1.2. Năng lực tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng nghệ thuật của học sinh
1.2.2. Năng lực tái hiện hình tượng trong tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật ngôn
từ
Sức mạnh của văn chương là ở hình tượng. Không có hình tượng được dệt bởi ngôn ngữ nghệ thuật thì không có ngành nghệ thuật này. Vì vậy, để có được khoái cảm thẩm mĩ khi tiếp nhận tác phẩm văn chương, người học phải có năng lực tái hiện hình tượng. Tái hiện hình tượng nghệ thuật là làm cho nhân vật “đi đứng, nói năng, khóc cười, cuộc sống đang vận động, đang chuyển trước mắt người đọc”. Nói như Stanilapxki là phải làm cho người đọc “nhìn bên trong” tác phẩm. Muốn được như vậy, bạn đọc học sinh cần có khả năng tưởng tượng để dựng lại hiện thực cuộc sống mà nhà văn đã xây dựng nên. Để cảm nhận bức tranh mùa xuân tươi vui, đầy sức sống trong Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, trước hết các em cần tái hiện bức tranh mùa xuân trong trí tưởng tượng của mình dựa trên các tín hiệu nghệ thuật tri giác được. Tưởng tượng càng chân xác, càng hoàn chỉnh, càng có tính chất trọn
vẹn càng tạo điều kiện đi vào linh hồn tác phẩm một cách vững chắc, nhanh nhạy. Tái hiện hình tượng tốt giúp cho văn bản là thế giới những kí hiệu được sống dậy như một sinh mệnh nghệ thuật đích thực, giống như tác giả đã sống với nó. Nói cách khác, tái hiện hình tượng tốt giúp cho tác phẩm không còn là tổng hợp kí hiệu chết, phi vật thể nữa mà là những tác phẩm đích thực đang tồn tại trong trí tưởng tượng của người đọc – học sinh.
Hoạt động tái hiện hình tượng là một thao tác tư duy để đi vào thế giới nghệ thuật. Hơn nữa “năng lực tái hiện hình tượng còn là năng lực cơ sở của các năng lực khác. Bám sát hình tượng văn chương trong từng thể tài, tái hiện được hình tượng của nó theo đặc trưng riêng là chúng ta đang từng bước đi đúng bản chất của quá trình dạy học văn” [7, 9].
Năng lực tái hiện hình tượng của học sinh được biểu hiện ở chỗ các em biết bám sát bài thơ, trung thành với văn bản, tái hiện chính xác các chi tiết nghệ thuật do tác giả xây dựng nên. Có như vậy công việc tái hiện hình tượng mới không rơi vào trạng thái qua loa, hời hợt, “diễn nôm”. Bên cạnh đó, người có năng lực tái hiện tượng sẽ biết hướng sự tái hiện vào việc làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của bài thơ, biết lấy ý nghĩa của các hình tượng thơ làm đích cho sự tái hiện của mình. Với học sinh khá giỏi, năng lực tái hiện hình tượng còn biểu hiện ở khả năng biết khái quát các chi tiết theo một hệ thống hình tượng thống nhất hoàn chỉnh. Ở những học sinh có trường cảm xúc mạnh (thường là học sinh có khiếu văn), trong khi tái hiện hình tượng nghệ thuật đã có sự rung động thực sự của tâm hồn và tình cảm, được biểu hiện bằng cách diễn đạt trong sáng, có sức cuốn hút, lay động tâm trí người đọc.
Muốn tái hiện hình tượng tốt cần phải biết tưởng tượng. Vấn đề năng lực tưởng tượng lệ thuộc vào nhiều yếu tố: điều kiện vốn sống, vốn văn hóa, thói quen văn học, năng lực đọc và hiểu biết về ngôn ngữ nghệ thuật,…. Việc bồi dưỡng năng lực này cần tiến hành song song với nhiều năng lực văn học khác một cách đồng bộ, có hệ thống.