Đặc điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận Án Trần Thị Hà Vân (Trang 40 - 44)

Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền trong nền chính trị nhất nguyên.

Quan điểm nhất quán của Đảng ta là không thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tức là không chấp nhận trên đất nước ta có đảng đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Chung quanh vấn đề này, đã có những ý kiến không đúng đắn, cho rằng, Đảng ta cố tạo nên sự duy nhất cầm quyền của mình để thâu tóm toàn bộ quyền lực. Phần lớn những người có ý kiến này, về thực chất là đòi Đảng ta thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Điều này, hoàn toàn trái ngược với quan điểm nhất quán của Đảng ta. Hơn nữa, sự duy nhất cầm quyền của Đảng ta là do lịch sử để lại, Đảng cầm quyền là sự lựa chọn của nhân. Trước đây, Việt Nam đã có thời kỳ đa đảng, nhưng các đảng chính trị khác (Việt Quốc, Việt Cách) với âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ sau khi cách mạng Tháng Tám thành công đã bị lực lượng công an đập tan trong vụ án Ôn Như Hầu, Hà Nội. Giai đoạn từ 1944 - 1988, ở Việt Nam còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. Hai đảng này, không cầm quyền và không đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, họ phối hợp với Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống xâm lược. Đến năm 1988 Đảng Dân chủ và Đảng xã hội Việt Nam đã tự giải tán. Như vậy, từ năm 1988 đến nay, ở nước ta có duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Sự duy nhất cầm quyền của Đảng ta do tất yếu lịch sử để lại. Điều này minh chứng và phản bác mạnh mẽ, hiệu quả ý nghĩ sai lầm nêu trên về sự duy nhất cầm quyền của Đảng của các thế lực thù địch và những người không thiện chí với Đảng ta.

Đảng duy nhất cầm quyền có nhiều thuận lợi trong hoạt động của mình: Đảng có Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam của Đảng và của nhân dân. Đây là công cụ mạnh mẽ và sắc bén thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thuộc HTCT, rộng lớn từ Trung ương đến cơ sở, ở khắp mọi vùng, miền đất nước do Đảng lãnh đạo xây dựng và hoạt động thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, Đảng duy nhất cầm quyền cũng gặp những khó khăn, thách thức rất lớn, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí một số cấp ủy dễ lộng quyền, lạm quyền, coi thường pháp luật, đứng trên và đứng ngoài pháp luật, mất dân chủ, gia trưởng, độc đoán, ức hiếp nhân dân, tham ô, tham nhũng, sa vào lợi ích nhóm... Những tệ nạn này, làm tổn hại rất lớn uy tín, thanh danh, vai trò lãnh đạo của Đảng và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đảng nhận thức sâu sắc điều này và đã đề ra các chủ trương, giải pháp ngăn chặn và loại trừ.

Hai là, Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Một quan điểm, chủ trương lớn, xuyên suốt hoạt động lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay là Đảng lãnh đạo xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Lãnh đạo thực hiện quan điểm, chủ trương này, Đảng có những thuận lợi, song cũng gặp không ít khó khăn lớn phải vượt qua.

Những thuận lợi, gồm: xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế đất nước; tạo cơ sở, điều kiện tiên quyết thực hiện các nhiệm vụ khác đạt kết quả, từng bước xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta. Mở cửa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nước ta sẽ thu hút được nguồn lực tài chính; khoa học và công nghệ hiện đại; kinh nghiệm quản lý, nhất là quản lý kinh tế, quản lý xã hội từ các nước, nhất là các nước tư bản phát triển cao để xây dựng đất nước, tăng hiệu quả và đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước và sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta.

Tuy nhiên, thực hiện quan điểm, chủ trương nêu trên, cũng có những khó khăn, hệ lụy và hậu quả không nhỏ, nhất là tác động tiêu cực của kinh tế thị trường dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo, khoảng cách về chất lượng cuộc sống vật chất và mức độ hưởng thụ các giá trị văn hóa ngày càng tăng trong các giai cấp, tầng lớp và nhân dân, các vùng, miền... Mở cửa, hội nhập quốc tế, là cơ hội để các tư tưởng phi vô sản, lối sống thực dụng và mặt trái của đạo đức tư sản thâm nhập vào nước ta, tác động không nhỏ đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, thực tế cho thấy, không ít tổ chức nước ngoài đầu tư vào nước ta, ngoài mục đích lợi nhuận, họ còn có các mục đích lâu dài khác, kể cả mục đích chính trị, tác động vào

đường lối, quan điểm của Đảng dần dần đưa nước ta lệ thuộc vào họ và cuối cùng là chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, trước mắt từng bước tạo nên“tự diễn biến” “tự chuyển hóa”trong nội bộ ta. Đây là những khó khăn, phức tạp không nhỏ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta hiện nay.

Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất cầm quyền đang tự đổi mới, tự chỉnh đốn mạnh mẽ; Nhà nước ta đang trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo xây dựng Nhà nước ta. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về vấn đề này, đó là cơ sở, tiền đề vững chắc bảo đảm cho Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được nhân dân giao cho.

Đảng duy nhất cầm quyền đang tự đổi mới, tự chỉnh đốn, có nhiều thuận lợi: Đảng tự xây dựng và ban hành các chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lãnh đạo, tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, cũng dễ xảy ra tình trạng chủ quan, duy ý chí về một vài điểm trong một số chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trong tổ chức thực hiện. Hơn nữa, Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, tức là tự mình nhận thấy sai lầm, khuyết điểm của mình để tìm biện pháp sửa chữa; đồng thời, cổ vũ, động viên nhân dân chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của mình, để tiếp thu, sửa chữa; nói thì dễ, song thường không dễ trong thực hiện đối với không ít cấp ủy và đảng viên, nhất là đối với một số đảng viên là cán bộ chủ chốt có chức, có quyền.

