưa thuận lợi. Môi trường pháp lý của Việt Nam chưa đồng bộ, chưa ổn định, nhiều khi còn chồng chéo, bất cập nên đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Hành lang pháp lý cho các ngành nghề kinh doanh trong đó có ngân hàng còn chưa thống nhất, xuyên suốt.
Thứ ba, nguyên nhân thuộc về khách hàng. Khách hàng của Techcombank hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với quy mô vừa và nhỏ, điều này dẫn đến những hạn chế nhất định về năng lực sản xuất kinh doanh, quy mô; từ đó cũng dẫn đến những hạn chế về nhu cầu bảo lãnh (loại bảo lãnh, giá trị bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh...). Bên cạnh đó, có không ít các trường hợp các khách hàng không có hiểu biết về nghiệp vụ hay quy trình thực hiện hoạt động bảo lãnh tại Techcombank sẽ làm cho các cán bộ nhân viên mất nhiều thời gian và công sức để làm cho khách hàng hiểu được bản chất hoạt động bảo lãnh. Điều này sẽ làm giảm năng suất của mỗi cán bộ trong quá trình làm việc.
b. Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, giới thiệu về dịch vụ bảo lãnh của Techcombank còn hạn chế. Hiện nay, Techcombank vẫn luôn chú trọng tới công tác chăm sóc, duy trì khách hàng cũ và không ngừng tìm kiếm các khách hàng mới cho hoạt động ngân hàng nói chung và dịch vụ bảo lãnh nói riêng thông qua bán chéo sản phẩm giữa các phòng ban, qua kênh người thân bạn bè, qua các đối tác đã làm việc với ngân hàng hay dữ liệu trên các website. Tuy nhiên, các hình thức mà ngân hàng sử dụng để tuyên truyền, giới thiệu về dịch vụ bảo lãnh mà mình cung cấp vẫn còn hạn
chế. Việc cung cấp thông tin về dịch vụ, sản phẩm trên website của ngân hàng chưa được chú trọng, hầu hết các thông tin chỉ mang tính chất giới thiệu sản phẩm như: tên gọi, lợi ích dành cho doanh nghiệp mà thiếu những thông tin hết sức quan trọng và cần thiết khác như: biểu phí, các mẫu đơn yêu cầu, thủ tục hồ sơ, quy định cơ bản của ngân hàng với khách hàng làm bảo lãnh. Dẫn đến tình trạng chưa đáp ứng được hết như cầu khai thác thông tin của khách hàng.
Thứ hai, việc thẩm định, đánh giá khách hàng trước khi ra quyết định bảo lãnh và công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nghĩa vụ của bên được bảo lãnh còn hạn chế. Công tác thẩm định bảo lãnh là một khâu quan trọng nhưng việc thẩm định thực tế lại dựa vào những thông tin khách hàng cung cấp là chủ yếu, việc tìm kiếm thông tin khách hàng của cán bộ quan hệ khách hàng là chưa cao. Hoạt động bảo lãnh luôn trong tình trạng thiếu thông tin; việc mua thông tin, thuê tổ chức theo dõi, phân tích và dự báo theo mặt hàng, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh là chưa phát triển. Sau khi phát hành bảo lãnh, việc theo dõi tiến độ thực hiện nghĩa vụ của bên được bảo lãnh chưa thực sự sát sao.
Thứ ba, hệ thống công nghệ chưa đáp ứng được tốt yêu cầu công việc. Hệ thống công nghệ ngân hàng mặc dù đã được Techcombank đầu tư đổi mới, cải thiện nâng cấp rất nhiều nhưng vẫn còn một số hạn chế. Đối với những chi nhánh đã hoạt động một thời gian dài, hệ thống máy tính đã được sử dụng khá lâu, các máy tính của cán bộ nhân viên thường bị chậm, bị đơ và mất kết nối mạng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian xử lý các giao dịch đáp ứng yêu cầu khách hàng.
Thứ tư, nhân sự mới còn thiếu kinh nghiệm. Có thể nói Techcombank là một trong những ngân hàng có tỷ lệ tuyển dụng các ứng viên mới ra trường cao. Các ứng viên trẻ, mới ra trường có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó và có niềm khao khát nghề nghiệp lớn. Điều này trở thành động lực giúp họ phấn đấu vươn lên, năng suất lao động cao. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế trên thì ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn khi nhân sự mới còn chưa có nhiều kinh nghiệm về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói chung và hoạt động bảo lãnh nói riêng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG II
Chương II của khóa luận đã cho chúng ta cái nhìn tổng quan về tình hình hoạt động, về nghiệp vụ bảo lãnh tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam. Sau khi điểm qua sơ lược về quá trình hình thành và phát triển cũng như mô hình tổ chức của ngân hàng này, tác giả tập trung đi vào nghiên cứu, đánh giá thực trạng hoạt động bảo lãnh tại Techcombank từ năm 2012 đến năm 2015 thông qua việc phân tích một số chỉ tiêu định tính và định lượng, đồng thời đưa ra được những đanh giá về kết quả đạt được cũng như các hạn chế cần khắc phục trong việc phát triển hoạt động này. Cụ thể:
- Kết quả đạt được: quy mô bảo lãnh có xu hướng mở rộng; danh mục bảo lãnh đa dạng; quy trình, thủ tục bảo lãnh chặt chẽ; nguồn nhân lực có chuyên môn; mạng lưới đại lý rộng khắp.
- Hạn chế: mất cân đối giữa các loại hình bảo lãnh; doanh số, số dư bảo lãnh còn thấp; doanh thu từ hoạt động bảo lãnh còn chiếm tỷ trọng thấp; số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ bảo lãnh còn chưa cao.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá, nhận định các yếu tố ảnh hưởng đó tác giả đưa ra một số giải pháp góp phần phát triển nghiệp vụ bảo lãnh tại Techcombank trong chương III.
CHƯƠNG III: GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGHIỆP VỤ BẢO LÃNH TẠI NGÂN HÀNG TMCP KỸ THƯƠNG VIỆT NAM