2.2. Một số biện pháp rèn năng lực tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng cho
2.2.2. Bằng biện pháp đọc thơ để phát huy năng lực tri giác ngôn ngữ, tái hiện
hình tượng nghệ thuật
Do đặc thù của môn học, đọc là một hoạt động không thể thiếu. Xuất phát từ đặc trưng của thơ trữ tình, đọc càng có vai trò quan trọng vì nó gắn liền với tiếp nhận, là biểu hiện của tiếp nhận, mang dậm dấu ấn cá nhân người đọc trong những cảm nhận của mình về tác phẩm. Đọc văn không chỉ là việc phát âm thông thường mà là quá trình tri giác ngôn ngữ nghệ thuật; đồng thời với việc huy động vốn sống, kinh nghiệm của cá nhân người đọc để lựa chọn nét nghĩa thích hợp cho văn bản. Vốn sống, kinh nghiệm không phải tự nhiên xuất hiện trùng khớp với nghĩa văn bản mà được huy động, sàng lọc thông qua con đường tri giác ngôn ngữ, tưởng tượng tái hiện hình tượng.
Để hoạt động đọc góp phần vào tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và tái hiện hình tượng thơ cần phải chú ý cách đọc cho tốt.
Muốn đọc tốt phải đi từ việc đọc đúng. Đọc đúng là đọc hoàn trả trung thành thông tin về nội dung bài thơ. Phải khắc phục tối đa những lỗi về phát âm, chính tả, ngữ pháp khi đọc.
Từ khi đọc đúng dẫn đến đọc hay. Đọc hay là khả năng biết phối hợp tốt nhất chất giọng của người đọc để làm sáng tỏ thêm nội dung, ý nghĩa của bài thơ.
Từ đọc đúng, đọc hay tới đọc diễn cảm. Đọc diễn cảm là khả năng đọc làm sáng rõ tính chất hình tượng, cảm xúc trong thơ trữ tình, để làm sáng hết hình ảnh và vang ngân nhạc tính của thơ như Giáo sư Trần Thanh Đạm nói: “Đọc cho vang nhạc sáng hình”; để học sinh hình dung được hình tượng nghệ thuật chủ đạo của tác phẩm. Đọc diễn cảm tốt sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc tái hiện hình tượng nghệ thuật trong học sinh. Đọc diễn cảm trước hết phải đọc to, đọc âm vang thành tiếng để phát huy hiệu lực của sự hài hòa nhạc tính, vần điệu trong thơ.
Bên cạnh đó, đọc thầm cũng là biện pháp quan trọng giúp học sinh tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và tái hiện hình tượng thơ. Đọc thầm là đọc hướng vào không gian tĩnh lặng, tạm dẹp sự khuếch đại và khuếch tán của âm đọc, giọng đọc để ưu tiên cho hình ảnh, biểu tượng thơ nổi lên trong tưởng tượng người đọc. Đây là biện pháp hạn chế tối đa âm thanh để tập trung phát huy triệt để màu sắc, hình hài, đường nét, hình tượng thơ và cả thế giới âm thanh chìm – tức là âm hưởng vang vọng thầm kín trong hồn thơ. Đây là cách đọc nghiêng về suy tưởng và chiêm nghiệm ngôn ngữ bên trong người đọc. Đọc thầm tham gia tích cực vào việc thâm nhập thế giới nghệ thuật và hình tượng tri giác của thơ, giúp hình tượng được tái hiện chân thực.
Ngoài ra, đọc chậm bài thơ cũng hỗ trợ cho tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và tái hiện hình tượng cảm xúc. Đọc chậm là kĩ thuật biết đọc vào khoảng trống giữa từ, ngữ, câu, khổ, đoạn thơ trong văn bản nghệ thuật ngôn từ. Đọc chậm là cách nối lời, nối ý cùng tác giả. Đọc chậm để có thời gian nhận ra sức mạnh tạo hình và biểu
cảm của ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng và hình tượng thơ. Đọc chậm trên ngôn từ thực chất là đọc chậm để thu nhận đầy đủ ấn tượng mạnh mẽ và đẹp đẽ từ “điểm sáng thẩm mĩ”, từ hình tượng nghệ thuật thơ. Đọc chậm để không bỏ sót, đánh rơi cái tinh tế, hàm ẩn của ý nghĩa sâu xa. Tuy nhiên, cần chú ý đọc chậm nhưng không làm tan tác câu chữ, không vương vãi hình ảnh, không làm mất tính nhất quán và nhất khí của tình cảm và hồn thơ.
