CHƯƠNG III : THỰC NGHIỆM
3.5. Giáo án thực nghiệm
3.5.3. Đánh giá thực nghiệm rèn năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật, tái hiện
hình tượng thơ trữ tình cho HS lớp 9 THCS theo một số biện pháp luận văn đề ra.
Tác giả luận văn lựa chọn ba bài thơ: Sang thu (Hữu Thỉnh), Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Ánh trăng ( Nguyễn Duy) để dạy thực nghiệm. Đây đều là các bài thơ trữ tình hiện đại được giảng dạy ở lớp 9. Cả ba bài thơ đều làm theo thể thơ 5 chữ nhưng mỗi bài có một vẻ đẹp riêng. Sự lựa chọn kiến thức cơ bản cho các bài này trong suốt thiết kế giáo án thực nghiệm được dựa trên mục tiêu bài giảng, giá trị tác phẩm, tâm lí lứa tuổi, năng lực tiếp nhận văn học của học sinh và nhu cầu đổi mới phương pháp. Nội dung cơ bản của các thiết kế là đi từ việc xác định mạch cảm xúc trữ tình để định hướng tìm ra các “ điểm sáng thẩm mĩ”, xác định lớp nghĩa văn cảnh, tái hiện hình tượng thơ, từ đó lần ra ý nghĩa tác phẩm.
Với tinh thần trên, các tiết dạy thực nghiệm đã được tiến hành theo giáo án thiết kế của tác giả luận văn. Qua các tiết dạy thực nghiệm, chúng tôi nhận thấy giáo viên đã chú ý phát huy vai trò tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình phát
hiện, khai thác “điểm sáng thẩm mĩ”, tái hiện hình tượng tác phẩm. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các biện pháp rèn kĩ năng tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng thơ trữ tình đã thực sự giúp học sinh mạnh dạn phát hiện vấn đề, có những tưởng tượng phong phú độc đáo.
Chẳng hạn, dạy Mùa xuân nho nhỏ, giáo viên đặt luôn câu hỏi: Nét đặc sắc trong cách miêu tả hình ảnh mùa xuân ở khổ 1 của bài thơ, chỉ có lèo tèo vài cánh tay giơ lên (chủ yếu là học sinh khá, giỏi). Bản thân các em này cũng không thể tự phát hiện hết các nét đặc sắc trong khổ thơ. Nhưng khi giáo viên sử dụng biện pháp đọc nhấn giọng ở các từ ngữ, hình ảnh trọng tâm (mọc, dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, giọt long lanh rơi, hứng,…) đã giúp các em dễ dàng nhận ra điểm nút để khám phá hình tượng mùa xuân thiên nhiên: phép đảo ngữ, sử dụng động từ mọc, hình ảnh tiêu biểu,… Đồng thời, nhờ việc đọc đúng nhịp thơ (3/2, 2/3) và đúng ngữ điệu (vui, rộn ràng) của thầy mà trò phát hiện được vẻ đẹp của hình tượng : Bức tranh thiên nhiên tươi vui, đầy màu sắc, âm thanh, tràn trề sức sống. Điều đặc biệt hơn là việc sử dụng biện pháp đọc đã thu hút được học sinh trung bình, yếu tích cực tham gia phát biểu. Nhờ vậy, tiết học trở nên sôi động do lôi cuốn mọi đối tượng tham gia xây dựng bài một cách tự giác.
Dạy Ánh trăng,bằng việc thể hiện ngữ điệu thay đổi linh hoạt ở từng khổ thơ của giáo viên nên khi yêu cầu xác định giọng điệu bài thơ, gần nửa lớp giơ tay phát biểu. Hầu như các phát biểu đều chung một nội dung: giọng điệu bài thơ thay đổi linh hoạt: ba khổ đầu: giọng kể, nhịp thơ trôi chảy bình thường; khổ thứ tư: giọng thơ thay đổi đột ngột, ngỡ ngàng; khổ 5,6: giọng thơ tha thiết, trầm lắng.
Các tiết dạy thực nghiệm cho thấy sử dụng biện pháp đọc thơ hỗ trợ đắc lực cho học sinh nhanh chóng nhận ra điểm sáng nghệ thuật. Tuy vậy, công việc này không phải là dễ với tất cả thầy cô và không phải lúc nào sử dụng cũng đem lại hiệu quả cao.
