1.3. Những nhân tố chi phối việc rèn năng lực tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình
1.3.2. Đặc điểm hình tượng thơ trữ tình
Tác phẩm trữ tình nói chung và thơ trữ tình nói riêng phản ánh thế giới bằng cách biểu hiện trực tiếp những cảm xúc, suy tưởng của con người. Vì thế, hình tượng thơ trữ tình là hình tượng con người trực tiếp thổ lộ suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng trong tác phẩm. Đó có thể là nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình không có diện mạo, hành động, lời nói, quan hệ cụ thể như nhân vật tự sự và kịch. Nhưng nhân vật trữ tình cụ thể trong giọng điệu, cảm xúc, trong cách cảm, cách nghĩ. Cũng bởi thế mà ta dễ nhận ra vẻ đẹp hiên ngang, bất chấp khó khăn, nguy hiểm của người lính lái xe Trường Sơn qua giọng điệu ngang tàng, sôi nổi, trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
Trong tác phẩm trữ tình, hình tượng nhân vật trữ tình còn được thể hiện gián tiếp qua nhân vật trong thơ trữ tình. Để tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và tái hiện hình
tượng thơ trữ tình chúng ta cần phân biệt nhân vật trữ tình và nhân vật trong thơ trữ tình. Nhân vật trong thơ trữ tình là đối tượng để nhà thơ gửi gắm tình cảm, là nguyên nhân trực tiếp khơi dậy nguồn cảm xúc của tác giả. Người đọc phải liên kết chuỗi tình cảm giành cho nhân vật trong thơ trữ tình để hình dung ra nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình trong thơ thường là hiện thân của tác giả. Vì thế, đọc thơ, ta như đọc những bản tự thuật tâm trạng. Con hổ trong Nhớ rừng của Thế Lữ là nhân vật trong thơ trữ tình. Đọc bài thơ, ta còn thấy nổi rõ hơn một nhân vật nữa với những cảm xúc và tình cảm: Từ tâm trạng ngao ngán, chán ghét, căm phẫn trước cái tù túng, tầm thường đến nỗi nhớ tiếc về một thời vàng son và khát vọng về một thế giới tự do. Liên kết chuỗi tình cảm đó cho ta hình dung ra nhân vật trữ tình.
Thơ trữ tình luôn mang lại quan niệm về một cá nhân con người cụ thể, sống động, một cái “tôi” có nỗi niềm riêng. Tuy nhiên, bài thơ muốn vượt thời gian thì tình cảm riêng của nhà thơ bao giờ cũng gắn với tình cảm chung, có ý nghĩa khái quát. Cũng vì thế mà nhân vật trữ tình trong thơ là một hình tượng khái quát. Muốn vậy, tác giả phải tự nâng mình lên thành người mang tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ cho một loại người, thế hệ người. Ánh trăng của Nguyễn Duy không chỉ là chuyện riêng của nhà thơ, chuyện của một người mà có ý nghĩa với cả một thế hệ, với nhiều người, nhiều thời bởi nó đặt ra vấn đề thái độ sống đối với quá khứ, với những người đã khuất và cả đối với chính mình.
Trong thơ trữ tình, nhà thơ có thể hóa thân trong một nhân vật khác, tạo thành nhân vật trữ tình nhập vai. Tất nhiên, yếu tố nhập vai và yếu tố tự thuật tâm trạng có liên hệ mật thiết với nhau. Tâm trạng riêng của nhà thơ có thể tiêu biểu cho tâm trạng của một nhóm người, một giai cấp, một thời đại. Như thế, thơ trữ tình, tuy biểu hiện thế giới nội tâm, chủ quan, lại cũng có thể theo cách riêng của mình, phản ánh gương mặt tinh thần của xã hội.
Như vậy, hình tượng thơ trữ tình là hình tượng cảm xúc, mang tính chân thực, tính khách quan, tính biểu hiện. Do đó, tiếp nhận tác phẩm trữ tình cần phải tránh sự đồng nhất giản đơn hình tượng nhân vật trữ tình với cá nhân nhà thơ, tiểu
sử nhà thơ. Rèn kĩ năng tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và tái hiện hình tượng ngôn từ là giúp học sinh nhận ra nhân vật trữ tình, nhân vật trong tác phẩm thơ trữ tình và nhân vật trữ tình nhập vai. Phải phát hiện ra mạch vận động cảm xúc của chủ thể trữ tình để từ đó làm sống dậy hình tượng cảm xúc của bài thơ.