Tất cả các cách đọc trên giáo viên cần hướng dẫn thực hiện thường xuyên để trở thành một kĩ năng cho học sinh. Các cách đọc này sẽ phát huy hiệu quả cao nếu các em sử dụng ở giai đoạn chuẩn bị bài.
Góp phần vào tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng thơ, bên cạnh hoạt động đọc, giáo viên cần hướng dẫn học sinh lưu ý tìm đọc và huy động những tri thức mang tính tạo đà, đóng vai trò làm ngữ cảnh rộng cho một bài thơ trữ tình nhằm khởi động, định hướng học sinh tìm hiểu, cắt nghĩa ý nghĩa hàm ẩn trong thơ. Đó là những tri thức về bối cảnh xã hội, văn hóa; những tri thức về tác giả (như tiểu sử, sự nghiệp văn học, đặc trưng tư duy nghệ thuật, phong cách nghệ thuật của tác giả); và sau hết là tri thức về chính bài thơ trữ tình được học (gồm hoàn cảnh ra đời của bài thơ, các dị bản hay sửa chữa, những thay đổi mang tính quyết định tới nội dung cảm xúc của toàn bài).
Chẳng hạn để tri giác ngôn ngữ, tái hiện hình tượng tốt đối với các bài thơ trữ tình hiện đại rất cần hiểu biết nhất định về từng giai đoạn văn học và văn hóa của thế kỉ 20. Muốn hiểu vẻ đẹp của hình tượng người lính trong Đồng Chí của Chính Hữu, Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, người đọc phải hình dung tưởng tượng và đắm mình trong bầu không khí hào hùng, phơi phới của dân tộc những năm 1945-1975, thời điểm mà con người anh hùng, dũng cảm trong tuyến đầu chống kẻ thù xâm lược, trở thành biểu tượng cao đẹp nhất của thời đại, của thi ca.
Hoặc để thấy rõ hơn vị trí và những đóng góp quan trọng của Đồng chíphải đặt bài thơ vào tình hình sáng tác thơ ca những năm đầu của cuộc kháng chiến
chống Pháp. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, phần lớn các tác phẩm viết về người lính cách mạng thường chủ yếu khai thác cảm hứng lãng mạn anh hùng với những hình ảnh mang dáng dấp tráng sĩ, trượng phu (Ví dụ: Đèo Cả của Hữu Loan, Tây Tiến của Quang Dũng). Ngay Chính Hữu vào đầu năm 1947 đã có bài Ngày về với những hình ảnh như: “Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dặm – Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”. Bài Đồng Chíđã mở ra khuynh hướng khác viết về quần chúng kháng chiến: Cảm hứng thơ hướng về chất thực của đời sống kháng chiến, khai thác cái đẹp và chất thơ trong cái bình dị, bình thường, không nhấn mạnh cái phi thường.
Hoặc nếu học sinh nắm được phong cách thơ Phạm Tiến Duật có giọng tự nhiên, tinh nghịch mà sôi nổi, trẻ trung, thì sẽ dễ dàng phát hiện ra từ ngữ, hình ảnh tái hiện hình tượng người lính lái xe Trường Sơn với vẻ đẹp hiên ngang, dũng cảm, sôi nổi: ừ thì, chưa cần rửa, chưa cần thay…
Hoặc để tiếp nhận tốt Đoàn thuyền đánh cácủa Huy Cận, người học cần nắm được cảm hứng chủ đạo trong thơ ông: cảm hứng lãng mạn tràn đầy niềm vui sau cách mạng, hào hứng về cuộc sống mới trong thời kì miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ. Sự gặp gỡ, phối hợp của hai cảm hứng này đã tạo cho bài thơ có những hình ảnh rộng lớn, tráng lệ, lung linh như những bức tranh sơn mài. Muốn hiểu bài thơ, học sinh cần tìm ra các hình ảnh rộng lớn, tráng lệ, lung linh ấy.
Như vậy, việc nắm vững bối cảnh xã hội, văn hóa, những hiểu biết về tác giả, văn bản… giúp học sinh rút ngắn con đường nhận diện ra “điểm sáng thẩm mĩ” của bài thơ để tái hiện hình tượng trọn vẹn, hoàn chỉnh.
