Trẻ em mẫu giáo

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĂN TRƯA ĐỐI VỚI TRẺ EM MẪU GIÁO TẠI PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN CAO LỘC, TỈNH LẠNG SƠN (Trang 38 - 42)

1.1.1.1 Khái niệm trẻ em mẫu giáo

Độ tuổi của trẻ em mẫu giáo và theo đó khái niệm về trẻ em mẫu giáo ở các nước khác nhau có thể không thống nhất với nhau. Ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ (2015) quy định độ tuổi của trẻ em mẫu giáo là từ 3 tuổi đến 5 tuổi (trước khi đi học lớp 1). Đây là độ tuổi sau giai đoạn trẻ em đi nhà trẻ (từ 3 tháng tới 36 tháng tuổi)

Như vậy, khái niệm trẻ em mẫu giáo tại Việt Nam được hiểu là trẻ em trong độ tuổi học lớp mẫu giáo, từ 3 tuổi đến 5 tuổi (trước khi đi học lớp 1). Đây là giai đoạn trẻ đã qua giai đoạn trẻ em vẫn còn nhỏ, nhưng đã bắt đầu vào giai đoạn phát triển mới có nhu cầu cao hơn về dinh dưỡng, hoạt động, vui chơi, học tập… Đây có thể coi là giai đoạn quan trọng nhất trong việc định hình sự phát triển cả về thể chất, trí lực, tâm lực là những tiêu chuẩn cơ bản của phát triển con người sau này.

Trẻ em ở độ tuổi trước khi đi học mẫu giáo còn được gọi là trẻ em nhà trẻ.

Trẻ em nhà trẻ là các trẻ em từ 3 tháng tới 36 tháng tuổi, cũng có thể được đi học ở các nhóm trẻ của nhà trẻ, trường mầm non, nhóm trẻ độc lập… nhưng không phải là trẻ em mẫu giáo. Ở Việt Nam, trẻ em nhà trẻ và trẻ em mẫu giáo còn có thể được gọi chung là trẻ mầm non và giáo dục mầm non là việc chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em trong độ tuổi mầm non (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo).

Tất cả mọi người được sinh ra và lớn lên thì đều phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Tuy nhiên các giai đoạn đầu tiên luôn có một ý nghĩa nhất định và rất quan trọng đối với mỗi con người. Đây là giai đoạn con người còn là trẻ nhỏ và rất

cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ, gia đình và xã hội nói chung để có thể tồn tại và phát triển. Hệ thống giáo dục tại nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như tại Việt Nam đều ghi nhận giai đoạn phát triển đầu tiên này là giai đoạn giáo dục mầm non. Giáo dục mầm non là mắt xích đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển ra những con người có năng lực, phát triển toàn diện không chỉ năng lực và phẩm chất đạo đức mà còn có sức khoẻ tốt để sẵn sàng phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Cơ quan đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc ở nước ta là UNICEF Việt Nam (2010) đưa ra báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam và có đề cập tới khái niệm nhóm trẻ mầm non là tất cả trẻ từ khi sinh ra, trải qua suốt giai đoạn mẫu giáo và chuyển tiếp lên tiểu học đều thuộc nhóm này. Tuy nhiên, giáo dục mầm non theo UNICEF cũng có thể chia ra thành các giai đoạn phát triển của trẻ theo độ tuổi đi học của trẻ. Mặc dù vậy UNICEF Việt Nam (2010) cũng cũng không có câu trả lời thống nhất về độ tuổi thích hợp cho trẻ em đi nhà trẻ là bao nhiêu? Và nên cho các bé đi mẫu giáo, nhà trẻ khi nào? Đây có thể là một trong những thắc mắc phổ biến của nhiều cha mẹ. Hiện nay chưa có câu trả lời thống nhất bởi nó phụ thuộc nhiều vào mỗi đứa trẻ và mỗi gia đình.

1.1.1.2 Đặc điểm của trẻ em mẫu giáo

Trẻ em mẫu giáo có những đặc điểm sau:

- Trẻ em mẫu giáo là độ tuổi nhỏ nhất để trẻ em bắt đầu được tiếp thu các bài học một cách chính quy bài bản, chuẩn bị cho việc đi học sau này.

Có thể nói mục tiêu học tập của trẻ em chỉ bắt đầu ở độ tuổi mẫu giáo. Vì ở nhà trẻ các trẻ em chủ yếu chỉ được chăm sóc ăn uống, vui chơi là chính. Nhà trẻ được thành lập chủ yếu là để giúp các bậc phụ huynh nuôi dưỡng đứa trẻ khi họ quá bận rộn và đồng thời cũng giúp trẻ học được những điều thú vị, bổ ích và chuẩn bị sẵn sàng cho bậc học tiếp theo. Trong khi đó, tại trường mẫu giáo, trẻ em sẽ được học một cách chính quy và bài bản các khái niệm cơ bản về toán học, ngôn ngữ, khoa học và đạo đức; nhưng vẫn giữ không khí vui vẻ như ở nhà trẻ.

