5. Bố cục của luận văn
3.1.1. Khái quát về vị trí địa lý
Thái Nguyên là thành phố công nghiệp, thành lập từ 1962 (tiền thân là thị xã Thái Nguyên) nằm bên bờ sông Cầu. Diện tích 170,7 km2 và dân số 420.000 người (năm 2019). Thành phố Thái Nguyên từng là thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc trong suốt thời kỳ tồn tại của khu tự trị này (1956 - 1965).
Hiện nay, thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thái Nguyên (trước kia thuộc tỉnh Bắc Thái), trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc nói riêng, của vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ nói chung; Là thành phố lớn thứ ba miền Bắc sau Hà Nội và Hải Phòng, thành phố đông dân thứ 10 cả nước. Có vị trí thuận lợi, quan trọng trong việc phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh Miền núi phía Bắc Việt Nam; Phía bắc giáp huyện Đồng Hỷ và huyện Phú Lương, phía đông giáp thành phố Sông Công, phía tây giáp huyện Đại Từ, phía Nam giáp huyện Phổ Yên và huyện Phú Bình.
Thái Nguyên được coi là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm giáo dục lớn thứ tư toàn quốc sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Hiện nay, trên địa bàn TP có 64 trường mầm non, 41 trường tiểu học, 36 trường trung học cơ sở và 12 trường trung học phổ thông; gần 45 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thuộc các ngành giáo dục, nông nghiệp, y tế, kinh tế và công nghiệp, trong đó chủ lực là Đại học Thái Nguyên, với 20 đơn vị thành viên, là đại học đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo từ dạy nghề đến đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong hệ thống giáo dục quốc dân, là nơi đào tạo nguồn cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc. Sự phát triển lớn mạnh của Đại học Thái Nguyên đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển Kinh tế - Văn hoá - Xã hội của TP. Bên cạnh đó, nhiều
cơ quan nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật được thành lập, hoạt động ổn định, ngày càng phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội trong và ngoài tỉnh.
TP Thái Nguyên nằm ở trung tâm tỉnh Thái Nguyên là đầu mối giao thông quan trọng, trực tiếp nối với Thủ Đô Hà Nội và các tỉnh Miền núi phía Bắc với các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. TP Thái Nguyên có hai con sông lớn chảy qua: Sông Cầu và Sông Công rất thuận lợi cho giao thông đường thủy trong vùng. Hệ thống đường giao thông liên tỉnh khá hoàn chỉnh nối liền trung tâm thành phố với các huyện và thị trấn trong tỉnh. Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được khởi công xây dựng năm 2009, đã được hoàn thành vào năm 2014 rút ngắn thời gian và khoảng cách giữa Thủ đô Hà Nội và TP Thái Nguyên. Đó chính là những lợi thế để TP Thái Nguyên đẩy mạnh giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội – giáo dục với Thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các vùng miền trong cả nước.