1.2. Năng lực tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng nghệ thuật của học sinh
1.2.3.1. Học sinh lớp 9 với thơ trữ tình
Học sinh lớp 9 THCS là lứa tuổi thiếu niên, chuyển từ thơ ấu lên trưởng thành. Đây là thời kì phát triển mạnh mẽ đến mức thiếu cân đối về thể chất, tâm lí, ngôn ngữ và trí tuệ. Tư duy nói chung và tư duy trìu tượng nói riêng phát triển mạnh. Tính phê phán của tư duy cũng được phát triển; các em biết lập luận, giải quyết vấn đề một các có căn cứ. Việc ghi nhớ từ ngữ, tài liệu trìu tượng, được phát triển ở mức độ cao. Vì vậy, hoạt động tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng của học sinh lớp 9 có bước phát triển so với học sinh lớp dưới. Hơn nữa, lứa tuổi này dễ xúc động, vui buồn chuyển hóa dễ dàng, tình cảm còn mang tính chất bồng bột, hăng say. Sự phát triển mạnh mẽ về cảm xúc giúp học sinh dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận tác phẩm thơ trữ tình – là tiếng nói của cảm xúc thi nhân.
Bên cạnh đó, sự chuyển biến trong phát triển năng lực văn ở lứa tuổi học sinh lớp 9 cũng ảnh hưởng quyết định đến năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và tái hiện hình tượng ngôn từ của các em. Các em “bắt đầu xem tác phẩm chỉ là nguồn cung cấp những niềm vui hoặc nỗi buồn giận riêng và đánh giá chúng trước hết là tùy mức độ phù hợp với các thể nghiệm của cá nhân mình” [68, 91]. Như thế, tư chất cá nhân trong tính cách của học sinh bắt đầu ảnh hưởng lớn tới việc cảm thụ nghệ thuật. Sự khác nhau ở độc giả này là tùy thuộc vào sức đọc, tri thức, kinh nghiệm sống, mức độ hứng thú đối với môn học. Trong thực tế, so với học sinh lớp dưới, học sinh lớp 9 nhanh nhạy hơn trong cảm thụ và tiếp nhận văn học; khả năng liên tưởng và tưởng tượng linh hoạt và lôgic hơn; khả năng ghi nhớ và tái hiện hình tượng bền vững hơn; dễ hứng thú tích cực nhưng cũng dễ chán nản trong hoạt động đọc, tìm tòi, khám phá tác phẩm; định hướng đọc và học tác phẩm chưa tốt; với một số tác phẩm chỉ tự đọc, tự học khi có sự thúc ép của giáo viên.
Nhìn chung, với học sinh lớp 9, các phẩm chất tư duy như: ghi nhớ – tái hiện, liên tưởng – tưởng tượng; phân tích - tổng hợp, tìm tòi – phát hiện, … đã có
bước phát triển hơn nhưng việc phát hiện “điểm sáng thẩm mĩ” chưa nhanh nhạy, chưa trúng; khả năng tái hiện hình tượng còn vụn vặt, chưa có hệ thống. Rất cần các biện pháp hỗ trợ, kích thích của giáo viên thì khả năng đó mới có thể phát triển bền vững và ổn định.