Đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật thơ trữ tình

Một phần của tài liệu biện pháp rèn kĩ năng tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng trong dạy học thơ trữ tình cho học sinh lớp 9 ở trung học cơ sở (Trang 32 - 35)

1.3. Những nhân tố chi phối việc rèn năng lực tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình

1.3.1. Đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật thơ trữ tình

Tác phẩm trữ tình là thế giới cảm xúc chủ quan của con người. Thế giới nội tâm ấy lại vô cùng tinh tế và phức tạp, có trăm nghìn mối quan hệ đan chéo. Tìm hiểu bài thơ trữ tình trong nội dung tinh vi và đa dạng của nó, trong thái độ của nó đối với cuộc sống, trước hết phải nắm vững đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật thơ. Ngôn ngữ thơ trữ tình vừa mang đặc điểm chung của ngôn ngữ tác phẩm văn học là tính hình tượng và tính hàm súc nhưng cũng có những đặc điểm riêng.

Trước hết, ngôn ngữ thơ trữ tình cô đọng, gợi cảm, bão hòa cảm xúc. Ngôn ngữ thơ trữ tình không khách quan như ngôn ngữ tự sự; lời thơ trữ tình thường là lời đánh giá trực tiếp, thể hiện một quan hệ của chủ thể với cuộc đời. Ngay khi miêu tả, lời thơ cũng là lời đánh giá. Chẳng thế mà những câu thơ:

Ông đồ vẫn ngồi đó Qua đường không ai hay Lá vàng rơi trên giấy Ngoài trời mưa bụi bay.

gợi nên sự hoài niệm, khơi gợi nỗi buồn nhẹ mà thấm, cho ta cái ấn tượng thảng thốt, xót xa của sự biến thiên.

Trong thơ trữ tình, sự lựa chọn từ ngữ, phương thức tu từ… bao giờ cũng nhằm làm cho nội dung cảm xúc, thái độ đánh giá, sự đồng cảm hoặc phê phán của chủ thể được nổi bật:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa

Đoàn thuyền đánh cá lạira khơi

Câu hát căng buồmcùng gió khơi

(Huy Cận – Đoàn thuyền đánh cá) Mỗi câu thơ dường như đều có những hình ảnh tập trung tất cả sức nặng tình cảm của chủ thể trữ tình. Mỗi từ trong thơ mang sắc thái nhất định, giữ vai trò cụ thể trong cấu tứ bài thơ, tạo ra cách diễn đạt cô đọng, hàm súc. Từ đó, người đọc có thể nhìn thấu vào tâm hồn, tư tưởng tác giả.

Hơn nữa, lời thơ trữ tình phải khác thường. Sự khác thường nói theo Lí luận

văn học “là tính chất “mê hoặc”, làm cho người đọc thơ như chạm vào luồng điện,

gây ám ảnh trong tâm trí. Sự “mê hoặc” ấy bắt nguồn từ chân lí của cuộc đời mới, có được “ma lực” thực sự” [36, 366]. Chế Lan Viên viết trong Con Cò:

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ,

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi. Mai khôn lớn, con theo cò đi học, Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân.

là cách nói khác thường từ hiện thực cuộc sống. Trong tâm thức của người Việt, sự cất cách của tâm hồn con trẻ không thể xa rời những cánh đồng bát ngát, những lời ru êm ái ngọt ngào. Và cả hai thường hòa vào một hình ảnh ngây thơ: Con cò trắng cánh. Hay chính là đôi cánh tuổi thơ của cuộc đời mỗi người.

Nhờ những từ ngữ và cách nói như thế, ngôn ngữ thơ trở nên cô đọng, kết tụ chất thơ, kết tụ mối quan hệ với đời sống được tích lũy lâu đời. Vì vậy, việc phát

hiện vẻ đẹp ngôn ngữ thơ có ý nghĩa đặc biệt để lí giải những biểu hiện cảm xúc, tiếp nhận giá trị thẩm mĩ tác phẩm thơ. Rèn luyện năng lực tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và tái hiện hình tượng thơ trữ tình phải rèn kĩ năng đọc, kĩ năng nghe để nhận ra hình tượng được gửi gắm qua từng con chữ thơ.