Tri giác ngôn ngữ nghệ thuật là học sinh nhận ra tầng kết cấu ngôn từ, kết cấu hình tượng. Muốn vậy, trong quá trình đọc, giáo viên phải hướng dẫn học sinh tập trung vào các vị trí mạnh trong kết cấu ngôn từ của bài thơ gồm: nhan đề, kết cấu bài thơ, chú ý cách mở đầu, kết thúc; sự phối hợp đan xen cảnh, tình phù hợp với không gian – thời gian nghệ thuật được dựng lên qua điểm nhìn của nhà thơ.
Đến với Bài thơ tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật trước hết cần chú ý nhan đề bài thơ với vẻ đẹp khác lạ của nó: Nhan đề khá dài, tưởng như có chỗ thừa. Tuy nhiên chính vẻ lạ, độc đáo ấy đã làm nổi bật hình ảnh của toàn bài: những chiếc xe không kính. Hình ảnh này là một phát hiện khá thú vị của tác giả, thể hiện sự am hiểu và gắn bó hiện thực đời sống chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn. Nhưng vì sao tác giả còn thêm vào nhan đề hai chữ Bài thơ? Hai chữ đó cho ta thấy rõ hơn cách nhìn, cách khai thác hiện thực của tác giả: Không phải chỉ viết về những chiếc xe không kính hay cái hiện thực khốc liệt của chiến tranh, mà điều chủ yếu là Phạm Tiến Duật muốn nói về chất thơ của hiện thực ấy, chất thơ của tuổi trẻ hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, vượt lên thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy của chiến tranh. Hiểu được như vậy sẽ giúp học sinh nhận ra những hình ảnh trọng tâm của bài để khai thác; tránh phân tích lan man, dàn trải.
Hoạt động đọc còn giúp các em từng bước làm rõ lớp nghĩa công cụ của ngôn từ. Xác định lớp nghĩa công cụ sẽ tạo tiền để để xác định lớp nghĩa văn cảnh của văn bản. Muốn vậy, bên cạnh việc đọc bài thơ các em cần đọc kĩ chú thích, tư liệu tham khảo chọn lọc để chú giải từ khó, điển tích, điển cố hoặc từ ít phổ biến. Chỉ trên cơ sở lớp nghĩa công cụ và lớp nghĩa văn cảnh đã được liên thông trong hình dung của học sinh thì giáo viên mới có thể tiến hành hướng dẫn các em đọc với sự tái hiện những kiến thức đã tiếp xúc được khi chuẩn bị bài.
Ở trên lớp, giáo viên có thể gợi mở cho học sinh tri giác ngôn ngữ thông qua ngữ điệu đọc. Ngữ điệu của lời nói là hệ thống âm thanh nói chung. Nó bao gồm tất cả các dấu hiệu âm thanh phức tạp: sự thay đổi của giọng nói cơ bản, độ vang to, âm sắc, độ dài. Ngoài ra còn có chỗ nghỉ hơi – những chỗ ngắt câu. Như vậy, sử dụng ngữ điệu trong quá trình đọc của giáo viên để khơi gợi cho học sinh tri giác ngôn ngữ nghệ thuật nghĩa là người giáo viên nên biết sử dụng tất cả các dấu hiệu âm thanh phức tạp ấy một cách hiệu quả, nhất là cách sử dụng nhấn giọng và nhịp điệu thơ. Bởi theo quy luật tâm lí chung trong giao tiếp thì sự thay đổi trong ngữ điệu sẽ gây chú ý cho người nghe. Sử dụng ngữ điệu nghĩa là người giáo viên sử dụng một cách có chủ ý sự thay đổi dấu hiệu âm thanh để tạo chú ý của học sinh vào “điểm
sáng thẩm mĩ”: các biện pháp tu từ, vần luật, thi pháp, vần điệu, phép chuyển nghĩa trong thơ ca…
Ví dụ để giúp học sinh nhận ra các hình ảnh, từ ngữ thể hiện sự cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về những chuyển biến trong không gian lúc thu sang, giáo viên cần đọc nhấn giọng ở các từ: hương ổi, gió se, sương chùng chình, sông dềnh dàng, chim bắt đầu vội vã, đám mây vắt nửa mình, … Hoặc để giúp học sinh phát hiện ra vẻ đẹp của người lái xe Trường Sơn trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
của Phạm Tiến Duật thì hai câu cuối của khổ 1, giáo viên cần sử dụng nhấn giọng ở các từ ung dung, nhìn thẳngvà nhịp thơ 2/2/2.
2.2.3. Sử dụng hệ thống bài tập rèn năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và
tái hiện hình tượng thơ