Trong các tiết dạy thực nghiệm, việc sử dụng hợp lí các câu hỏi tri giác ngôn ngữ, câu hỏi tái hiện hình tượng tạo cho học sinh dễ dàng hơn trong việc tiếp cận
tác phẩm; từ đó hình thành cho các em phương pháp đọc - hiểu thơ trữ tình: đi từ lớp vỏ ngôn ngữ tới lớp hình rồi mới tới lớp ý. Đặc biệt, các câu hỏi đã phát huy tối ưu hiệu quả khi sử dụng liền sau biện pháp đọc thơ. Hầu hết giáo viên đặt câu hỏi tri giác ngôn ngữ ngay sau khi sử dụng biện pháp đọc đều được các em hào hứng phát biểu; các phát hiện này có độ chính xác cao.
Cụ thể ở bài Sang thu, khi trình bày ý kiến của mình về tính triết lí ở hai câu cuối bài thơ, các em đều bắt đầu từ việc phân tích lớp nghĩa của các từ ngữ, hình ảnh (sấm, hàng cây đứng tuổi) để chỉ ra ý nghĩa triết lí của câu thơ: Khi con người từng trải sẽ vững vàng hơn trước sự tác động bất thường của ngoại cảnh, cuộc đời. Do vậy, cảm nhận của các em hạn chế được sự suy diễn tùy tiện, chủ quan.
Với câu hỏi tái hiện hình tượng đã phát huy được khả năng tưởng tượng phong phú của các em. Nhiều em có những liên tưởng thú vị nhờ biết huy động vốn sống, khả năng ngôn ngữ của bản thân. Cùng là hình ảnh đám mây trong Sang thu
của Hữu Thỉnh, có em tưởng tượng nó như nhịp cầu Ô Thước nối hai mùa hạ thu; có em lại hình dung đó là tấm khăn voan mềm mại; tưởng tượng khác lại hình dung đám mây như dải lụa mềm mại vắt ngang bầu trời.
Việc sử dụng biện pháp tích hợp giúp các em khá hiệu quả trong việc chọn lựa lớp nghĩa văn cảnh; nhờ vậy mà hoạt động tái hiện hình tượng được thuận lợi hơn. Do tích hợp kiến thức tiếng Việt bài Đại từ nhân xưng, các em nhận ra sự độc đáo trong việc chuyển đổi từ xưng hô “tôi” thành “ ta” ở Mùa xuân nho nhỏ. Thanh Hải chuyển đại từ “tôi” ở khổ 1 thành “ta” ở khổ 5 vừa bộc lộ khát vọng của chính mình, vừa thể hiện tâm niệm của tất cả mọi người, nói cái riêng mà vẫn có cái chung. Không cao giọng, không quá đề cao vai trò cá nhân.
Tuy vậy, qua dự giờ thực nghiệm, tác giả luận văn cũng nhận thấy còn tồn tại cần khắc phục khi sử dụng biện pháp tích hợp kiến thức. Nghĩa của từ trong thơ là nghĩa văn cảnh. Nếu tích hợp kiến thức tiếng Việt chỉ dừng lại ở thao tác tri giác nghĩa trực tiếp của từ thì các em sẽ không phát hiện được bình diện ngữ nghĩa thứ hai mà nhà thơ mã hóa trong từ. Như vậy, khi tích hợp, giáo viên cần hướng dẫn các
em biết lựa chọn nét nghĩa văn cảnh để xác định hình tượng. Muốn vậy, thầy cô cần linh hoạt trong ứng xử tình huống sư phạm để dẫn dắt, gợi mở các em tự phát hiện ra. Ở tiết thực nghiệm bài Mùa xuân nho nhỏ, nhiều học sinh không phát hiện được nghĩa văn cảnh của từ “lộc” trong câu thơ: “Mùa xuân người cầm súng / Lộc giắt đầy trên lưng / Mùa xuân người ra đồng / Lộc trải dài nương mạ” dù các em hiểu “lộc” là chồi non. Bốn học sinh được gọi phát biểu chỉ quẩn quanh giải thích: Người cầm súng ra trận, đeo quanh mình lá ngụy trang trên lá có lộc non. Người nông dân ra đồng gieo mạ, mạ nẩy lên những lộc non. Các em không phát hiện được ý hàm ẩn của hình ảnh thơ: Chính người cầm súng, người ra đồng đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước. Ở tình huống này, giáo viên cũng lúng túng trong việc dẫn dắt học sinh nên mất khá nhiều thời gian cho việc phân tích khổ thơ.
Việc sử dụng bài tập rèn năng lực tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng thơ ở cuối mỗi tiết học giúp giáo viên kiểm tra được khả năng tiếp thu bài của các em để có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Bài tập cũng giúp học sinh củng cố, khắc sâu kiến thức. Tuy nhiên, việc sử dụng bài tập cần linh hoạt theo bài dạy: có thể cho làm ngay trên lớp, cũng có thể cho làm ở nhà. Dạy Sang thu, Ánh trăng, thầy cô cho học sinh làm bài tập ngay trên lớp được. Nhưng đến Mùa xuân nho nhỏ, khi thực hiện theo thiết kế, giáo viên cho làm bài tập trên lớp thì thời gian bị kéo dài quá một tiết.
