vai trò của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường
Hoạt động của các doanh nghiệp tác động rất lớn đến môi trường. Chỉ một chủ doanh nghiệp lớn vô trách nhiệm trong BVMT, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người dân và một vùng rộng lớn phải chịu hậu quả lớn trong thời gian dài. Thực tế cho thấy, số lượng khá lớn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có 100% đầu tư nước ngoài đã gây nên tình trạng nêu trên ở nhiều nơi trên đất nước ta. Bởi vậy, trong lãnh đạo CTBVMT, Đảng phải bằng các biện pháp mạnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng này. Cần thực hiện tốt những biện pháp sau đây:
Một là, tăng cường tuyên truyền để các chủ doanh nghiệp nhận thức được trách nhiệm của mình đối với CTBVMT, trách nhiệm ấy, phải được hiện thực hóa bằng việc làm cụ thể, thiết thực.
Cần tuyên truyền để chủ doanh nghiệp nắm và hiểu luật và các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT; tuyên truyền nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa con người với môi trường sinh thái cho các nhà quản lý doanh nghiệp; cấp ủy đảng cần sử dụng các hình thức tuyên truyền phong phú như: tuyên truyền miệng, hội thảo, tổ chức các hội thi, sử dụng hiệu quả các kênh thông tin điện tử, báo chí, đài phát thanh, truyền hình; pano, áp phích... để phổ biến kiến thức về BVMT. Từ đó, chủ doanh nghiệp xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với CTBVMT.
Bên cạnh việc tuyên truyền thường xuyên, cần tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường tùy theo từng nhóm đối tượng cho phù hợp. Chẳng hạn đối với lãnh đạo doanh nghiệp như Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc... cần tập trung nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh, về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, về lợi ích kinh tế tổng thể từ việc đầu tư cho BVMT... Đối với nhóm đối tượng là cán bộ quản lý doanh nghiệp, cán bộ phụ trách tài chính - kế hoạch thì nội dung các lớp bồi dưỡng nên tập trung vào những vấn đề về xây dựng hệ thống quản lý môi trường nội bộ, xây dựng dự án sản xuất sạch hơn, tính toán chi phí, lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn.
Hai là, cần nâng cao ý thức cho các doanh nghiệp về giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng, lợi nhuận phải trên cơ sở vì môi trường, vì con người.
Thực hiện tốt điều nêu trên doanh nghiệp buộc phải sản xuất ra những sản phẩm sạch, thân thiện, đáp ứng như cầu của người tiêu dùng trên cả hai phương diện sức khỏe và BVMT; BVMT đi đôi với lợi nhuận doanh nghiệp. Tăng chi phí cho BVMT nhưng bù lại doanh nghiệp có cơ hội bán được số lượng hàng hóa lớn hơn. Người tiêu dùng trong xã hội văn minh không chỉ muốn có hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, điều kiện giao hàng thuận lợi… mà hàng hóa đó còn phải thân thiện với môi trường. Ngược lại, hàng hóa của những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ có nguy cơ bị tẩy chay; cần phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức, trung tâm bồi dưỡng, tư vấn về công nghệ sạch và sản xuất sạch hơn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích kinh tế từ các dự án đầu tư công nghệ sạch, sản xuất sạch.
Ba là, tuyên dương và khen thưởng, cổ vũ, động viên những doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về BVMT, xử lý nghiêm minh, kịp thời những doanh nghiệp vi phạm luật BVMT.
Cùng với việc tôn vinh những doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về BVMT cần thực hiện một số việc nhằm cổ vũ, khích lệ những doanh nghiệp này, như: dán nhãn sản phẩm thân thiện với môi trường cho các sản phẩm sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng, tiết kiệm TNTN, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về các doanh nghiệp và sản phẩm của họ.
Bên cạnh đó, cần kiên quyết xử lý vi phạm của các doanh nghiệp nếu họ không thực hiện trách nhiệm BVMT trong sản xuất kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường; cần công khai thông tin về ô nhiễm và việc tuân thủ pháp luật về BVMT của doanh nghiệp đến các đối tượng có liên quan như: người dân, các tổ chức xã hội, người tiêu dùng... Qua đó, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp BVMT.
Bốn là, thể chế hóa các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với BVMT và cơ chế giám sát các doanh nghiệp về BVMT, tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Cần ban hành nghị định của Chính phủ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế; Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng góp vốn đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm theo phương thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm.
Xây dựng cơ chế giám sát của người dân, của cộng đồng đối với doanh nghiệp trong việc thực thi các cam kết về môi trường, BVMT và thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Hình thành các kênh thông tin giữa người dân và các nhà chức trách địa phương để kịp thời thông báo về những trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Tất cả hoạt động nêu trên phải đi đến kết quả thực tế là các doanh nghiệp phải cung cấp ngân sách theo quy định để BVMT, tức là họ phải “rút hầu bao” để BVMT.