0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (121 trang)

Kết luận về năng lực tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng nghệ thuật

Một phần của tài liệu BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG TRI GIÁC NGÔN NGỮ VÀ TÁI HIỆN HÌNH TƯỢNG TRONG DẠY HỌC THƠ TRỮ TÌNH CHO HỌC SINH LỚP 9 Ở TRUNG HỌC CƠ SỞ (Trang 51 -56 )

2.1. Khảo sát khả năng tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng thơ trữ tình của

2.1.7. Kết luận về năng lực tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng nghệ thuật

Từ kết quả trên, tác giả luận văn xin đưa ra một số nhận xét về năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật, tái hiện hình tượng thơ trữ tình và thực trạng dạy học thơ trữ tình ở lớp 9 THCS như sau:

Các văn bản thơ trữ tình ở chương trình lớp 9 phần lớn là thơ trữ tình hiện đại. Số lượng các tác phẩm thơ trữ tình so với số lượng văn bản chiếm tỉ lệ khá lớn. Cụ thể, ở chương trình lớp 9, trong tổng số 38 văn bản các em phải học có tới 17 văn bản thuộc loại thơ trữ tình. Trong 17 văn bản thơ trữ tình thì có tới 11 văn bản thuộc thơ trữ tình hiện đại, chiếm 64,7%. Điều này cho thấy thơ trữ tình hiện đại được sách giáo khoa khá coi trọng. Đây là các bài thơ có hiệu quả giáo dục và giáo dưỡng.

Khảo sát hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài trong tất cả các bài thơ hiện đại ở lớp 9, tác giả luận văn cũng nhận thấy có 35,3% là câu hỏi tri giác ngôn ngữ nghệ thuật; 15,7% câu hỏi yêu cầu học sinh tái hiện hình tượng nghệ thuật. Số liệu trên chứng tỏ sách giáo khoa đã có chú ý tới việc rèn năng lực tri giác ngôn ngữ cho học sinh, nhưng việc rèn luyện năng lực tái hiện hình tượng nghệ thuật lại chưa được chú trọng. Trong số các câu hỏi về tri giác ngôn ngữ nghệ thuật, nội dung câu hỏi nghiêng về tri giác từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, vần điệu, ngữ điệu, tiết tấu, giọng điệu; việc tri giác kết cấu, phong cách thơ…chưa được chú ý.

Qua dự giờ, xem xét giáo án các tiết dạy thơ trữ tình hiện đại; dựa vào kết quả khảo sát giáo viên, tác giả luận văn thấy nhìn chung các thầy cô đã chú ý khai thác tác phẩm thơ trữ tình trong mối quan hệ hữu cơ giữa hình thức và nội dung. Một số giáo viên đã bám sát mạch cảm xúc làm nổi bật hình tượng trữ tình. Tuy nhiên, khi được hỏi về hướng khai thác một bài thơ trữ tình, đã có 19,4% số thầy cô cho rằng nên tách nội dung riêng, hình thức riêng; 34,7% số thầy cô cho rằng nên đi từ nội dung đến hình thức. Số liệu này làm chúng ta không khỏi băn khoăn. Bởi có

đến 54,1% giáo viên dạy thơ trữ tình mà thoát li đặc trưng của nó. Đó là hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng dạy học thơ trữ tình ở phổ thông hiện nay.

Bên cạnh đó, có đến 70,8% giáo viên cho rằng trong dạy thơ trữ tình có lúc quan tâm, có lúc không quan tâm đến từ thần, câu thần, nhịp điệu, vần điệu, giọng điệu, ngữ điệu, tiết tấu. Chỉ có 30,6% số thầy cô quan tâm một cách kĩ lưỡng, phát hiện cho bằng được các yếu tố trên. Lối dạy thơ trữ tình phổ biến vẫn là dạy theo ý nên không khơi gợi được cảm xúc cho người học. Các yếu tố ngôn ngữ nghệ thuật như nhịp điệu, vần điệu, âm hưởng, tiết tấu, giọng điệu thơ chưa được chú ý khai thác để làm nổi bật hình tượng trữ tình. Dạy Ánh trăng của Nguyễn Duy, giáo viên ghi bảng: 1. Vầng trăng quá khứ, 2. Vầng trăng hiện tại, 3. Vầng trăng tâm tưởng. Trong mỗi phần ấy, thầy cô yêu cầu học sinh tìm chi tiết, hình ảnh miêu tả vầng trăng rồi rút ra nhận xét chung. Giáo viên không cho học sinh tái hiện mối quan hệ giữa người lính, vầng trăng trong quá khứ, hiện tại và trong suy ngẫm của nhà thơ…Việc thay đổi giọng điệu ở các khổ thơ cho thấy sự vận động trong cảm xúc của chủ thể trữ tình cũng không được giáo viên chú ý. Như vậy, lối dạy thơ trữ tình theo ý như vậy đã đi chệch bản chất của văn chương, thủ tiêu “cảm xúc thẩm mĩ” của người học. Nếu bản thân thầy cô cũng không chú trọng tới việc tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và tái hiện hình tượng thơ thì làm sao chú ý rèn cho học sinh những năng lực ấy.

