Các nghiên cứu sử dụng dữ liệu đa quốc gia

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò của xuất khẩu thủy sản đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua mô hình hiệu chỉnh sai số (Trang 60 - 64)

Bên cạnh những nghiên cứu chuỗi thời gian ở các quốc gia riêng biệt ủng hộ quan điểm xuất khẩu dẫn đến tăng trưởng kinh tế, cũng có nhiều các nghiên cứu phân tích dữ liệu đa quốc gia có kết luận cho rằng xuất khẩu có tác động đến tăng trưởng kinh tế của các nước (hoặc một số nước).

Nhiều nghiên cứu sử dụng kiểm định nhân quả Granger dựa trên mô hình SUR và kiểm định Wald hoặc cho kết quả có quan hệ nhân quả một chiều xuất khẩu tác động đến tăng trưởng kinh tế, hoặc cho kết quả có quan hệ nhân quả tích cực hai chiều giữa hai biến này. László Kónya (2006) nghiên cứu về các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sử dụng hai mô hình khác nhau, một mô hình kiểm tra quan hệ nhân quả giữa hai biến GDP và xuất khẩu, và một mô hình kiểm tra quan hệ nhân quả giữa ba biến GDP, xuất khẩu và độ mở của nền kinh tế. Kết quả cho thấy có quan hệ nhân quả một chiều từ xuất khẩu tới GDP ở Bỉ, Đan Mạch, Iceland, Ireland, Ý, New Zealand, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Ủng hộ kết quả này, Tekin (2012) nghiên cứu quan hệ nhân quả Granger tiềm năng giữa GDP, xuất khẩu và FDI đối với một số nước chậm phát triển trong giai đoạn 1970 – 2009 cho thấy có quan hệ nhân quả một chiều từ xuất khẩu đến GDP ở Haiti, Rwanda và Sierra Leone.

Ủng hộ mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào thương mại, Capolupo và cộng sự (2010) sử dụng dữ liệu bảng (panel data) để ước lượng sự khác biệt về hiệu quả giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp không xuất khẩu, dựa trên ba cuộc khảo sát điển hình của Italia về các doanh nghiệp sản xuất được thực hiện ba năm một lần trong giai đoạn 1995-2003. Nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đẩy mạnh năng suất sau khi gia nhập thị trường. Điều này dẫn đến cả năng suất nhân tố tổng hợp và năng suất lao động đều sẽ tăng trưởng. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu ở những quốc gia khác. Một kết quả quan trọng mà tác giả chỉ ra được trong nghiên cứu, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu thu được lợi nhuận lớn hơn các doanh nghiệp cùng loại hoạt động ở thị trường nội địa. Trong

49

khi đó, Jim Lee (2011) nghiên cứu ảnh hưởng của đặc tính công nghệ trong xuất khẩu đến các mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào thương mại của các nước trên thế giới. Kết quả hồi quy dựa trên mẫu số liệu của 71 quốc gia từ năm 1970 cho thấy, nền kinh tế có xu hướng phát triển nhanh hơn khi các nước ngày càng chuyên môn hóa trong xuất khẩu công nghệ cao, hơn là các mặt hàng truyền thống hoặc có công nghệ thấp.

