Phát động và duy trì phong trào toàn dân bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu Luận Án Trần Thị Hà Vân (Trang 144 - 146)

Thứ nhất, tập trung tuyên truyền để nhân dân nhận thức sâu sắc về BVMT vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của họ, tăng cường tuyên truyền về Luật BVMT.

Tập trung tuyên truyền để nhân dân nhận thức sâu sắc quan điểm nhất quán của Đảng: “Bảo vệ môi trường vừa là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hòa với tự nhiên của cha ông ta [50, tr.2]. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về các chủ trương khác của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT là vấn đề rất cần thiết. Qua thăm dò ý kiến, có 82% ý kiến cho rằng để BVMT phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của môi trường và BVMT. Thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt ở địa phương; thông qua các bản tin của khu phố, ấp, bản; ngoài ra, cán bộ địa phương chủ động đến từng hộ dân tuyên truyền...Thực hiện tốt những điều nêu trên sẽ thúc đẩy nhân dân tự giác tham gia BVMT.

Thứ hai, nâng cao trình độ dân trí, xây dựng thái độ đúng đắn của người dân đối với môi trường và BVMT.

Qua khảo sát của Viện Khoa học xã hội và nhân văn cho thấy thái độ của người dân đối với vấn đề môi trường và BVMT còn gắn bó chặt chẽ với lợi ích của họ trong việc khai thác và sử dụng môi trường, trong phát triển kinh tế. Cần xây dựng cho người dân lối sống thân thiện với môi trường, ngăn ngừa lối sống, tập tục lạc hậu tác động xấu đến môi trường; hình thành ở người dân những hành vi thân thiện với môi trường.

Để đạt được điều nêu trên, cần đảm bảo các điều kiện, như: nâng cao nhận thức về môi trường và BVMT cho người dân; cung cấp những tri thức cụ thể chỉ dẫn cách thực hiện hành vi thân thiện với môi trường cho người dân. Nhà nước cần tạo những điều kiện vật chất để người dân, nhất là những người nghèo có thể thay đổi cách sống, cũng như các phương thức canh tác lạc hậu, có hại đến môi trường; lồng ghép vấn đề BVMT với công tác xóa đói giảm nghèo; gắn kết lợi ích của BVMT với lợi ích và mưu sinh hàng ngày của người dân, đặc biệt là dân nghèo; không ngừng nâng cao trình độ học vấn, trình độ dân trí, nhất là cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, vùng dân tộc, miền núi.

Thứ ba, Đảng lãnh đạo việc xây dựng cơ chế huy động sự tham gia của người dân trong sự nghiệp BVMT.

Cần hoàn thiện cơ chế để cộng đồng dân cư có thể tham gia ý kiến vào việc xây dựng mục tiêu, chương trình, kế hoạch của chính quyền về BVMT và các dự án

liên quan đến BVMT và tài nguyên sinh thái ở địa phương. Hoàn thiện chính sách huy động cộng đồng tham gia công tác quản lý môi trường, giám sát thực thi pháp luật về BVMT. Cần tăng quyền lực, tạo điều kiện và trao quyền tự chủ cho cộng đồng dân cư trong một số lĩnh vực cụ thể liên quan đến BVMT, đặt biệt là vấn đề phát thải bụi từ các công trường xây dựng, xe vận tải, hoạt động của các làng nghề...; có quy định cụ thể về thẩm quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng, của các tổ chức xã hội cấp cơ sở.

Thứ tư, Đảng lãnh đạo Nhà nước phát huy quyền giám sát môi trường của nhân dân.

Theo thống kê, có trên 50% vụ việc vi phạm pháp luật BVMT do người dân, cộng đồng tại địa phương phát hiện, phản ánh với cơ quan có thẩm quyền. Để nhân dân tham gia giám sát, phát huy vai trò của nhân dân, Đảng cần lãnh đạo Nhà nước đảm bảo các quyền và lợi ích cơ bản, như nhân dân được tham gia góp ý xây dựng, tiếp cận và thực hiện các điều luật quy định về BVMT.

Đảng lãnh đạo đảm bảo cho nhân dân được tham gia phản biện xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp có liên quan đến BVMT. Huy động sự tham gia của cộng đồng vào CTBVMT bằng các hình thức: thông qua việc tham gia ý kiến, tham vấn đối với các vấn đề, nội dung BVMT có liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân; thực hiện giám sát về hoạt động BVMT của các tổ chức, cá nhân ngay tại khu vực sinh sống; khuyến khích xã hội hóa CTBVMT, trong đó có những quy định phát triển dịch vụ môi trường thông qua hình thức đấu thầu và hợp tác công tư và khuyến khích người dân tham gia.

Một phần của tài liệu Luận Án Trần Thị Hà Vân (Trang 144 - 146)