Nằm ở châu thổ sông Chao Phraya, với diện tích 1.568,7 km2, Bangkok không chỉ là thủ đô mà còn là thành phố đông dân nhất Thái Lan. Trong các thập kỷ 70 và 80, cùng với sự phát triển bùng nổ của kinh tế Thái Lan, quá trình ĐTH ở Bangkok diễn ra mạnh mẽ, đã ảnh hưởng tới sự phát triển nông nghiệp ven đô. Quá trình ĐTH đã làm cho dân số Bangkok tăng lên khá nhanh, cùng với đó ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh ở nội đô và ngoại vi dẫn đến các hoạt động nông nghiệp bị đẩy ra vùng bên ngoài, hình
thành nên những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên môn hóa với sản phẩm chính là lúa gạo để phục vụ xuất khẩu; sản phẩm rau, củ, quả… phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cư dân đô thị. Sự bùng nổ của dân số ở Bangkok đã dẫn tới tăng vọt nhu cầu của dân cư về lương thực, thực phẩm cao cấp an toàn, nhất là các loại rau xanh; kèm theo đó là nhu cầu về nghỉ ngơi, giải trí cuối tuần ở các vùng ngoại ô. Giá đất ngoại ô Bangkok đã tăng vọt do hiện tượng đầu cơ ruộng đất; sự ô nhiễm môi trường nặng nề cũng đòi hỏi nông nghiệp ngoại thành Bangkok phải làm tốt vai trò đáp ứng nhu cầu dân cư đô thị và điều hòa môi trường.
Để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình ĐTH, sau một thời gian dài chủ yếu tập trung vào thâm canh lúa, nông nghiệp ven đô Bangkok chuyển sang đa dạng hóa sản phẩm. Nông nghiệp ven đô Bangkok có đặc điểm là không hình thành một số vành đai xung quanh thành phố, mà chỉ hình thành những vùng sản xuất chuyên môn hóa do vị trí địa lý của Bangkok nằm sát biển, một số nơi không trồng trọt được vì bị xâm nhập mặn. Các vùng sản xuất này có thể nằm cách Thủ đô Bangkok hàng chục Kilômét nhưng việc chuyên chở hàng hóa, vật tư vẫn thuận tiện do sự phát triển nhanh của hệ thống KCHT, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ. Bên cạnh việc xuất khẩu nông sản thì chiến lược đa dạng hóa nông sản là một thành công của các vùng sản xuất nông nghiệp ngoại thành này.
Bên cạnh phát triển rau quả ở ngoại thành, Bangkok còn nổi tiếng trong phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng hiệu quả đất đai và các nguồn lực khác, như mô hình kết hợp giữa trồng trọt (lúa - rau - quả) và chăn nuôi (lợn - gia cầm) bắt đầu phát triển từ khi Chính phủ giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ nuôi. Các mô hình chăn nuôi thâm canh cao được các hộ nông dân ngoại thành phát triển trên cơ sở đầu tư mạnh mẽ về vốn, kỹ thuật và đã đem lại lợi nhuận khá lớn cho nông dân. Tuy nhiên, các trang trại chăn nuôi ngoại ô cũng gây ra ô
nhiễm nguồn nước, tiếng ồn hay bệnh dịch… Điều này chưa được tính đến trong hợp đồng giữa các hộ chăn nuôi và các công ty thu mua. Trước thực tế đó, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện một chương trình có tên gọi “quản lý các trang trại chăn nuôi”, trong đó tập trung vào giải quyết vấn đề môi trường: xử lý chất thải để sản xuất biogas và phân bón. Trong chương trình này, Chính phủ Thái Lan đã trợ giúp tài chính, kỹ thuật cũng như sự hỗ trợ về thể chế nhằm bảo đảm mức thu nhập tối thiểu cho hộ nông dân.
Tóm lại, sản xuất nông nghiệp ở Thái Lan nói chung, ở Thủ đô Bangkok nói riêng đã đạt được những thành quả to lớn không chỉ về tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp mà còn về chất lượng thực phẩm và mức độ đáp ứng nhu cầu của người dân về vật chất lẫn cảnh quan môi trường. Thành công trên là do những nguyên nhân sau:
- Giải quyết tốt quá trình CDCC kinh tế nông nghiệp theo hướng xuất khẩu, kết hợp với thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, còn sự phát triển của KCHT, sự tiếp cận dễ dàng về tín dụng đối với hộ nông dân, chính sách khuyến nông cho phép dễ tiếp cận các kỹ thuật mới và chính sách phát triển quan hệ hợp đồng giữa công ty chế biến với người nông dân nhằm ổn định đầu ra cho nông sản.
- Vai trò của Nhà nước cũng rất quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, quy hoạch đất đai, điều tiết giá cả, giải quyết các vấn đề môi trường, tư vấn, tạo khung pháp lý cho phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, chính sách trợ giá nông sản không chỉ thực hiện ở việc Chính phủ mua sản phẩm của nông dân theo giá cao mà người trồng lúa còn được hưởng những ưu đãi khác như mua phân bón với giá thấp, được cung cấp giống mới có năng suất cao, được vay vốn với lãi suất thấp… Chính phủ Thái Lan còn hỗ trợ về giá cho nông dân trồng 5 loại cây chủ lực là sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt và chôm chôm. Cấp cho dân nghèo và người không có ruộng đất thuê trồng trọt với giá rẻ trong ít nhất 5 năm, sau đó có thể gia hạn thêm. Đặc biệt, Chính phủ
Thái Lan còn thực hiện việc đưa các chuyên viên, chuyên gia giám sát từ việc sản xuất, phân phối, chế biến, giá cả cho đến tìm thị trường xuất khẩu mới.
- Coi trọng nâng cao chất lượng nhân lực làm nông nghiệp. Nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học và các khóa học tại chỗ về kỹ thuật canh tác, chuyển giao công nghệ được mở rộng với nhiều ưu đãi nhằm thu hút và nâng cao trình độ nguồn nhân lực nông nghiệp.
- Nhiều hình thức HTX nông nghiệp được hình thành và đưa vào hoạt động để phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật… giúp xã viên tiết giảm chi phí sản xuất và tiếp cận gần thị trường, nhờ vậy, họ có thể bán với giá cao hơn, duy trì sự bảo đảm về khối lượng và chất lượng sản phẩm. Với sự hỗ trợ của chính phủ, các xã viên được huấn luyện về kỹ thuật trồng trọt, hiểu biết về lợi ích của phân bón và thuốc trừ sâu. Ngoài ra, xã viên được hỗ trợ giá mua khi máy móc sản xuất nông nghiệp như: máy kéo, máy bơm nước… [19; 48; 68].