Nhà nước ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân có những thuận lợi cơ bản. Đó là, Đảng lãnh đạo Nhà nước ban hành các luật, văn bản dưới luật, đưa vào thực tiễn để thực hiện, thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Song thực tế còn có những bất cập, hệ thống pháp luật đang trong quá trình xây dựng nên chưa thể thật chính xác, đồng bộ, còn thiếu một số luật; các văn bản pháp luật, nhất là dưới luật sẽ có những kẽ hở dễ bị một số người, tổ chức lợi dụng vì mục đích riêng, thậm chí vì mục đích ích kỷ, không trong sáng, gây phức tạp xã hội, bức xúc trong nhân dân và dư luận, cản trở việc xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Bốn là, số lượng đảng viên của Đảng xuất thân từ giai cấp công nhân tuy đã được cải thiện, song tỷ lệ còn thấp, việc phát triển những đảng trong công nhân còn nhiều khó khăn.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ở một nước nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa, nửa phong kiến, phần lớn đảng viên xuất thân không phải từ giai cấp công nhân, số lượng đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân chiếm tỷ lệ thấp (chiếm 8.14%) so với tổng số đảng viên. Đặc điểm này dẫn đến những khó khăn đáng kể, như: việc tiếp thu, nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, về CNXH, về kiên định mục tiêu và con đường XHCN còn hạn chế; về rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, phong cách làm việc khoa học, khắc phục phong cách làm việc tự do, tùy tiện; cách nghĩ, tầm nhìn của người nông dân sản xuất nhỏ; những hạn chế này ảnh hưởng đến sự phát triển, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước hiện nay.

Trong những năm qua, Đảng luôn quan tâm và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc kết nạp đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân. Nhưng, việc phát triển đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân còn nhiều khó khăn, nhất là khi nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả thấp, bị phá sản, hoặc chuyển sang cổ phần hóa..., các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài hầu như không quan tâm đến công tác phát triển đảng viên. Số lượng đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân chiếm tỷ lệ thấp cũng là khó khăn đáng kể đối với việc lãnh đạo công cuộc đổi mới thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng. Điều này, đòi hỏi rất cao đối với các cấp ủy, đội ngũ đảng viên về sự kiên định mục tiêu và con đường XHCN được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã chọn.

Năm là, hoạt động của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên hiện nay vẫn còn chịu sự chi phối bởi những đặc điểm lịch sử dân tộc, con người Việt Nam truyền thống và phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ Đảng lãnh đạo các cuộc chiến tranh chống xâm lược

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước; dân tộc ta phải tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống xâm lược; thời gian hòa bình, xây dựng đất nước không nhiều; do chủ yếu hoạt động trong thời chiến, cho nên phương thức lãnh đạo của Đảng gồm: lãnh đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất; mệnh lệnh được chấp hành một cách vô điều kiện, khẩn trương, kịp thời; không có điều kiện để tăng cường dân chủ tối đa nên ít được thực hành dân chủ. Bởi vậy, phong cách, lề lối làm việc kiểu

thời chiến như: khẩn trương, mệnh lệnh, quyết đoán…trong thời kỳ trước đã in khá sâu đậm trong các cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên trước đây. Ngoài ra, phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ thực hiện cơ chế hành chính, tập trung, bao cấp mới đây, còn chi phối mạnh hoạt động của nhiều cấp ủy, cán bộ, đảng viên, như: lãnh đạo bằng mệnh lệnh hành chính, mọi sắc lệnh đều từ cấp trên ban xuống, cấp dưới phải chấp hành, hạn chế dân chủ, ít tranh luận, thảo luận dẫn đến không phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp dưới, cá nhân cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, lễ giáo phong kiến, tàn dư sản xuất nhỏ lạc hậu cũng chi phối nhất định hoạt động của nhiều cấp ủy, cán bộ, đảng viên hiện nay.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, độc lập tự chủ cao, không chịu bị đồng hóa, cần cù, tiết kiệm, thông minh, sáng tạo, không lùi bước trước gian khổ và thách thức quyết liệt; ham học hỏi, cầu tiến bộ; gắn bó mật thiết với Đảng... Những đặc tính quý báu đó, sẽ được các cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, là thuận lợi lớn để Đảng lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, những mặt tiêu cực của truyền thống cộng đồng làng xã với tư tưởng bình quân chủ nghĩa tồn tại lâu đời trong con người Việt Nam còn tác động sinh ra thói quen “cha chung không ai khóc”, vô trách nhiệm đối công việc chung; tư tưởng “dĩ hòa vi quý” tác động nhất định đến chất lượng tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng; phong cách làm thiếu khoa học, chuộng hình thức với phương thức ứng xử “phép vua thua lệ làng” trước đây cũng tác động nhất định là một trong những cội nguồn của tệ tùy tiện trong công việc và “bệnh thành tích”; quan hệ huyết thống, dòng họ còn tác động nhất định gây nên các tệ như: trong giải quyết công việc thì trọng tình hơn trọng lý và tệ cục bộ, mất đoàn kết…

Những điều nêu trên vẫn còn chi phối khá mạnh mẽ hoạt động của nhiều cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong thời kỳ đổi mới hiện nay, là những cản trở hoạt động lãnh đạo công cuộc đổi mới của Đảng.

Một phần của tài liệu Luận Án Trần Thị Hà Vân (Trang 40 - 44)