Khái niệm Đảng lãnh đạo bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu Luận Án Trần Thị Hà Vân (Trang 65 - 67)

* Khái niệm lãnh đạo và Đảng lãnh đạo công tác bảo vệ môi trường

“Lãnh đạo” là dẫn dắt, tổ chức phong trào theo đúng đường lối cụ thể; lãnh đạo còn dùng để chỉ các cơ quan lãnh đạo, gồm những người có khả năng tổ chức và dẫn dắt phong trào.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định về khái niệm lãnh đạo. V.I. Lênin nhấn mạnh các nhiệm vụ của giai cấp vô sản là: “Phải ra sức lập ra các chính đảng công nhân độc lập, mà mục đích chủ yếu của các chính đảng đó phải là làm cho giai cấp vô sản giành lấy chính quyền để tổ chức xã hội xã hội chủ nghĩa” [103, tr.218].

Khi Đảng Cộng sản thành đảng cầm quyền, V.I. Lênin đã từng phê phán cách lãnh đạo ôm đồm, không sắp đặt, giải quyết công việc một cách thiếu khoa học và đòi hỏi: Đảng Cộng sản (b) Nga:

Cần phải phân định một cách rõ ràng hơn nữa nhiệm vụ của đảng (và của Ban Chấp hành trung ương của nó) với nhiệm vụ của chính quyền xô-viết; tăng thêm trách nhiệm và tính chủ động cho các cán bộ xô- viết và các cơ quan xô-viết, còn về Đảng chỉ giành quyền lãnh đạo chung các công tác của tất cả các cơ quan nhà nước gộp chung lại, mà không nên can thiệp quá thường xuyên, không chính quy và thường là nhỏ nhặt, như hiện nay [107, tr.75].

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan niệm khái quát về “lãnh đạo đúng” trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc:

Lãnh đạo đúng nghĩa là:

1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng... 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng...

3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được [117, tr.325].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo đúng của Đảng phải bao gồm các công việc sau: ra quyết định đúng, tổ chức thực hiện đúng đắn, tổ chức sự kiểm

soát. Sự kiểm soát bao gồm cả kiểm tra và giám sát đối với toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng và đảng viên.

Theo Nguyễn Xuân Hưng và Bùi Văn Nghiêm trong luận án tiến sĩ của mình đã đưa ra khái niệm tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện công bằng xã hội và tỉnh ủy lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, có giá trị tham khảo tốt để luận án đưa ra khái niệm Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công tác BVMT.

Nguyễn Xuân Hưng, trong luận án tiến sĩ “Các tỉnh ủy ở đồng bằng sông Hồng lãnh đạo thực hiện công bằng xã hội giai đoạn hiện nay” đã đưa ra khái niệm:

Các tỉnh uỷ ở đồng bằng sông Hồng lãnh đạo thực hiện công bằng xã hội là toàn bộ hoạt động của các tỉnh ủy, trên cơ sở quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về thực hiện công bằng xã hội và ban hành các nghị quyết, quyết định về thực hiện công bằng xã hội, chỉ đạo các cấp uỷ trực thuộc, các cơ quan nhà nước, các lực lượng xã hội tổ chức thực hiện; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện để các nghị quyết của tỉnh uỷ về thực hiện công bằng xã hội trở thành hiện thực [86, tr.59].

Bùi Văn Nghiêm, trong luận án tiến sĩ “Các tỉnh ủy ở đồng bằng sông Cửu Long lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn hiện nay”

đã đưara khái niệm:

Tỉnh ủy ở đồng bằng sông Cửu Long lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là toàn bộ hoạt động của tỉnh ủy xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị về cấu trúc, các mối quan hệ theo tỷ lệ số lượng và chất lượng các yếu tố kinh tế, xã hội liên quan đến sản xuất nông nghiệp…, tổ chức thực hiện, tiến hành kiểm tra, giám sát để các nghị quyết, chỉ thị được thực hiện thắng lợi, làm cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh ngày càng phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh, nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững [124, tr.73]. Như vậy, có thể hiểu “lãnh đạo” là quá trình chủ thể lãnh đạo xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân về tổ chức thực hiện, nhằm thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của chủ thể lãnh đạo.

* Khái niệm Đảng lãnh đạo công tác bảo vệ môi trường

Từ luận giải trên có thể đi đến khái niệm: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo CTBVMT là toàn bộ hoạt động của Đảng, như: xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị về BVMT; quán triệt, tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức đảng và đảng viên, các tổ chức trong HTCT, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và nhân dân theo quy định làm cho môi trường trong lành, cân bằng, bền vững.

Từ khái niệm trên, có thể xác định: chủ thể lãnh đạo CTBVMT là cấp ủy đảng các cấp; khách thể của lãnh đạo CTBVMT là Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cá nhân trong thực hiện BVMT; mục đích của Đảng lãnh đạo CTBVMT là giữ gìn, BVMT trong lành, phòng ngừa tác động xấu đối với môi trường, phục hồi cải thiện môi trường bị hủy hoại.

Một phần của tài liệu Luận Án Trần Thị Hà Vân (Trang 65 - 67)