Một là, về Đảng lãnh đạo CTBVMT bằng nghị quyết, chỉ thị của Đảng và định hướng chủ trương, chính sách lớn về BVMT.
Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), vấn đề môi trường và BVMT mới được Đảng ta quan tâm đưa vào nội dung Văn kiện của Đảng nhưng còn mờ nhạt. Sau đổi mới, mở cửa, hội nhập, cùng với sự phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường đã diễn biến nghiêm trọng. Tuy nhiên, CTBVMT ở nước ta chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Cụ thể, Đảng ban hành nghị quyết, chỉ thị về BVMT còn chậm, chưa kịp thời định hướng trong CTBVMT. Chỉ thị 36-CT/TW ngày 25/6/1998 “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa” được coi là chỉ thị đầu tiên mà Đảng ban hành để lãnh đạo CTBVMT. Đến đây, Đảng đã xác định rõ mục tiêu, quan điểm cơ bản và giải pháp để BVMT. Tuy nhiên, việc ban hành chỉ thị này sau 12 năm trong điều kiện môi trường bị suy thoái nghiêm trọng cho thấy Đảng ta chưa thật kịp thời và quyết liệt trong lãnh đạo CTBVMT.
Cấp ủy cấp trực thuộc Trung ương, cấp ủy cấp trên cơ sở và cấp ủy cơ sở đã thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng về CTBVMT. Tuy nhiên, việc nắm bắt và tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị về BVMT còn chậm, có nơi chưa hiệu quả. Cụ thể, cấp ủy trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình hành động chưa kịp thời, chưa chỉ đạo để cấp ủy cấp trên cơ sở xây dựng chương trình hành động để thực hiện; việc tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân chưa kịp thời, còn hình thức.
Hai là, về Đảng lãnh đạo CTBVMT bằng phát huy vai trò của Nhà nước. Hệ thống pháp luật của Nhà nước về BVMT chậm đổi mới, Luật BVMT
năm 2005 có nhiều hạn chế, bất cập so với thực tiễn, song việc lãnh đạo sửa đổi, bổ sung còn chậm (đến 2014 Quốc hội mới ban hành luật BVMT thay thế cho Luật
BVMT năm 2005). Hệ thống các chiến lược về BVMT chưa đồng bộ, toàn diện, ví dụ: cho đến nay, Việt Nam chưa có một chiến lược tổng thể dài hạn về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, vấn đề quản lý và BVMT nông thôn.
Luật BVMT năm 2014 vẫn thiếu cơ chế để thực hiện quyền của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng dân cư, và cơ chế buộc công chức, cơ quan nhà nước thực hiện nghĩa vụ của mình đối với BVMT. Luật chưa có quy định quyền được yêu cầu cung cấp thông tin môi trường của người dân. Luật mới quy định về giám định thiệt hại về môi trường mà chưa có quy định về giám định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị thiệt hại…
Ba là, về Đảng lãnh đạo CTBVMT bằng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục thực hiện nghị quyết của Đảng về CTBVMT.
Giải pháp chủ yếu để BVMT là phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức BVMT và chấp hành pháp luật cho toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên, trong thực tế công tác này chưa được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và hiệu quả; vẫn mang tính chất phong trào là chính; chủ yếu là tiến hành tuyên truyền vận động theo đợt, theo chiến dịch, nội dung hình thức tuyên truyền chưa thật đa dạng, chưa thu hút. Việc phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật, thông tin về môi trường và phát triển bền vững cho mọi người chưa đi vào chiều sâu. Có 64% ý kiến cho rằng, nhận thức của doanh nghiệp và người dân về môi trường và BVMT còn hạn chế là do các cấp ủy chưa thường xuyên tuyên truyền, vận động; nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động chưa phù hợp. Vì công tác này làm chưa thường xuyên và còn hình thức cộng với nhận thức của một bộ phận nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế, nên nhiều doanh nghiệp và người dân xả chất thải tự do ra môi trường. Bên cạnh đó, việc tuyên tuyền, vận động để thực hiện xã hội hóa về BVMT chưa cụ thể nên nhiều lĩnh vực BVMT mặc dù đã có chủ trương xã hội hóa, song sự tham gia của cộng đồng rất hạn chế.
Bốn là, về Đảng lãnh đạo CTBVMT bằng công tác tổ chức, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực môi trường và trực tiếp làm CTBVMT.
* Về tổ chức bộ máy: việc xây dựng kiện toàn tổ chức bộ máy làm CTBVMT chưa đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Số lượng các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chủ yếu tập trung ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Còn ở địa phương, chưa có cán bộ chuyên trách CTBVMT.