Có một thực tế là không ít giáo viên còn lúng túng khi xác định trọng tâm bài học. Nội dung phân tích thơ vì thế dẫn tới lan man, bản thân học sinh theo hướng dẫn như vậy cũng không nắm được hình tượng trữ tình, không rung động được trước vẻ đẹp của các “điểm sáng thẩm mĩ” trong bài thơ. Khi được hỏi: Cái hay, cái đẹp được thể hiện rõ nhất ở chỗ nào trong khổ 1 bài Mùa xuân nho nhỏcủa Thanh Hải, có đến 76,4% giáo viên trả lời sai trọng tâm do không phát hiện ra được đó là hình ảnh “Tôi đưa tay tôi hứng” và phép đảo ngữ ở đầu bài thơ. Chỉ có 31,9% số giáo viên nhận ra chính xác hình ảnh nổi bật trong khổ 2 bài Sang thu của Hữu Thỉnh: “Có đám mây mùa hạ / Vắt nửa mình sang thu”, một con số thật khiêm tốn.

Dạy Đoàn thuyền đánh cácủa Huy Cận (lớp 9), giáo viên quá ôm đồm, sa đà vào phân tích tất cả các hình ảnh trong bài thơ làm cho tiết học mệt mỏi, quá tải, bị xé vụn. Giáo viên không phát hiện được những hình ảnh tiêu biểu được xây dựng trên nền cảm hứng lãng mạn và sức tưởng tượng phong phú của nhà thơ để xoáy vào làm bật giọng điệu, âm hưởng khỏe khắn, sôi nổi bay bổng của bài thơ. Có những giáo viên không hề khai thác các yếu tố như nhịp điệu, cách gieo vần linh hoạt trong khi đây là một yếu tố quan trọng tạo nên giọng điệu thơ.

Nắm vững định hướng “giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh, tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng học sinh đều được suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, … nhiều thầy cô đã thực hiện khá thành công đổi mới phương pháp trong từng tiết dạy cụ thể. Không ít giáo viên đã thành công trong tổ chức, hướng dẫn học sinh nhận thức tư tưởng nghệ thuật tác phẩm qua việc tìm tòi, cắt nghĩa, phân tích giá trị ngôn ngữ nghệ thuật, phát huy trí tưởng tượng của học sinh thông qua tái hiện hình tượng thơ.

Nhưng thực tế, còn ít giáo viên gợi được hồi tưởng, suy tư, rung động của học sinh. Việc vận dụng các phương pháp, biện pháp trong quá trình lên lớp của giáo viên còn chưa linh hoạt , đôi khi khiên cưỡng, gò ép. Nhiều giáo viên dạy một bài thơ có tới 30 câu hỏi nhưng lại rất ít câu hỏi hình dung tưởng tượng. Dạy Đoàn thuyền đánh cá,giáo viên không hề sử dụng câu hỏi tái hiện hình tượng. Trong khi đó cảnh biển vào đêm rực rỡ, lộng lẫy; cảnh đánh bắt cá khỏe khắn, tươi vui chỉ là những nhận xét được các thầy cô rút ra rồi áp đặt cho học trò mà thôi. Các em không có sự rung động trước vẻ đẹp của các hình ảnh thơ. Vì thế, học sinh không thấy yêu thơ mà chán thơ dẫn đến chán cả học văn.