Qua các tiết dạy thực nghiệm, chúng tôi thấy năng lực tái hiện hình tượng của các em tuy có tiến bộ nhưng còn hạn chế. Khi yêu cầu tái hiện hình tượng, đối tượng tham gia chủ yếu vẫn là học sinh khá, giỏi. Vì vậy, không khí lớp học trầm hẳn xuống. Học sinh trung bình, yếu nếu có phát biểu thì hình tượng được tái hiện phần lớn là chưa hoàn chỉnh, đôi khi bị méo mó hoặc chủ yếu là diễn xuôi câu thơ, đoạn thơ. Cá biệt có em không xác định được hình tượng. Có em tái hiện bức tranh mùa xuân thiên nhiên ở khổ 1 bài Mùa xuân nho nhỏ: Bức tranh mùa xuân của Thanh Hải có bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện, giọt long lanh rơi. Hình dung mối quan hệ giữa người lính và vầng trăng ở ba khổ thơ đầu bài Ánh trăng, các em chỉ dừng lại ở nhận xét chung chung: Khi còn nhỏ, ở rừng, người lính và
vầng trăng là tri kỉ; trở về thành phố, người lính coi vầng trăng là người dưng. Như vậy, vẫn còn học sinh chưa biết tái hiện hình tượng. Theo tác giả luận văn, đây là một trong những nguyên nhân chính làm các em chán học văn. Vì các em có tái hiện được hình tượng đâu mà thâm nhập sâu vào các tầng nghĩa sâu xa của tác phẩm; những lời hay, ý đẹp về hình tượng vẫn chỉ là của thầy, cô mà thôi.
Các học sinh yếu khả năng tái hiện hình tượng có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là: vốn sống, vốn ngôn ngữ nghèo nàn; khả năng liên tưởng, tưởng tượng nghệ thuật, diễn đạt kém; nhiều học sinh chưa phân biệt được sự khác nhau giữa đọc một văn bản nghệ thuật với đọc một văn bản thông thường.
Vì vậy, việc hình thành ý thức trau dồi ngôn ngữ, tích lũy vốn biểu tượng cũng như kĩ năng tưởng tượng cho học sinh là một yêu cầu thiết thực trong quá trình dạy học văn. Làm sao để các em có kiến thức nền vững chắc làm lực đẩy cho các tưởng tượng trở nên phong phú, hợp lí? Đây cũng là trăn trở mà tác giả luận văn thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu.
Rõ ràng để đánh giá kết quả một giờ dạy học văn cũng như thẩm định hiệu qủa thực tiễn bởi các biện pháp sư phạm đang được vận dụng thực nghiệm hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản, một sớm một chiều và cũng không phải chỉ dựa vào các con số chỉ có tính chất định lượng trên kia. Cách nhìn nhận đánh giá còn phải dựa trên quan điểm đồng bộ và những tri thức phương pháp luận của lí thuyết dạy học hiện đại; đồng thời chú trọng đến vai trò của người học trong quá trình giáo dục và đào tạo nói chung.
KẾT LUẬN
1. Dạy học tác phẩm văn chương là một nghệ thuật - nghệ thuật khai thác vẻ đẹp chất liệu ngôn từ. Nhìn chung, đề tài “Biện pháp rèn kĩ năng tri giác ngôn ngữ nghệ thuật, tái hiện hình tượng thơ trữ tình cho học sinh lớp 9 ở THCS” đã nghiêm túc tìm tòi, nghiên cứu con đường nghệ thuật ấy. Mục đích cơ bản của đề tài là tìm ra biện pháp giúp học sinh hiểu văn, tiến tới yêu thích học tập bô môn. Đề tài đã căn cứ cơ sở lí luận và thực tiễn của việc rèn năng lực tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng thơ để có những biện pháp cụ thể. Từ đó, mong muốn góp phần nhỏ làm cho con đường dạy học tác phẩm văn chương thực sự đem lại hiệu quả, đáp ứng mục tiêu giáo dục: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện... hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân…”
2. Trong chương trình THCS, mỗi tác phẩm thơ trữ tình hiện đại đều là những tác phẩm chọn lọc, là một sáng tạo độc đáo của nhà thơ. Bạn đọc trong nhà trường là học sinh - vừa là những đối tượng phát triển, vừa là chủ thể tiếp nhận sáng tạo của quá trình dạy học văn. Đối tượng tiếp nhận, chiếm lĩnh của học sinh trong giờ dạy học văn là tác phẩm. Tác phẩm văn chương vốn là một hệ thống văn bản ngôn ngữ hình tượng sinh động và hoàn chỉnh, nhưng chỉ khi nào được người đọc trực tiếp tiếp nhận và chiếm lĩnh qua kênh nghe và nhìn, hình dung tưởng tượng nó mới trở thành đối tượng. Nghĩa là chỉ khi nào người đọc trực tiếp được tác động qua việc tri giác ngôn ngữ, qua sức tái hiện, tái tạo hình tượng thì tác phẩm mới có thể trở thành những gợi ý và đề án tiếp nhận, mới làm xuất hiện nhu cầu, hứng thú tìm hiểu khai thác. Tri giác ngôn ngữ nghệ thuật, tái hiện hình tượng thơ của học sinh trong giờ văn là hoạt động tâm lí sáng tạo có ý nghĩa then chốt để hiểu,cảm , giao tiếp và chiếm lĩnh giá trị tác phẩm.
