5. Kết quả
5.2.2. Khả năng áp dụng của Chương trình Bảo hiểm
Về tiềm năng mở rộng phạm vi của chương trình bảo hiểm đối với các hộ nuôi tôm rừng ngập mặn quảng canh, từ các cuộc phỏng vấn chúng tôi có thể thấy nông dân thực sự nhận thức được lợi ích từ bảo hiểm nhưng không sẵn sàng trả tiền để tham gia. Điều này xuất phát chủ yếu từ một thực tế là rủi ro trong nuôi quảng canh thấp hơn đáng kể so với hình thức nuôi thâm canh. Thay vì có thời gian nuôi thả rõ ràng, người nuôi quảng canh thả con giống hàng tháng và thu hoạch tôm ngay khi đủ lớn. Tôm chết thường không lây nhiễm ra toàn bộ ao và do đó không tạo ra nguy cơ cao như trong hình thức nuôi thâm canh.
Người nông dân cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách duy trì và không ngừng phát triển các rừng ngập mặn, một điều vô cùng có lợi cho sự phát triển lành mạnh của tôm. Hơn nữa, người nuôi thường đa dạng hóa mùa vụ của mình bằng cách cùng lúc nuôi tôm sú và tôm “tự nhiên”, nghĩa là tôm có sẵn trong môi trường mà không phải thả giống.
Thông thường, nông dân cải tạo ao nuôi mỗi năm một lần trong khoảng hai tháng. Vì việc này tương đối tốn kém (khoảng 20 triệu đồng cho mỗi lần cải tạo), những người có thu nhập thấp ở mùa trước cần phải vay tiền từ các thành viên gia đình hoặc từ ngân hàng. Để nhận được một khoản vay chính thức từ ngân hàng, họ sẽ phải nộp sổ xanh. Hầu hết những người chúng tôi phỏng vấn không nhận lại được sổ xanh của mình từ ngân hàng. Điều này cho thấy người nông dân gặp nhiều hạn chế trong việc tiết kiệm tiền, hoặc là họ không nhận thấy sự cần thiết tức thời của việc có các giấy tờ pháp lý đất đai. Nông dân cho biết lợi ích chính họ thấy được trong việc có bảo hiểm là để chi trả cho việc cải tạo ao (đặc biệt là sau một đợt dịch bệnh bùng phát).
Theo Ban quản lý lâm nghiệp và người nông dân, việc dịch bệnh bùng phát có quan hệ mật thiết với chất lượng nước (do sự tăng nhanh số lượng hộ nuôi thâm canh và nhà máy công nghiệp trong khu vực), chất lượng giống xấu và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng có thể tăng theo tỷ lệ thuận với việc gia tăng diện tích rừng ngập mặn nếu nông dân không làm sạch ao khỏi lá cây một cách cẩn thận. Vì vậy, người nông dân cần phải đảm bảo rằng các tán cây rừng không phát triển quá dày đặc. Để
20 Tuy nhiên, những người được hỏi cũng cho biết là họ sẵn sàng tham dự các buổi tập huấn dù không nhận được tiền, hoặc thậm chí là nếu họ phải trả tiền, bởi vì họ nhận thức được lợi ích của các buổi này.
thành công, họ cần phải giữ cho bờ ao sạch lá và thường xuyên đào đất để đảm bảo đủ lượng thức ăn tự nhiên. Do đó, việc nắm vững kỹ thuật quản lý ao nuôi và kiến thức để giữ ao sạch sẽ là vô cùng quan trọng đối với công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm, trong khi duy trì một khu vực rừng ngập mặn đủ lớn cho phép nông dân nhận được chứng chỉ hữu cơ.
Mặc dù trên thực tế người nuôi tôm quảng canh có thể có nhu cầu thiết thực đối với bảo hiểm, để thực hiện việc này một cách có hiệu quả vẫn sẽ còn khó khăn. Phần lớn các hộ này đều ở những vùng sâu vùng xa nên việc giám sát – vốn đã khó khăn đối với các hộ thâm canh - sẽ cần đầu tư lớn, cả về nhân lực và thời gian.