Điều đáng lưu tâm hơn cả ở các tiết đọc hiểu thơ là có ít hoặc thiếu hệ thống bài tập rèn luyện. Các thầy cô chỉ cố truyền tải cho xong kiến thức. Hầu hết bài giảng không khai thác sâu hình thức biểu hiện, có bài tập thì cũng chỉ là các bài tập đánh giá, cảm thụ, nhưng số lượng bài tập dạng này cũng rất ít; còn bài tập rèn cho học sinh năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật, tái hiện hình tượng thơ hầu như bỏ

trống. Việc đọc diễn cảm phần lớn chỉ được thực hiện hình thức ở đầu mỗi tiết; giữa, cuối tiết học hầu như vắng bóng.

Căn cứ vào kết quả khảo sát, có đến 24,4% học sinh tri giác ngôn ngữ nghệ thuật sai và 48,6% số học sinh tri giác ngôn ngữ nghệ thuật chưa tốt. Như vậy, năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật của học sinh rất yếu. Đặc biệt, những câu hỏi yêu cầu tri giác về nhịp điệu, tiết tấu, ngữ điệu, kết cấu, phép chuyển nghĩa, “khoảng trắng” của bài thơ hầu như các em không phát hiện ra.

Kết quả khảo sát về năng lực tái hiện hình tượng: 81% số học sinh được khảo sát bỏ trống hoặc tái hiện hình tượng không tốt. Điều này cho thấy năng lực tái hiện hình tượng của học sinh còn yếu hơn cả năng lực tri giác ngôn ngữ. Cụ thể: có đến 20% học sinh được khảo sát bỏ trống phần câu hỏi tái hiện hình tượng; 61% số học sinh được khảo sát tái hiện hình tượng hời hợt, sơ sài. Khi yêu cầu các em: Hãy tưởng tượng và miêu tả cảm xúc của chủ thể trữ tình ở khổ 4 bài Ánh trăng của Nguyễn Duy; Hãy tưởng tượng và thể hiện câu thơ “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu” bằng lời văn của em; Hãy hình dung và miêu tả bức tranh thiên nhiên trong Mùa xuân nho nhỏcủa Thanh Hải, các em đều tái hiện hình tượng chưa tốt. Nhiều bài tái hiện qua loa. Chẳng hạn có bài chỉ viết vẻn vẹn “Trong câu thơ này, tác giả liên tưởng tới thiên nhiên đang đứng chính giữa mùa hạ và mùa thu”. Hoặc: Bài thơ Ánh trăng được Nguyễn Duy sáng tác vào năm 1978. Khi đèn điện tắt, người lính mở cửa, nhìn thấy vầng trăng trên trời.

Phần lớn các bài rơi vào diễn xuôi hoặc suy diễn tùy tiện, chủ quan, xa rời tác phẩm….. Ví dụ: “Trong khổ thơ này, tác giả ngửa mặt lên trời nhìn mặt trăng. Nó là thứ gắn bó với tác giả trong thời chiến tranh và gần gũi với tác giả như là đồng, sông, bể, rừng”.

“Có đám mây mùa hạ là một hiện tượng của thiên nhiên. Mây mùa hạ nghĩa là nó có màu đen kịt tạo cảm giác nặng nề. Còn mây mùa thu thì trong vắt, xanh ngắt. Còn vắt nửa mình sang thu cho biết giữa đám mây mùa hạ và mùa thu có sự khác biệt rõ rệt. Đây là một hiện tượng của thiên nhiên, đất trời”.

“Một tiết trời khá oi bức, nắng nóng, không có chút gió. Khí trời bắt đầu chuyển từ hạ sang thu một cách nhẹ nhàng. Thời tiết mát mẻ, không oi bức. Mây trong xanh. Mặt trời chiếu sáng không nhiều như tiết trời mùa hạ”.

“Có tất cả là bốn mùa trong năm: Xuân, hạ, thu, đông. Cứ như vậy, các mùa cứ thay nhau trong năm. Hình ảnh trong bài thơ cho thấy mùa hạ đã qua đi để bắt đầu cho một mùa thu của năm”.

“Giữa dòng sông xanh có bông hoa tím biếc. Đó là tiếng chim chiền chiện hót vang trời. Từng giọt long lanh từ từ rơi xuống. Tác giả dùng tay để hứng những giọt trong lành đó”.

“Ở một nơi có một dòng sông màu xanh chảy róc rách, trên đó mọc lên một bông hoa màu tím. Trên đó có một con chim chiền chiện vừa bay vừa hót. Rồi từng giọt long lanh rơi xuống, tác giả đưa tay ra mà hứng”.

