Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển nông nghiệp ở các huyện ngoại thành

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 143 - 149)

Cây ăn quả Rau

4.2.4. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển nông nghiệp ở các huyện ngoại thành

nông nghiệp ở các huyện ngoại thành

(Theo kết quả xử lý từ phiếu điều tra, có 99,9% trong tổng số người được hỏi cho đây là giải pháp rất quan trọng và quan trọng, xem Phụ lục 10 - câu hỏi 14).

Để thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội trong giai đoạn tới, cần phải có lượng vốn lớn, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 ở Hà Nội là khoảng 30.000 tỷ đồng (trong đó, vốn từ ngân sách địa phương là 18.000 tỷ đồng) [63]; dự kiến tổng mức đầu tư thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội, giai

đoạn 2016 - 2020 là khoảng 8.686,1 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn sự nghiệp ngân sách thành phố: 785,7 tỷ đồng; nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân: 7.900,4 tỷ đồng [26]. Do vậy, cần phát triển các hình thức huy động nguồn vốn, các hình thức đầu tư để có đủ lượng vốn theo kế hoạch; đồng thời phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội thời gian tới. Cụ thể là:

Thứ nhất, huy động nguồn vốn phát triển nông nghiệp ngoại thành. - Thành phố cần dành một nguồn Ngân sách cho phát triển nông nghiệp ngoại thành nói chung, phát triển NNCNC nói riêng; sử dụng vốn ngân sách nhà nước làm vốn mồi để thúc đẩy huy động nguồn vốn tư nhân theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong đầu tư xây dựng KCHT đồng bộ phục vụ phát triển nông nghiệp ngoại thành, nhất là xây dựng các khu NNCNC, ưu tiên hạ tầng công nghệ thông tin gắn với các cụm liên kết ngành, công viên nông nghiệp và các vườn ươm công nghệ cao.

- Có chính sách và biện pháp cụ thể phát triển bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại cũng như các doanh nghiệp, người sản xuất đối phó hiệu quả với rủi ro về thị trường, thiên tai, dịch bệnh… Ngoài ra, chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm trong việc khai thác dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là chính sách bảo hiểm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: bưởi Diễn, cam Canh và nhãn chín muộn ở ngoại thành Hà Nội. Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bảo hiểm nông nghiệp.

- Trong quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất, có chính sách hỗ trợ tín dụng cho thuê đất, mua đất nông nghiệp để khuyến khích những hộ nông dân sản xuất giỏi tích tụ ruộng đất, đồng thời đánh thuế đối với trường hợp bỏ hoang đất đai. Tạo điều kiện vốn hóa đất đai, tài sản và phát triển bảo hiểm xã hội cho những nông dân rời bỏ nông nghiệp tham gia vào lĩnh vực phi nông

nghiệp tại nông thôn và đô thị. Đầu tư vào việc đổi mới các chương trình đào tạo nghề nông thôn, huy động sự tham gia của doanh nghiệp thuê lao động, theo nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động.

- Để doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, cần nới rộng các tiêu chuẩn cho vay, nhất là đối với NNCNC. Phải nhanh chóng sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký vay vốn ngân hàng.

- Tăng cường năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại, đa dạng hóa các nguồn vốn, sản phẩm và kênh phân phối tín dụng cho phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội. Các ngân hàng thương mại cần được củng cố và mở rộng mạng lưới hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân khu vực ngoại thành tiếp cận vốn vay hoặc các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Trong đó, áp dụng mô hình ngân hàng lưu động giúp người dân gửi tiền, vay vốn và trả nợ thuận tiện. Chủ động xác định nhu cầu theo từng nhóm khách hàng ở khu vực ngoại thành để đưa ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp.

- Đa dạng các nguồn huy động vốn, không chỉ tạo sức hút từ vốn đầu tư trong nước mà còn chú trọng huy động vốn đầu tư nước ngoài (các dự án ODA…); khai thác tiềm năng vốn của người trực tiếp sản xuất nông nghiệp ngoại thành. Việc huy động vốn của người trực tiếp sản xuất hay trong dân có thể được thực hiện thông qua các hình thức như đấu thầu quyền sử dụng đất, mặt nước hay tự đầu tư trong dân phát triển trang trại quy mô lớn. Các địa phương có quỹ đất đấu thầu sẽ có nguồn vốn cơ bản, phục vụ trực tiếp cho quá trình xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

- Để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài hay các doanh nghiệp lớn trong nước, cần phát triển đồng bộ KCHT, ưu tiên cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án phát triển NNCNC. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc cải cách hành chính, từ thủ tục cấp phép, phê duyệt các dự án, phù hợp với các chương

trình phát triển KT-XH; tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào NNCNC, xây dựng trang trại, khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư hay mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tìm kiếm đối tác liên doanh. Cùng với việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả là việc bảo đảm thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.

Thứ hai, đa dạng nguồn vốn và các hình thức cung cấp tín dụng đầu tư cho nông nghiệp ngoại thành.

- Các ngân hàng trên địa bàn thành phố cung ứng kịp thời tín dụng với lãi suất hợp lý, chú trọng các hình thức cho vay vốn dài hạn, trung hạn nhằm hỗ trợ vốn cho nông dân, doanh nghiệp kinh doanh đầu tư vào các vùng NNCNC. Ngân hàng nên đánh giá khả năng thực hiện và hiệu quả của dự án để làm cơ sở cho vay thay vì chỉ quan tâm tài sản bảo đảm, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ, nông hộ. Ngân hàng đồng hành, liên kết với doanh nghiệp, nông hộ như là đối tác đầu tư, cùng tham gia xây dựng dự án sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho đầu tư phát triển NNCNC.

- Phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm với ưu đãi đặc thù nhằm huy động nguồn vốn trong dân cư, tích tụ, tập trung thành lượng vốn lớn cho khởi nghiệp trong lĩnh vực NNCNC. Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả đầu tư, giảm thiểu rủi ro từ đầu tư phát triển nông nghiệp và đầu tư cho công nghệ cao.

- Tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro và đổi mới hoạt động của các tổ chức tín dụng hoạt động ở khu vực ngoại thành Hà Nội, chủ yếu là Ngân hàng Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội và các quỹ tín dụng nhân dân. Các ngân hàng cần lập kế hoạch cho vay tín dụng nông thôn một cách hợp lý về thời gian, cơ cấu vốn đầu tư, phương thức cho vay cũng như hạn mức vốn vay nhằm bảo đảm khai thác tiềm năng của mỗi vùng. Đổi mới toàn

diện tổ chức, mạng lưới kinh doanh theo mô hình ngân hàng thương mại hiện đại giảm trung gian, tăng năng lực cho các đơn vị trực tiếp kinh doanh.

- Cải cách, đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người nông dân khu vực ngoại thành, nhất là trong cho vay không có bảo đảm bằng tài sản của hộ nông dân. Đồng thời, xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa các chính sách với thực tế triển khai. Các ngân hàng thương mại cần thường xuyên tổ chức hướng dẫn các thủ tục vay vốn cho người nông dân.

- Các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố cần dựa trên hiệu quả sử dụng vốn của người vay để làm cơ sở thúc đẩy cho vay tới các nông hộ; tránh tình trạng “không nhiệt tình” cho vay gói nhỏ để đầu tư sản xuất tại gia đình do các khoản vay này thường nhỏ lẻ, chi phí hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng sẽ cao, nhiều rủi ro và khả năng sinh lời thấp. Chú ý tạo điều kiện thuận lợi để những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong các ngành hàng, làng nghề ở từng địa phương tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Nếu nhóm khác hàng này hài lòng thì mức độ “lan tỏa” đối với các dịch vụ tài chính, ngân hàng sẽ nhanh chóng trong khu vực ngoại thành.

- Mở rộng đối tượng được tham gia, hưởng ưu đãi trong các chương trình cho vay ưu đãi lĩnh vực ưu tiên trong nông nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận với các dòng vốn tín dụng. Nâng cao định mức ưu đãi cho các chương trình trọng điểm cả về hạn mức vay và lãi suất cho vay một cách phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực.

- Các tổ chức cung cấp tín dụng vi mô không chỉ mở rộng mục đích cho vay hướng chủ yếu vào hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn mở rộng ở các chương trình cho vay hướng vào đào tạo nghề để nâng cao kỹ năng sản xuất, kinh doanh cho hộ nông dân. Từ đó, họ có thể bổ sung các khoản thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp hoặc tham gia vào thị trường lao động khác. Đồng thời, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng vi mô cũng có thể bắt

đầu từ chính các hộ gia đình bằng việc tham gia tích cực vào các tổ, nhóm tín dụng, nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc.

- Kết hợp nhiều phương thức cho vay nhằm giúp người vay chủ động hơn trong sử dụng vốn phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp, giảm thủ tục cho vay, tiết kiệm được các chi phí gián tiếp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Mở rộng thị trường cho thuê tài chính ở nông thôn nhằm khắc phục hạn chế về tài sản bảo đảm nợ vay (cho vay không cần tài sản thế chấp như vay ngân hàng); có thể cho thuê tài chính giúp các hộ sản xuất đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ với quy mô vốn lớn, thời gian cho thuê khoảng 5 - 10 năm.

Thứ ba, sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội.

- Xây dựng chính sách tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị phù hợp quy mô thị trường, mở rộng chủ thể tham gia chuỗi, gắn nhu cầu tài chính và các dịch vụ đi kèm khác với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Khuyến khích ngân hàng cung cấp tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh có vùng nguyên liệu, có hợp đồng với nông dân. Doanh nghiệp sử dụng khoản vay để ứng trước vốn cho người nông dân có hợp đồng với doanh nghiệp.

- Có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vốn mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các hộ nông dân, trước hết là các chủ trang trại, HTX để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong hoạt động cho vay và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Xây dựng quỹ cho trí thức trẻ vay vốn làm việc, lập nghiệp ở vùng nông thôn.

- Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức tín dụng, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và chính quyền các địa phương khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội nhằm hướng dẫn người dân cách xây dựng dự án vay vốn, sử dụng nguồn vốn hợp lý; bảo đảm quản lý nợ và rủi ro. Cần tập trung sự phối hợp trong lựa chọn các mô

hình sản xuất có hiệu quả để cho vay, kiểm soát vay và thu nợ, gắn đầu tư tín dụng với việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH ở địa bàn nông thôn ngoại thành Hà Nội. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ ở các huyện ngoại thành Hà Nội cần xây dựng kế hoạch thực hiện các công đoạn ủy thác vốn vay và giám sát sử dụng nguồn vốn bảo đảm đúng mục đích, có hiệu quả cao.

- Hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu và tranh chấp trong hoạt động tín dụng nông nghiệp. Thành phố cần tăng cường hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ và cho vay tiếp để tái tạo sản xuất, duy trì khả năng trả nợ đối với những rủi ro từ thiên tai, địch họa. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố cần thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát người nông dân, doanh nghiệp dùng vốn vay không đúng mục đích, như đầu tư bất động sản… Cần phân định rạch ròi về trách nhiệm của Nhà nước, của tổ chức tín dụng, của người vay khi rủi ro bất khả kháng xảy ra và có cơ chế xử lý nhanh để bù đắp, tái tạo nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 143 - 149)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(194 trang)
w