TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KINH TẾ THEO LÃNH THỔ

Một phần của tài liệu BaocaoQuyhoach (1) (Trang 68 - 71)

1. Về phát triển các vùng

Trong quá trình phát triển, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội... đã hình thành và phát triển thành các tiểu vùng:

Vùng trung tâm: là vùng chạy dọc theo hành lang kinh tế Quốc lộ 3, gồm các huyện Chợ Mới, Bạch Thông và TP.Bắc Kạn thành vùng động lực phát triển kinh tế, xã hội của Bắc Kạn với các trung tâm kinh tế - xã hội được hình thành là các đô thị: TP.Bắc Kạn, thị trấn Chợ Mới (thị xã trong tương lai), thị trấn Phủ

Thông.

Vùng phía Đông của tỉnh: gồm toàn bộ huyện Na Rì có lợi thế phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản.... Về nông nghiệp phát triển cây ăn quả, kinh tế rừng, thâm canh lúa lước, chăn nuôi và thương mại cửa khẩu.

Vùng phía Tây của tỉnh: gồm toàn bộ huyện Chợ Đồn. Các trung tâm kinh tế của vùng gồm thị trấn Bằng Lũng (thị xã Bằng Lũng trong tương lai) và thị tứ Bản Thi (thị trấn Bản Thi trong tương lai).

Vùng phía Tây Bắc và Bắc của tỉnh: gồm các huyện Ba Bể, Pác Nặm và huyện Ngân Sơn. Các trung tâm kinh tế của vùng gồm thị trấn Chợ Rã (thị xã Chợ Rã trong tương lai), thị trấn Vân Tùng, thị trấn Nà Phặc, thị trấn Bộc Bố và thị trấn Chu Hương.

Ngoài ra, tuy theo tính chất, đặc điểm, trên địa bàn tỉnh có thể chia thành các vùng như vùng miền núi, vùng đồng bằng.

Khu vực đồng bằng phát huy được lợi thế về vị trí địa kinh tế, kết cấu hạ tầng, nguồn lao động. Công nghiệp phát triển theo hướng tập trung, hình thành các khu, cụm công nghiệp; mở rộng quy mô phát triển nhiều ngành, sản phẩm như chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, sản xuất VLXD... Phát triển dịch vụ với các ngành chủ lực như thương mại, vận tải, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, đào tạo, y tế.

Khu vực miền núi từng bước phát huy tiềm năng lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung được đẩy mạnh phát triển. Mở rộng diện tích rừng sản xuất, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ, thương mại.

Về phát triển mối liên kết vùng: Thông qua giao lưu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện gắn kết phát triển giữa các vùng trong tỉnh và giữa các vùng trong tỉnh với các địa phương khác ngoài tỉnh ngày càng được mở rộng và gắn kết chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc khởi công tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên – Bắc Kạn có chiều dài hơn 40 km, dự kiến hoàn thành trong năm 2016 đã và đang tạo ra bước ngoặt trong liên kết phát triển giữa các tiểu vùng trong tỉnh và giữa tỉnh Bắc Kạn với các địa phương khác tạo động lực thúc đẩy quá trình mở rộng, phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh.

2. Thực trạng phát triển đô thị

Hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, theo phân cấp đô thị, hiện tại có:

thành phố, đô thị loại III là thành phố Bắc Kạn - trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội của tỉnh.

Thị trấn huyện lỵ gồm có: 1- Trung tâm huyện lỵ huyện Ngân Sơn (xã Vân Tùng) đã đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, đang làm thủ tục nâng cấp thành thị trấn

Vân Tùng vào năm 2016; 2- Trung tâm huyện lỵ huyện Ba Bể, thị trấn Chợ Rã; 3- Trung tâm huyện lỵ huyện Bạch Thông, thị trấn Phủ Thông; 4- Trung tâm huyện lỵ huyện Chợ Đồn, thị trấn Bằng Lũng; 5- Trung tâm huyện lỵ huyện Chợ Mới, thị trấn Chợ Mới; 6- Trung tâm huyện lỵ huyện Na Rì, thị trấn Yến Lạc. 7- Trung tâm huyện lỵ huyện Pác Nặm, xã Bộc Bố.

Ngoài ra có 01 thị trấn khu vực là thị trấn Nà Phặc. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành những khu vực có ưu thế về kinh tế, là nơi dân cư tập trung, có vị trí thuận lợi về giao thông, điểm giao lưu hàng hoá, có điều kiện để phát triển về dịch vụ - thương mại, du lịch... là các trung tâm xã và cụm xã.

Nhìn chung, các đô thị trên địa bàn tỉnh đến nay được hình thành bởi yếu tố trung tâm hành chính, chính trị là chính, đều mang đặc điểm chung của đô thị miền núi, khu vực trung tâm nhỏ, đất xây dựng đô thị không tập trung, thường phát triển theo ven trục đường chính, từ trung tâm lan rộng dần ra xa tới những khu vực có địa thế thuận lợi cho xây dựng.

3. Khu vực nông thôn

Là một tỉnh miền núi với nhiều dân tộc cùng chung sống với các phong tục, tập quán khác nhau, vì vậy khu dân cư nông thôn có nhiều hình thái:

Khu vực núi cao bố trí dân cư rải rác không tập trung. Trường học, trạm y tế đang từng bước được xây dựng kiên cố, hệ thống giao thông được cải tạo nâng cấp, bước đầu hình thành và phát triển các trung tâm cụm xã nhằm thúc đẩy phát triển các tiểu vùng.

Khu vực núi thấp tập trung hơn so với khu vực núi cao, song ở một số địa bàn dân cư vẫn phân bố rải rác. Vùng núi thấp, cơ sở hạ tầng cho sản xuất và sinh hoạt tương đối phát triển, phần lớn các xã đều có đường giao thông đến các thôn bản. Các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, bưu điện văn hoá xã, thư viện, chợ cơ bản được kiên cố hoá.

Khu vực trung du và đồng bằng bố trí tập trung hơn, hình thành làng, bản. Ở khu vực này, cơ sở hạ tầng phát triển, hệ thống giao thông thuận tiện cho sản xuất sinh hoạt của nhân dân, 100% số xã có bưu điện văn hoá và có trạm y tế cơ sở.

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án như chương trình 135, 30a, dự án định canh định cư, dự án xây dựng các trung tâm cụm xã, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi công cộng... đã góp phần ổn định dân cư, hạn chế được tình trạng du canh du cư, bước đầu làm thay đổi dần bộ mặt nông thôn của tỉnh.

Về xây dựng nông thôn mới: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về

xây dựng nông thôn mới, đến nay, 100% số xã đã được phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã; các địa phương đã đầu tư xây dựng trên 366 công trình giao thông nông thôn liên xã, liên thôn với tổng chiều dài đạt trên 176 km; 42 công trình kênh mương nội đồng với tổng chiều dài trên 16km,... và các

công trình văn hóa, giáo dục, y tế. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 2 xã đạt 15-16 tiêu chí, 28 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 74 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 6 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân đạt 8,0 tiêu chí/xã, tăng 4,8 tiêu chí so với năm 2010.

Một phần của tài liệu BaocaoQuyhoach (1) (Trang 68 - 71)