“Mùa xuân là đề tài muôn thủa của nhiều nhà thơ, trong đó có Thanh Hải. Với hình ảnh bông hoa mọc giữa dòng sông xanh, con chim hót vang trời và tác giả đưa tay hứng từng giọt sương thì đó quả là bức tranh sinh động. Mùa đông lạnh lẽo dần qua, mùa xuân đang bắt đầu. Việc mượn khoảnh khắc giao mùa là rất hay của tác giả bởi nó có nhiều hình ảnh đặc sắc”.

Tình trạng tái hiện hình tượng qua loa, sơ sài, “diễn nôm” đoạn thơ; hoặc không tái hiện được một chi tiết nghệ thuật nào trong bài thơ mà chỉ nói dông dài, lan man ngoài tác phẩm đều đi chệch yêu cầu của việc tái hiện hình tượng. Vì vậy, hình tượng trong sự tái hiện của các em trở nên méo mó, sai lệch, không hoàn chỉnh, thiếu chân xác dẫn đến xác định tư tưởng, chủ đề bài thơ không tốt.

Tuy nhiên, cũng có 19% học sinh được khảo sát tái hiện hình tượng tốt. Đây là những bài các em đã tái hiện được hình tượng hoàn chỉnh, trọn vẹn và biết hướng sự tái hiện vào việc làm nổi rõ tư tưởng, chủ đề của bài thơ. Các em biết diễn đạt sự cảm thụ bằng hành văn trong sáng.

Em NNM (9A10 – Chu Văn An) tái hiện cảm xúc của chủ thể trữ tình trong

Ánh trăngvới cảm xúc tinh tế: “Khi mọi ánh đèn đột ngột vụt tắt, người lính vội mở toang cửa sổ, mặt đối mặt với vầng trăng. Đột nhiên cảm xúc “rưng rưng”…dâng

trào. Rồi tự nhiên nhớ về kỉ niệm xa xưa. Sao quen thuộc và thân thương quá! Là “đồng”, là “bể”, là “sông”, là “rừng” đấy thôi. Những hình ảnh lóe sáng, vụt ngang trong hồi ức người lính mang theo bao bồi hồi, xao xuyến”.

Em ĐTTT (95 – BC) tái hiện khá hoàn chỉnh bức tranh mùa xuân khổ 1 bài

Mùa xuân nho nhỏ: “Trước mắt ta là một bức tranh mùa xuân thoáng đãng, tươi sáng, đẹp đẽ. Một bông hoa tím biếc cựa mình, trỗi dậy giữa dòng sông xanh. Tiếng chim chiền chiện ríu rít, vang trời làm say mê lòng người. Tiếng gọi “ơi” trìu mến thiết tha diễn tả niềm hứng thú, ngây ngất của con người trước vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời. Nhà thơ say sưa, nâng niu đón nhận từng giọt âm thanh. Ôi! Thật lãng mạn, nên thơ”.

Tái hiện hình ảnh đám mây trong Sang thu của Hữu Thỉnh, em TCT (94 -BC) viết: “Đám mây như một người con gái yểu điệu, biết làm duyên, làm dáng khi thu về. Đám mây đang sang thu nhưng còn dùng dằng, luyến tiếc như chưa nỡ chia tay mùa hạ”.

Em HĐHT (9A1-LQĐ): “Tác giả điểm vào bức tranh mùa thu một áng mây vắt ngang trên nền trời thu xanh như nhịp cầu ô thước nối hai mùa hạ – thu tạo nên một khoảng trời thu sống động. Đám mây mang theo một tình thu hồn nhiên, sôi nổi, thiết tha.

Em TPK (9A8- HBT): “Đám mây thảnh thơi, duyên dáng như một dải lụa mềm mại vắt ngang bầu trời với nửa kia là mùa hạ, còn nửa bên này là mùa thu”.

Đây là những bài viết giàu cảm xúc. Các em biết khái quát các chi tiết nghệ thuật hình thành hình tượng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, số học sinh làm được như vậy là rất ít.

Một phần của tài liệu BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG TRI GIÁC NGÔN NGỮ VÀ TÁI HIỆN HÌNH TƯỢNG TRONG DẠY HỌC THƠ TRỮ TÌNH CHO HỌC SINH LỚP 9 Ở TRUNG HỌC CƠ SỞ (Trang 51 -56 )

×