Một trong những đặc điểm nổi bật nữa của ngôn ngữ thơ trữ tình là ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính. “Thơ phản ánh cuộc sống qua những rung động của tình cảm. Như nhịp đập của trái tim khi xúc động, ngôn ngữ thơ có nhịp điệu riêng của nó. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ – mà bằng cả âm thanh nhịp điệu của từ ngữ ấy. (…). Âm thanh nhịp điệu thêm hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều mà từ ngữ không thể nói hết…” [36, 367].

Ngôn ngữ thơ gắn liền nhạc điệu, nhịp điệu. Nhạc điệu của thơ thể hiện ở âm thanh. Mỗi loại âm (nguyên âm, phụ âm), mỗi loại thanh (bằng, trắc) có một giá trị biểu hiện nhất định. Sự phối hợp giữa âm thanh với cách ngắt nhịp và vần cốt để ngôn ngữ thơ có nhạc tính. Nhạc tính trong thơ thể hiện ở sự trầm bổng, sự trùng lặp, sự cân đối.

Sự cân đối là sự tương xứng hài hòa giữa các dòng thơ. Tính chất này được qui định chặt chẽ trong thơ cổ điển, thơ Đường. Còn thơ hiện đại phóng khoáng hơn. Sử dụng hiệu quả phép đối xứng sẽ tạo nên giá trị bất ngờ. Chính Hữu đã diễn tả sự gắn bó, chia sẻ, sự giống nhau trong mọi cảnh ngộ của người lính qua những câu thơ sóng đôi, đối ứng nhau trong Đồng chí: Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Chân không giày.

Lời dặn con tha thiết, trìu mến của nhà thơ Y Phương vang lên từ sự sóng đôi hài hòa của các dòng thơ: Sống trên đá không chê đá gập ghềnh / Sống trong thung không chê thung nghèo đói.

Nhạc tính còn là sự trầm bổng, sự trùng điệp của ngôn ngữ thơ. Sự trầm bổng là sự thay đổi âm thanh cao thấp khác nhau giữa bằng và trắc; và cũng do sự phối hợp giữa các đơn vị ngữ âm tùy theo nhịp cắt để tạo nhịp. Nhiều nhà thơ đã tạo ra cách ngắt nhịp riêng phù hợp với cảm xúc, tạo ấn tượng về giọng điệu. Tố Hữu

nghẹn ngào trước sự hi sinh anh dũng của Lượm: Ra thế / Lượm ơi!Dòng thơ bị cắt đôi tạo ra nhịp thơ như tiếng nấc xúc động lòng người. Sự trùng điệp trong thơ thể hiện ở việc gieo vần, ở điệp câu, điệp ngữ. Với cách phối hợp điêu luyện giữa các vần oắt, inh, oăn, ênh, … với các phụ âm l, ch, x, th, … Tố Hữu đã tạo nhạc điệu riêng cho bài Lượm, dựng lên hình ảnh chú bé liên lạc hồn nhiên, yêu đời:

Chú bé loắt choắt

Cái sắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh…

Như vậy, âm thanh, nhịp điệu góp phần làm sáng tỏ những khía cạnh tinh vi của tình cảm con người. Giọng điệu, nhạc điệu tạo ra những điều kì diệu mà chữ nghĩa không thể nói hết. Rèn kĩ năng tri giác ngôn ngữ nghệ thuật và tái hiện hình tượng trong thơ trữ tình cho học sinh là rèn kĩ năng đọc cho ra chất nhạc kì diệu ấy; nhận biết những yếu tố tạo nên giọng điệu thơ; cảm nhận được thế giới nội tâm tác giả gửi gắm.

Một phần của tài liệu biện pháp rèn kĩ năng tri giác ngôn ngữ và tái hiện hình tượng trong dạy học thơ trữ tình cho học sinh lớp 9 ở trung học cơ sở (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)