* Về công tác cán bộ: công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ chưa được lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, nên nhìn chung, số lượng cán bộ chuyên trách về môi trường và phòng chống tội phạm môi trường còn khiêm tốn, chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn đặt ra. Sự thiếu hụt lực lượng này, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, tội phạm môi trường ngày càng nhiều.
Bên cạnh số lượng thì chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế về năng lực chuyên môn. Việc giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ môi trường cũng là vấn đề đặt ra cho các cấp ủy đảng hiện nay. Thực tế cho thấy, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ công chức ngành tài nguyên môi trường cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Năm là, về Đảng lãnh đạo CTBVMT thông qua cấp ủy, các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng về BVMT
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với chính quyền cùng cấp về cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng về BVMT và lãnh đạo tổ chức thực hiện tại địa phương chưa thường xuyên; chưa đặt nhiệm vụ BVMT ngang hàng với các nhiệm vụ khác. Cụ thể là, các cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa giành nhiều thời gian đầu tư cho CTBVMT; việc ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết về BVMT còn chậm; việc chỉ đạo giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường chưa thật quyết liệt dẫn đến tình trạng có địa phương ô nhiễm môi trường đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa có giải pháp căn cơ để khắc phục. Công tác quản lý, giáo dục và kiểm tra đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong BVMT chưa được quan tâm. Thực tế, các hoạt động tuyên truyền, các phong trào BVMT thường được tiến hành tại địa phương, còn trong các cơ quan đơn vị, các cấp ủy tổ chức đảng gần như buông lỏng. Nhiều cán bộ, đảng viên chưa chủ động trong công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về BVMT đến người dân; vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong thực hiện Luật BVMT còn mờ nhạt. Theo thống kê, có 17% ý kiến cho rằng ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về môi trường là tốt, 64% bình thường, 19% cho rằng ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên còn hạn chế.
Sáu là, về Đảng lãnh đạo CTBVMT bằng phát huy vai trò MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tổ chức xã hội thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng về BVMT
Đảng đánh giá “Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT trong toàn Đảng, và toàn dân, toàn quân chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, các phong trào của quần chúng về bảo vệ môi trường” [46, tr.2].
Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về BVMT chưa thường xuyên nên nhiều phong trào, cuộc vận động toàn dân BVMT thường rất rầm rộ và hiệu quả thời gian đầu, sau đó có xu hướng giảm dần. Sự lãnh đạo phối hợp và thống nhất hành động giữa các cơ quan làm CTBVMT với cơ quan MTTQ các cấp nhiều lúc chưa tốt. Quan điểm BVMT là trách nhiệm của toàn xã hội vẫn chưa được thực thi một cách đầy đủ. Sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chưa thật rõ nét; chưa tạo được sự đồng thuận giữa các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Trong hệ thống các ngành luật liên quan tới BVMT chỉ có Luật BVMT, Luật Tài nguyên nước là có quy định về vai trò giám sát, về trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong BVMT. Ngay cả trong Chiến lược quốc gia về BVMT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cũng chỉ mới quy định về nguyên tắc, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát, chưa có những quy định cụ thể về trình tự, quy trình, cơ chế, chính sách tạo điều kiện để MTTQ các cấp tham gia giám sát về CTBVMT.
Bảy là, về Đảng lãnh đạo CTBVMT bằng công tác kiểm tra, giám sát Đảng chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác BVMT; kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội về tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng về BVMT; về xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Điều này, dẫn đến tình trạng các địa phương chậm trễ và kém hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng về BVMT và Luật BVMT.
Công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước về BVMT hiệu quả chưa cao. Tình trạng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những đảng viên công tác trong lĩnh vực môi trường có những vi phạm về BVMT chậm được phát hiện, xử lý. Có trường hợp khi sự cố môi trường đã xảy ra mới tiến hành kiểm tra và phát hiện vi phạm, việc phát hiện và xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên ở tỉnh Hà Tĩnh sau sự cố môi trường Formosa là một ví dụ điển hình.
Công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT tại địa phương còn một số hạn chế, yếu kém, như: lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra còn mỏng; năng lực còn hạn chế, chưa được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương thiện cần thiết và chưa được bố trí kinh phí tương ứng để hoạt động; các vi phạm pháp luật về BVMT chưa được địa phương xử lý một cách kịp thời, thỏa đáng. Thêm vào đó, các vi phạm pháp luật về BVMT ngày càng phức tạp, khó phát hiện, trong khi hoạt động thanh tra còn bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính nên thanh tra việc tuân thủ pháp luật và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về BVMT của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.