Để kiểm tra mối quan hệ dài hạn giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, nhiều tác giả sử dụng kiểm định nghiệm đơn vị theo tiêu chuẩn ADF để kiểm tra tính dừng và cách tiếp cận trễ phân phối tự hồi quy (ARDL). Hye, Wizarat và Lau (2013) nghiên cứu mối quan hệ giữa thương mại quốc tế với tăng trưởng kinh tế ở 6 quốc gia Châu Á trong giai đoạn 1960 – 2009 xem xét tác động dài hạn giữa xuất khẩu, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế. Đối với quan hệ nhân quả, nghiên cứu thực hiện các kiểm định nhân quả Granger. Kết quả cho rằng, xuất khẩu có tác động đến tăng trưởng ở hầu hết các nước ngoại trừ Pakistan. Nghiên cứu cũng chỉ ra tiềm năng tăng trưởng kinh tế thông qua khai thác nhu cầu trong nước ngay cả trong trường hợp suy thoái kinh tế toàn cầu. Cùng cách tiếp cận bằng mô hình ARDL, nghiên cứu của Sothan (2016) và Goh, Sam và McNown (2017) trên dữ liệu của các quốc gia Châu Á cũng cho thấy có mối quan hệ dài hạn giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Cũng tương tự như các nghiên cứu sử dụng dữ liệu ở một quốc gia, nhiều nghiên cứu sử dụng dữ liệu đa cuộc gia khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế cũng xem xét đến yếu tố đầu tư trực tiếp nước ngoài. Acaravci, A., & Öztürk, İ. (2012) sử dụng kiểm định đồng liên kết và kiểm định nhân quả Granger chỉ ra rằng có quan hệ ngắn hạn và dài hạn giữa FDI, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở các nước Châu Âu mới. Kết quả này cũng đồng nhất với kết quả của Yao, S., & Wei, K. (2007) đã chỉ ra rằng FDI có vai trò quan trọng đối với tăng cường xuất khẩu và tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở các nước công nhiệp mới.

Kiểm tra các mối quan hệ dài hạn và ngắn hạn phi tuyến tiềm năng giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, Lim và Ho (2013) thông qua kiểm định đồng liên kết

50

phi tham số và kiểm định quan hệ nhân quả phi tuyến trong 5 quốc gia ASEAN, đã nêu bật mối quan hệ dài hạn phi tuyến giữa xuất khẩu và GDP bình quân đầu người của Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Singapore. Kết quả thu được từ kiểm định quan hệ nhân quả phi tuyến cũng cho thấy tác động nhân quả của xuất khẩu và GDP ở dạng phi tuyến trong trường hợp của Thái Lan và Philippines.

Cũng có nhiều nghiên cứu sử dụng hồi quy bình phương nhỏ nhất hiệu chỉnh hoàn toàn (FMOLS) để kiểm tra mối quan hệ ngắn hạn và dài hạn giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Jaunky, V. C. (2011) sử dụng mô hình FMOLS để nghiên cứu tác động của xuất khẩu thủy sản đến tăng trưởng kinh tế ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS). Kết quả cho thấy xuất khẩu các là một yếu tố giúp cho kinh tế các quốc đảo SIDS tăng trưởng ổn định và lâu dài. Ee, C. Y. (2016) bằng mô hình FMOLS cũng ủng hộ quan điểm xuất khẩu tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở các nước tiểu vùng Sahara Châu Phi.

Pradhan, K. C. (2016) chỉ ra rằng có mối quan hệ động giữa kiều hối, xuất khẩu, tỷ giá hối đoái và tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế mới nổi (Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) bằng cách sử dụng dữ liệu bảng cân bằng từ năm 1994-2013. Kiểm định mối quan hệ đồng tích hợp đa biến cho thấy sự tồn tại của các mối quan hệ cân bằng trong dài hạn giữa các biến quan sát. Thông qua kết quả của mô hình FMOLS, nghiên cứu chỉ ra rằng kiều hối và xuất khẩu có tác động tiêu cực đáng kể đến tăng trưởng kinh tế ở Brazil, Liên bang Nga và Ấn Độ. Tuy nhiên, kiều hối có tác động tích cực đáng kể đến tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Mô hình VECM cũng được được áp dụng trong nghiên cứu này để thể hiện mối quan hệ nhân quả trong dài hạn và ngắn hạn giữa các biến trên các quốc gia. Kết quả VECM cho thấy có một mối quan hệ nhân quả dài hạn từ xuất khẩu và kiều hối đến tăng trưởng kinh tế.

Một trong những mô hình phổ biến để kiểm tra mối quan hệ dài hạn giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế là mô hình véc tơ hiệu chỉnh sai số (VECM). Tsitourasa và Nikas (2016) áp dụng cả hai mô hình dữ liệu bảng và mô hình chuỗi thời gian giai đoạn 1995-2014 để điều tra mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của 15 quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi ở Châu Âu. Nghiên cứu bổ sung thêm 02

51

biến đầu tư trong nước và chi tiêu chính phủ. Tan, B. W., & Tang, C. F. (2016) khi nghiên cứu các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN cũng chỉ ra rằng, thương mại, đầu tư và lãi suất cho vay ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở các nước này.

