Đặc điểm thơ trữ tình hiện đại

Một phần của tài liệu biện pháp rèn kĩ năng tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng trong dạy học thơ trữ tình cho học sinh lớp 9 ở trung học cơ sở (Trang 37 - 40)

1.3. Những nhân tố chi phối việc rèn năng lực tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình

1.3.3. Đặc điểm thơ trữ tình hiện đại

Thơ Việt Nam hiện đại, tạm lấy một khởi đầu từ phong trào “thơ mới”. Hiện đại theo ý nghĩa khác biệt về mặt lịch sử và tư duy nghệ thuật so với thơ ca dân tộc trước đó. Sự “mới mẻ” của thơ trữ tình hiện đại được thể hiện chủ yếu qua vẻ đẹp sáng tạo của ngôn ngữ nghệ thuật và hình tượng thơ.

Ngôn ngữ nghệ thuật thơ mới mẻ, chân thực, gần gũi với đời sống. Nếu thơ chữ Hán nặng từ chương, biền ngẫu, bằng trắc, trang nghiêm thì thơ hiện đại tự do, khoáng đạt, trực tiếp thể hiện cảm nhận riêng độc đáo, giàu cảm xúc. Việc thay đổi từ ngữ đã tạo ra kiểu kết hợp mới. Những từ ngữ đậm chất biểu cảm, diễn tả những rung động đa dạng trong tâm hồn con người, diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên xã hội. Những từ ngữ thể hiện cảm xúc trực tiếp, phù hợp với cách cảm nghĩ của thời hiện đại: vừa mới mẻ, vừa chân thực, vừa cụ thể, gần gũi và cũng rất gợi cảm. Điều này được thể hiện rõ trong ngôn ngữ thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, …Đọc Nhớ rừng, Thế Lữ khiến ta phải bàng hoàng về thể cách mới của thơ: “Mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh”.

Ngôn ngữ thơ chân thực, gần gũi với đời sống còn được thể hiện ở thơ ca kháng chiến. Ngôn ngữ đời sống, thậm chí cả khẩu ngữ và tiếng địa phương các vùng đã làm nên vẻ tươi mới, khỏe khoắn trong sáng cho thơ. Sự việc đời thường đi vào thơ ca bằng những lời kể chân thực mà thấm thía. Đọc Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, những từ mang tính khẩu ngữ: ừ thì, phun, phì phèo, ha ha... đã nói được cái tâm thế lạc quan, vẻ tinh nghịch tếu táo của người lính lái xe Trường Sơn. Sự tiếp nhận một cách táo bạo các yếu tố văn xuôi trong thơ hiện đại Việt Nam là một bằng chứng thể hiện mối quan hệ giữa thơ ca và cuộc

sống. Dạy thơ trữ tình hiện đại phải giúp học sinh nhận ra vẻ đẹp sáng tạo đó; phải rèn cho học sinh biết so sánh để tìm ra điều mới mẻ trong ngôn ngữ nghệ thuật.

Ngôn ngữ thơ trữ tình hiện đại còn thoáng đạt về cấu trúc, đa dạng về giọng điệu. Nếu thơ ca truyền thống gò ép trong khuôn thước thể Đường thi: niêm, luật chặt chẽ với cấu trúc đề, thực, luận, kết khó có thể bứt phá thì thơ trữ tình hiện đại “có thể gây ấn tượng bề bộn – cái thứ bề bộn dễ thương” vô cùng thoáng đạt về cấu trúc, phong phú về thể thơ, tạo nên giọng điệu riêng. Nhớ rừng của Thế Lữ, nhờ thể thơ tám tiếng kết hợp với ngôn ngữ tạo hình đặc sắc và giọng điệu thiết tha đã tạo được xúc cảm đặc biệt.

Các nhà thơ hiện đại có cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của thời đại mới nên đã tạo được tứ thơ từ cấu trúc mới lạ và sáng tạo riêng. Thơ tự do của Chính Hữu

(Đồng chí) được cấu tạo bằng các câu thơ rất tự nhiên, đa dạng về cách tổ chức kết cấu. Số lượng từ ngữ trong câu co giãn linh hoạt tạo bởi mạch ngầm “tình đồng chí” chảy dọc bài thơ. Kết thúc mạch ngầm đó là một hình ảnh đẹp vừa lãng mạn, vừa giàu chất thơ, để lại ấn tượng sâu đậm. Đến Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật ta lại bắt gặp những câu thơ mà như không phải là thơ: “Không có kính không phải vì xe không có kính”. Nhưng lại đích thị là thơ bởi câu từ bất ngờ táo bạo: “Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”. Cái cách kết cấu văn xuôi như lời nói thường ấy là một sáng tạo. Nó làm cho thơ đời hơn, ngôn ngữ thơ phóng khoáng hơn. Nhờ có sự gia công nghệ thuật ở cách lặp tứ thơ, chọn lọc hình ảnh, những câu thơ mang đậm chất văn xuôi đã chuyển hóa thành ngôn ngữ thi ca thực sự.