3. Biện pháp rèn kĩ năng tri giác ngôn ngữ nghệ thuật, tái hiện hình tượng thơ cho học sinh lớp 9 THCS nằm trong hệ thống phương pháp chung của quá trình dạy
học Văn. Việc tích hợp kiến thức hay sử dụng câu hỏi để gợi mở hoặc tạo tình huống có vấn đề, sử dụng biện pháp đọc thơ và hệ thống bài tập rèn kĩ năng đều dựa trên yêu cầu cơ bản của quan điểm dạy học hiện đại. Hai năng lực mà tác giả luận văn lựa chọn để rèn luyện cho học sinh tuy không phải là những năng lực quan trọng bậc nhất nhưng lại đóng vai trò là năng lực tiền đề, “cửa ngõ” để phát triển các năng lực văn học khác ( năng lực cảm xúc thẩm mĩ, năng lực nhận biết loại thể để định hướng hoạt động tiếp nhận, năng lực đánh giá, năng lực tự nhận thức….Đặc biệt là với tác phẩm trữ tình nói chung và thơ trữ tình hiện đại nói riêng, các năng lực này càng có ý nghĩa quan trọng. Vì thế, đây là những năng lực được khoa học phương pháp luôn quan tâm nghiên cứu; đồng thời cũng là giải pháp ứng dụng cho nhiều công trình nghiên cứu dạy học văn. 4. Các trường THCS hiện nay vẫn tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy
học. Giáo viên Ngữ văn rất cần có những định hướng cụ thể để quá trình dạy học văn đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp cả bề rộng lẫn chiều sâu. Biện pháp rèn kĩ năng tri giác ngôn ngữ nghệ thuật, tái hiện hình tượng thơ đã giúp giáo viên hiểu sâu hơn hướng khám phá tìm tòi tác phẩm thơ trữ tình: từ bình diện ngôn từ (lớp vỏ vật chất) tới lớp hình rồi mới đến lớp ý. Từ đó, dễ dàng hơn trong biên soạn các bài tập ứng dụng để rèn luyện năng lực cho học sinh trong quá trình giảng dạy. Như thế, thầy tự tin hơn, trò học cũng hăng hái, tích cực chủ động hơn. Hiệu quả giờ học cao hơn. Học sinh yêu văn hơn.
5. Nội dung chính của đề tài là đưa ra các biện pháp cụ thể để rèn kĩ năng tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng thơ trữ tình cho học sinh. Các biện pháp ấy đã đuợc thử nghiệm và có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, khi vận dụng, giáo viên cần có sự sáng tạo phù hợp với từng bài dạy. Cần phát huy đồng bộ vai trò của các phương pháp, biện pháp, thủ pháp dạy học; sử dụng có trọng điểm cho từng bài học cụ thể, từng mục tiêu cụ thể.
Dạy học thơ trữ tình ở THCS không phải là một hoạt động mới mẻ. Song, để cho học sinh dcó những năng lực văn học nhất định, từ đó trang bị cho các em kĩ
năng tự đọc hiểu văn bản thơ trữ tình là cả một quá trình đòi hỏi sự kiếm tìm, nỗ lực rất khó khăn của cả giáo viên và học sinh. Mong rằng những cố gắng trong luận văn được sự đóng góp của các nhà nghiên cứu, các nhà giáo tâm huyết để những biện pháp của đề tài thực sự có hiệu quả thiết thực cho quá trình dạy học văn ở trường THCS hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Đình Ân (1983), “ Tâm hồn, một thực thể thẩm mĩ của thơ ca trữ tình”,Tạp chí văn học, số 1.
2. Nguyễn Gia Cầu (1997), “Hiệu quả của giờ dạy văn”, Tạp chí nghiên