2.2. Một số biện pháp rèn năng lực tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng cho
2.2.4. Sử dụng câu hỏi để phát huy năng lực tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình
tượng nghệ thuật trong quá trình tổ chức cho học sinh tiếp nhận văn bản thơ trữ tình
Câu hỏi nhằm phát huy năng lực tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng nghệ thuật cho học sinh là một bộ phận trong hệ thống câu hỏi dạy học tác phẩm văn chương. Đó là câu hỏi dựa trên đặc trưng tư duy văn học, hướng vào khai thác tính nghệ thuật của tác phẩm, tính lôgic khoa học của kiến thức trên cơ sở phù hợp với khả năng tự phát triển của học sinh.
Việc đặt câu hỏi đối với học sinh trong quá trình tổ chức tiếp nhận văn bản có ý nghĩa làm thay đổi tình thái của giờ học – nghĩa là mở ra tình huống “có vấn đề”, xác định tình trạng thực tại và đặt học sinh vào các yêu cầu của việc nhận thức. Các câu hỏi này thể hiện từng bước khai thác giá trị nghệ thuật, nội dung của tác phẩm; thể hiện lôgic kiến thức, tiến trình lĩnh hội một đơn vị kiến thức và khả năng sáng tạo trong tiếp nhận thẩm mĩ. Bởi nếu câu hỏi chỉ là những yêu cầu phát hiện
giản đơn hay nhắc lại một vài yếu tố vụn vặt của tác phẩm, việc tiếp nhận của học sinh dễ rời rạc, hời hợt. Còn nếu câu hỏi không có hệ thống, không tuân thủ những nguyên tắc cấu tạo hình tượng của tác phẩm và đặc trưng tư duy văn học của học sinh thì việc tiếp nhận sẽ kém hiệu quả.
Câu hỏi phát huy năng lực tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng nghệ thuật nhằm mục đích gợi mở, vận dụng trí nhớ, lựa chọn, huy động tối đa kinh nghiệm cá nhân, hướng học sinh vào hiện thực tâm lí của tác phẩm bằng những yêu cầu trả lời kiến thức, xác lập mối quan hệ giữa tác phẩm với nội dung bài học. Nó không tồn tại biệt lập, tách rời mà được đặt trong cấu trúc hệ thống các câu hỏi của tiến trình tổ chức tiếp nhận tác phẩm văn chương. Yêu cầu đối với loại câu hỏi này là đặt học sinh trước nhu cầu tìm tòi, phát hiện “thế giới nghệ thuật thi ca”, tái hiện hình tượng tác phẩm làm căn cứ cho việc kiến giải, cắt nghĩa nghệ thuật ở những bước tiếp theo. Việc trả lời các câu hỏi tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và tái hiện hình tượng thơ là những sợi dây kết nối kiến thức mà ở dạng đầy đủ nhất sẽ là hình tượng tác phẩm được tiếp nhận trọn vẹn.
Việc đặt câu hỏi nói chung và câu hỏi phát huy năng lực tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng nói riêng trong giờ dạy học văn giúp khắc phục nhược điểm của kiểu dạy học truyền thụ kiến thức một chiều. Bên cạnh đó, nó đòi hỏi những yêu cầu chặt chẽ của tính khoa học và tư duy tiếp nhận nghệ thuật. Xây dựng hệ thống câu hỏi phải dựa trên căn cứ nghiên cứu về:
- Nguyên tắc cấu tạo hình tượng thơ trữ tình.
- Đặc trưng tư duy và tâm lí của lứa tuổi học sinh THCS. - Mục tiêu bài học.
Trên cơ sở những nghiên cứu trên, câu hỏi tri giác ngôn ngữ nghệ thuật trong giờ giảng văn là những câu hỏi phát hiện; cũng có thể là dạng câu hỏi gợi mở, dẫn dắt. Dạng câu hỏi này giúp giáo viên tìm ra phản ứng trực giác của học sinh bị tác động bởi nội dung và hình thức của tác phẩm ở mức độ ấn tượng ban đầu. Qua câu
trả lời của trò, giáo viên có thể phát hiện ngay sự “nhanh nhạy” trong cảm thụ của trò.
Ví dụ: giáo viên có thể hỏi học sinh
- Cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mùa xuân nho nhỏcủa Thanh Hải? - Ấn tượng của em về hình ảnh “Có đám mây mùa hạ. Vắt nửa mình sang
thu” trong bài thơ Sang thucủa Hữu Thỉnh?
- Cảm nhận của em về tiết tấu, nhạc điệu trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải?
- Hệ thống hình ảnh thơ và cách diễn tả cảm xúc của Y Phương trong bài
Nói với conđể lại trong em ấn tượng gì?
Loại câu hỏi này không phải cố định trong thời gian tiết học mà thời điểm hỏi có thể linh động thay đổi theo mục đích, yêu cầu của người dạy.
Dạng câu hỏi phát hiện gợi mở, dẫn dắt cũng có ý nghĩa quan trọng để tìm ra hệ thống tín hiệu thẩm mĩ của bài thơ: đó là hình thức diễn đạt tinh vi, sống động; là cách sử dụng kết cấu lạ, độc đáo; là nhịp điệu, vần điệu, tiết tấu, …; là các phép chuyển nghĩa…. Để tìm ra hệ thống tín hiệu thẩm mĩ này, giáo viên có thể đưa ra dạng câu hỏi đối chiếu, so sánh từ ngữ, hình ảnh để phân tích ý nghĩa của từ, hình ảnh trong một bài văn. Cũng có thể sử dụng câu hỏi gợi mở để học sinh tìm ra yếu tố then chốt đóng vai trò là “những tín hiệu chìa khóa” của bài thơ.