Biểu hiện nổi bật là thơ sau 1975. Thơ thời kì này luôn tìm tòi những vấn đề phức tạp của đời sống. Đó là những suy tư, chiêm nghiệm về năm tháng đã qua và hiện tại. Ngôn ngữ thơ ở các tác phẩm giai đoạn này mang giọng điệu riêng. Thơ năm chữ tạo ra mạch kể, mạch cảm xúc cảm biến( Ánh trăng – Nguyễn Duy, Sang thu – Hữu Thỉnh). Đó là những dòng cảm xúc biến đổi theo thời gian – mạch ngầm

cho những suy tư lặng lẽ. Giọng điệu thơ có cái gì thấm thía, lắng sâu tạo nên ý nghĩa tư tưởng lớn.

Sự mới mẻ của ngôn ngữ thơ trữ tình hiện đại Việt Nam tạo nên vẻ đẹp riêng có sức hấp dẫn độc đáo. Dạy thơ trữ tình hiện đại phải khai thác được những giá trị của vẻ đẹp đó. Rèn năng lực tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng nghệ thuật cho học sinh là rèn năng lực phát hiện chính xác những tìm tòi, sáng tạo ấy và tái hiện hình tượng cảm xúc xuyên suốt bài thơ.

Hình tượng trữ tình thơ hiện đại cũng mới mẻ, đa dạng. Hình tượng trữ tình thơ hiện đại được xây dựng bằng những xúc cảm mang đậm dấu ấn của cái tôi chủ thể được bộc lộ một cách trực tiếp. Đó là cái tôi biểu hiện khao khát của tồn tại trong tự do.

Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ hiện đại được bắt đầu từ thơ mới. Nếu thơ trung đại, bản sắc riêng tư bị kiềm tỏa, không có điều kiện phát triển thì đến thơ hiện đại cái tôi trữ tình mới dần rõ nét. Trong thơ ca kháng chiến, cái tôi trong thơ là cái tôi đại diện, mang tính sử thi. Còn ở thơ hiện đại sau 1975 cái tôi được nảy lộc đâm chồi trong một bối cảnh lịch sử khác. Không phải cứ sau chiến tranh khốc liệt là có hòa bình yên ả. Sau chiến tranh, con người phải đối mặt với những vần đề phức tạp và khó khăn. Vấn đề số phận dân tộc và đời tư cá nhân được đề cập. Vì thế, cái tôi trong thơ trữ tình sau 1975 vẫn tiếp nối âm hưởng sử thi, nhưng đã nghiêng sang phía kiểm nghiệm cái được, cái mất của cả dân tộc và từng con người. Vấn đề đời tư gắn liền với số phận cá nhân, với hạnh phúc và giá trị mới được đặt ra. Do cách nhìn rộng mở, do đất nước đổi mới hòa nhập, cái tôi trong thơ trữ tình hiện đại khao khát nhận thức đánh giá lại cuộc sống và lẽ sống trong những khía cạnh nhỏ nhất của đời sống con người, đời sống xã hội; tìm tòi, phát hiện và phân tích những hiện tượng, sự việc lớn nhỏ xung quanh mỗi cá thể.

Cái tôi trữ tình trong thơ hiện đại sau 1975 được khắc họa nhiều vẻ và nhiều mức độ khác nhau, nhưng tựu chung nó được công khai và có thái độ sòng phẳng với thói quen đánh giá theo con mắt chung không cần đến sự thật. Để có niềm tin

vào cuộc sống hôm nay, các nhà thơ tự bộc lộ mình và gửi số phận cá nhân vào thơ. Có thể nói thơ trữ tình hiện đại sau 1975 dung nạp cái tôi trữ tình có ý nghĩa dứt khoát, mạnh mẽ hơn trong việc khai phá lại, đánh giá lại chuẩn mực và giá trị làm người trong bối cảnh văn hóa xã hội rộng mở, trong cơ hội và thách thức mới với con người.

Như vậy, tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và tái hiện hình tượng trong thơ trữ tình nghĩa là người đọc từ việc nhận ra phương thức trình bày nghệ thuật độc đáo, cụ thể mà phát hiện được thế giới chủ quan của nhân vật trữ tình. Cần bám sát vào quan niệm nghệ thuật ở mỗi giai đoạn để phát hiện ra “điểm sáng thẩm mĩ” của hình tượng cảm xúc trong thơ.

Một phần của tài liệu biện pháp rèn kĩ năng tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng trong dạy học thơ trữ tình cho học sinh lớp 9 ở trung học cơ sở (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)