Cũng sử dụng mô hình VECM, Majid và Elahe (2016) nghiên cứu phân tích mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia đang phát triển (8 quốc gia Châu Âu và 8 quốc gia Châu Á). Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ nhân quả ngắn hạn và dài hạn tích cực giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang phát triển ở Châu Á. Tóm lại, các nghiên cứu sử dụng mô hình VECM mặc dù khác nhau về các biến độc lập, nhưng đều cho kế quả là có mối quan hệ dài hạn giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Đào Thị Bích Thủy (2016) nghiên cứu phân tích hồi quy trên cơ sở mô hình tăng trưởng kinh tế của Feder (1982) cho nhóm 5 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam giai đoạn 1990-2014 cho thấy xuất khẩu có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế thông qua tác động lan tỏa với 1% tăng trong xuất khẩu dẫn đến 0,11% tăng trong sản lượng của các khu vực khác. Bên cạnh đó, năng suất của khu vực xuất khẩu cũng ở mức cao hơn năng suất của các khu vực khác trong nền kinh tế. Nghiên cứu gợi ý chính sách tăng trưởng nên tập trung vào đầu tư gia tăng năng suất của khu vực xuất khẩu.

Một số nghiên cứu sử dụng dữ liệu xuất khẩu của một ngành cụ thể cũng cho kết quả xuất khẩu ngành đó có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Sanjuán‐López, A. I., & Dawson, P. J. (2010) sử dụng các kiểm định đồng liên kết để kiểm tra mối quan hệ giữa xuất khẩu sản phẩm nông nghiệm và tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển. Kết quả thực nghiệm ở 42 quốc gia chỉ ra rằng có tồn tại mối quan hệ dài hạn giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, độ co giãn của xuất khẩu nông nghiệp đối với GDP là 0,07 trong khi xuất khẩu phi nông nghiệp là 0,13 và tổng xuất khẩu có quan hệ nhân quả Granger với GDP. Kết quả này ủng hộ giả thuyết tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu. Jaunky, V. C. (2011) cũng kết luận xuất khẩu cá ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở các nước nhóm đảo

52

SIDS. Golub, S., & Varma, A. (2014) trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa xuất khẩu cá và tăng trưởng kinh tế ở các nước kém phát triển, quan sát dữ liệu ở Bangladesh, Campuchia, Comoros, Siera Leona và Uganda chỉ ra rằng tình trạng đánh bắt cá quá mức và bất hợp pháp có thể làm cho các quốc gia này phát triển không bền vững về kinh tế. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, xuất khẩu cá có tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Wen, X., Li, L., Sun, S., He, Q., & Tsai, F. S. (2019) trong nghiên cứu của mình về xuất khẩu thịt gà ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở ba nước Hoa Kỳ, Brazil và Trung Quốc đã sử dụng kiểm định đồng liên kết và kiểm định nghiệm đơn vị trên dữ liệu chuỗi thời gian chỉ ra rằng, không có mối quan hệ bền vững dài hạn giữa xuất khẩu thịt gà và tăng trưởng kinh tế ở cả ba nước này. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu thịt gà góp phần không nhỏ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, chỉ số kéo trực tiếp (direct pull degree – một chỉ số định lượng mức độ ảnh hưởng của các sản phẩm nông nghiệp tác động đến tăng trưởng kinh tế) của sản phẩm thịt gà lên tăng trưởng kinh tế là tương đối nhỏ và ít biến động. Chỉ số này của Trung Quốc cao gấp 14 lần Hoa Kỳ và tác động vào tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ gấp 8 lần Trung Quốc. Chỉ số này cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế ở Bazil cao gấp 1,65 lần Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò của xuất khẩu thủy sản đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua mô hình hiệu chỉnh sai số (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)