Ví dụ:
1. Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước đã miêu tả qua những hình ảnh, màu sắc, âm thanh nào trong hai khổ thơ đầu?
2. Sự biến đổi của đất trời lúc sang thu đã được Hữu Thỉnh cảm nhận bắt đầu từ đâu và gợi tả qua những hình ảnh, hiện tượng gì?
3. Theo em, nét riêng của thời điểm giao mùa hạ – thu được Hữu Thỉnh thể hiện đặc sắc nhất qua hình ảnh, câu thơ nào?
4. Con được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương. Hãy tìm các câu thơ nói lên điều ấy?
5. Cách diễn tả mùa xuân thiên nhiên trong khổ 1 Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải có gì độc đáo?
6. Trong Sang thu, dấu hiệu đầu thu là hương ổi, làn gió và sương thu. Sương thu thì “chùng chình qua ngõ”. Em hiểu “chùng chình” nghĩa là gì? Có thể thay từ “chùng chình” bằng các từ ngữ khác như: dềnh dàng, lững thững, đủng đỉnh được không? Vì sao?
7. Tại sao trong câu thơ thứ 4 tác giả không viết “Ôi! Mùa thu đã về!” mà lại viết “Hình như thu đã về”?
Đặc biệt những câu hỏi xác định chủ thể trữ tình, mạch cảm xúc của bài thơ, kết cấu, thời gian, không gian nghệ thuật của tác phẩm góp phần quan trọng định hướng cho học sinh chiếm lĩnh tác phẩm đúng hướng. Theo tác giả luận văn, những câu hỏi với nội dung trên đóng vai trò là câu hỏi tri giác tác phẩm ở bước đầu trước khi đi vào tri giác hệ thống tín hiệu thẩm mĩ cụ thể ở mỗi đoạn thơ.
Tuy nhiên, khi sử dụng câu hỏi tri giác ngôn ngữ nghệ thuật, giáo viên phải thận trọng để không rơi vào tình trạng câu hỏi bị tản mạn, vụn vặt. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng tri giác vụn lẻ, phá vỡ tính chỉnh thể của hình tượng.
Nếu câu hỏi tri giác ngôn ngữ nghệ thuật kích thích, khơi gợi học sinh chủ động tìm ra “điểm sáng thẩm mĩ” thông tin nghệ thuật thì câu hỏi tái hiện hình tượng giúp người đọc xác nhận sự hình dung của mình dưới tác động của hình tượng văn học. Muốn vậy, dạng câu hỏi này, nghiêng về sự khơi gợi trí tưởng tượng của học sinh, khiến cho văn bản là thế giới những kí hiệu được sống dậy như một sinh mệnh nghệ thuật đích thực. Với thơ trữ tình, giáo viên cho học sinh tái hiện một cảnh huống, một tâm trạng dưới dạng lời văn miêu tả, trần thuật hay lời kể để tái hiện hình tượng.
Ví dụ: khi dạy Mùa xuân nho nhỏcủa Thanh Hải giáo viên có thể đặt câu hỏi cho học sinh:
- Em hãy hình dung và miêu tả bức tranh mùa xuân thiên nhiên ở 4 câu đầu khổ 1 của bài thơ?
Giáo viên yêu cầu học sinh: Tưởng tượng hình ảnh đám mây mùa hạ trong hai câu cuối khổ 2 bài Sang thucủa Hữu Thỉnh.
Học Đồng chícủa Chính Hữu thầy cô cho học sinh:
- Hình dung tâm trạng của người lính qua những câu thơ: Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
- Em hãy tưởng tượng và miêu tả lại bức tranh ở khổ cuối bài Đồng chí. Dạy Đoàn thuyền đánh cácủa Huy Cận, giáo viên cho học sinh tái hiện cảnh biển về đêm để thấy được vẻ đẹp tráng lệ, hùng vĩ của biển Hạ Long nhờ cảm hứng lãng mạn của nhà thơ bằng các câu hỏi:
- Em hãy miêu tả cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi bằng lời văn của em? - Em hãy hình dung cảnh biển đêm ở Hạ Long?
- Em hãy tưởng tượng cảnh biển lúc bình minh ở khổ cuối bài thơ?
Loại câu hỏi tái hiện hình tượng chiếm tỉ lệ không lớn trong hệ thống câu hỏi của một giờ dạy văn nhưng nó lại rất quan trọng; bởi nếu không có bước tái hiện hình tượng sẽ không có sự thâm nhập vào tác phẩm. Tái hiện được hình tượng nghĩa là học sinh đang “nhìn vào bên trong” tác phẩm. Hơn nữa, trả lời được những câu hỏi trên, minh họa được, tả lại được những cảnh tượng là thể hiện sự rung động trong tiếp nhận của các em và cũng phản ánh ngay cái yếu, cái mạnh của học trò để từ đó giáo viên có hướng điều chỉnh hoặc khuyến khích.