Quy mô của nhà trẻ thường nhỏ, trong khi khi trường mẫu giáo thường có quy mô rộng hơn, học sinh đông đảo hơn. Các hoạt động giáo dục ngoài giờ ở trường mẫu giáo được tổ chức thường xuyên hơn và có những quy định luật lệ nhất định.

- Trẻ em mẫu giáo thường được coi là độ tuổi nhỏ nhất để cho trẻ em bắt đầu đi học thường xuyên

Việc đi học của trẻ em mẫu giáo có tính bắt buộc cao do đây là lứa tuổi trẻ em bắt đầu có thể tiếp thu tốt và cần phải được đi học đầy đủ hơn để chuẩn bị trước khi đi học lớp 1. Việc đi học ở nhà trẻ là không bắt buộc và thời điểm cho bé đi nhà trẻ phụ thuộc vào điều kiện mỗi gia đình cũng như khả năng sẵn sàng đi học ở mỗi đứa trẻ, không chỉ tại Việt Nam mà tại nhiều nơi trên thế giới cũng vậy. Có phụ huynh gửi con ở nhà trẻ từ rất sớm, khi chỉ 18 tháng, nhưng cũng có người không cho con đi nhà trẻ mà muốn con được giáo dục tại gia (bởi cha mẹ hoặc gia sư). Nhiều gia đình bắt buộc phải cho con đi nhà trẻ vì quá bận rộn nhưng cũng nhiều gia đình muốn con được học sớm thì sẽ thông minh hơn, giỏi giang hơn và thành công hơn sau này. Thực tế chưa có nghiên cứu nào chứng minh chắc chắn được điều này tuy nhiên việc cho các bé đi học nhà trẻ sớm có vô số lợi ích.

1.1.1.3 Các cơ sở giáo dục mẫu giáo

Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017) có chỉ rõ các loại hình cơ sở giáo dục mẫu giáo và mầm non (bao gồm cả giáo dục mẫu giáo và nhà trẻ) như sau:

- Cơ sở giáo dục mẫu giáo hay trường mẫu giáo: là cơ sở giáo dục chỉ nhận trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ ba tuổi đến năm tuổi.

- Cơ sở giáo dục mầm non hay trường mầm non: là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến năm tuổi.

Trong giới hạn của luận văn này, tác giả thống nhất để gọi cơ sở giáo dục mầm non và mẫu giáo hay trường mầm non và trường mẫu giáo là một khái niệm chung về cơ sở giáo dục có nhận trẻ em mẫu giáo.

Trường mẫu giáo, trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là cơ sở đạt được các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Các cơ sở giáo dục mầm non có thể có các loại hình như sau:

- Công lập: do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

- Dân lập: do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo kinh phí hoạt động và được chính quyền địa phương hỗ trợ.

- Tư thục: do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Trong hệ thống giáo dục mầm non tại Việt Nam thì việc tổ chức nhà trẻ và trường, lớp mẫu giáo cũng phải tuân thủ theo đúng nhóm tuổi và định mức về giáo viên mầm non tại các nhà trẻ và trường, lớp mẫu giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ (2015) quy định về lớp của trẻ em mẫu giáo như sau:

- Lớp mẫu giáo 3 tuổi; - Lớp mẫu giáo 4 tuổi; - Lớp mẫu giáo 5 tuổi.

Còn nhóm trẻ: là các lớp của những trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ như sau: Nhóm trẻ từ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi; Nhóm trẻ từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi; Nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi.

Đi kèm với việc phân loại trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và trẻ mầm non thì các cơ quan chức năng cũng quy định dịnh mức giáo viên mầm non như sau:

- Đối với nhóm trẻ: Bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ;

- Đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày: Bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp; - Đối với lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày: Bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp. Những nơi không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo theo quy định thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, cụ thể:

- Đối với nhóm trẻ: 01 giáo viên nuôi dạy 06 trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi hoặc 08 trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi;

- Đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi ngày: 01 giáo viên nuôi dạy 11 trẻ từ 3 - 4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4 - 5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5 - 6 tuổi;

- Đối với lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày: 01 giáo viên nuôi dạy 21 trẻ từ 3 - 4 tuổi hoặc 25 trẻ từ 4 - 5 tuổi hoặc 29 trẻ từ 5 - 6 tuổi.

Như vậy, Nhà nước cũng khẳng định khi bố trí lớp học, trường phải sắp xếp số lượng trẻ và giáo viên đúng theo quy định và đây là mức tối đa trường có thể sắp xếp chứ không được vượt mức số lượng trẻ và số lượng giáo viên trong một lớp.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĂN TRƯA ĐỐI VỚI TRẺ EM MẪU GIÁO TẠI PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN CAO LỘC, TỈNH LẠNG SƠN (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w