Cây ăn quả Rau
4.2.2. Đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao
hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao
(Theo kết quả xử lý từ phiếu điều tra, có 96% trong tổng số người được hỏi cho đây là giải pháp rất quan trọng và giải pháp quan trọng, xem Phụ lục 10 - câu hỏi 11).
Việc thúc đẩy sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân ngoại thành Hà Nội trong việc tổ chức sản xuất gắn với
chuỗi giá trị sẽ khắc phục được tình trạng không ổn định thị trường nông sản, hay hiện tượng “được mùa thì rớt giá, mất mùa thì giá tăng”. Đồng thời, cũng khắc phục tình trạng tổ chức sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ, manh mún với công nghệ lạc hậu, chất lượng hàng nông sản thấp. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Khuyến khích liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với tổ chức tín dụng, tổ chức KHCN và doanh nghiệp [65]. Do vậy, để thực hiện định hướng này, đồng thời thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức và liên kết nhằm sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, chuỗi ngành hàng, góp phần tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, NNCNC ở khu vực ngoại thành Hà Nội, cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Hiện nay, cũng như tương lai gần, Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng cần xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, mức độ thương mại hóa lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế, dựa trên các hình thức sản xuất quy mô lớn và tập trung như: trang trại, HTX, liên hiệp HTX trong mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Trong quá trình này, cần chủ động tính tới việc CDCC lao động nông nghiệp dôi dư sang các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn ngoại thành hoặc tham gia lực lượng lao động đô thị; cần có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp với năng lực về vốn, KHCN và thị trường. Đây là lực lượng tiên phong để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, nhất là phát triển các ngành công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp. Điều này không chỉ giúp tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho nông sản mà còn tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông nghiệp dôi dư. Cùng với quá trình này, xây dựng cơ chế, chính
sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm liên ngành tại các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung, các khu/cụm công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, các công viên nông nghiệp xanh, sạch cung cấp hàng hóa và dịch vụ du lịch cho đô thị. Điều này đòi hỏi phải tính tới việc tăng kết nối KCHT nông thôn ngoại thành với đô thị, tăng cường liên kết các khu/cụm/công viên/trung tâm công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và vùng ngoại thành.
- Do đất sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội có giá trị cao và sẽ ngày càng thu hẹp, nên không nhất thiết tập trung phát triển những mô hình quy mô lớn, mà ưu tiên phát triển vào phân khúc có giá trị gia tăng cao, phù hợp với các nguồn lực hiện có của thành phố, như các trang trại, HTX sản xuất, kinh doanh cây, con giống; các cơ sở với công nghệ sơ chế, chế biến nông sản chuyên sâu, hiện đại. Hơn nữa, với lực lượng lao động lớn trong khu vực ngoại thành Hà Nội, việc duy trì, phát triển các trang trại nhỏ có thể là một giải pháp hữu hiệu về mặt xã hội, dưới khía cạnh giải quyết việc làm, sinh kế bền vững cho cư dân khu vực này. Do vậy, hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác để những loại hình kinh tế này phát triển, đóng vai trò quan trọng trong tập trung, tích tụ đất đai, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất.
- Trong giai đoạn quá độ của phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác, chưa nên ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ nông dân. Thay vào đó, nên tập trung thúc đẩy thị trường thuê quyền sử dụng đất cho các cá nhân, tổ chức kinh tế, nhất là doanh nghiệp và HTX để hình thành liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển NNCNC, khuyến khích liên kết sản xuất trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị, chuỗi ngành hàng.
- Tuân thủ đầy đủ các quy hoạch, hướng tới xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, tăng hiệu quả sử dụng đất với
những quy mô và hình thức sản xuất phù hợp gắn với quá trình CDCC lao động khu vực nông thôn ngoại thành. Cần có định hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu/cụm/công viên/trung tâm công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, HTX. Xác rõ định hướng phát triển đô thị ở các cấp và mức độ kết nối với kinh tế nông thôn ngoại thành, định hướng phát triển KCHT nhằm kết nối ngoại thành - đô thị, kết nối các lĩnh vực kinh tế, kết nối vùng. Đặc biệt, việc tăng cường kết nối giữa các địa phương vùng thủ đô, giữa nông thôn với đô thị sẽ giải quyết tốt những hệ lụy về chính trị - xã hội, tạo việc làm, sinh kế bền vững… cho người nông dân ngoại thành Hà Nội trong quá trình tập trung, tích tụ đất đai.
- Xây dựng, phát triển và hoàn thiện các hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh bền vững trong nông nghiệp nhằm đẩy mạnh quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực khu vực ngoại thành, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn theo các hình thức chủ yếu: 1) Các hộ nông dân liên kết ruộng đất với nhau trong các HTX thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao; 2) Tập trung, tích tụ ruộng đất cho các hộ nông dân sản xuất hàng hóa giỏi (trang trại sản xuất hàng hóa lớn); 3) Các hộ nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng ruộng đất, liên kết với các doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; 4) Tập trung, tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao bằng cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng.
- Để xây dựng sự đa dạng các hình thức liên kết nhằm phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững cần chú trọng phát triển kinh tế hộ nông dân theo hình thức liên kết giữa hộ nông dân trong HTX với doanh nghiệp và chủ thể khác; hình thành được chuỗi liên kết hợp lý, có sự chia sẻ cả về trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích và rủi ro giữa hộ nông dân với HTX, doanh nghiệp và chủ thể liên quan khác. Vì các hộ nông dân ngoại thành hiện
vẫn là chủ thể cơ sở và lực lượng đông đảo nhất, về lâu dài vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp hàng hóa, do đó, ngoài giải pháp nâng cao trình độ, cần chú ý đào tạo năng lực quản lý, sản xuất, kinh doanh là biện pháp hữu hiệu thúc đẩy kinh tế hộ phát triển thành các trang trại có quy mô lớn và hiện đại. Các chủ trang trại quy mô lớn sẽ là những chủ nhân tương lai của nông nghiệp ngoại thành Hà Nội với đầy đủ kiến thức tổng hợp về hạch toán kinh doanh, quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường, bảo vệ môi trường…
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ, ban, ngành chức năng nghiên cứu đưa ra những biện pháp thúc đẩy việc ký kết hợp đồng và xây dựng chế tài cụ thể để tăng tính ràng buộc, bảo đảm tuân thủ, thực hiện hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu làm rõ trách nhiệm của các bên khi tham gia hợp đồng và vai trò của cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ các bên thực hiện cam kết của mình.
- Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác giữa hộ nông dân, trang trại, HTX và doanh nghiệp với các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo (trong và ngoài nước) nhằm nghiên cứu thử nghiệm, chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp ngoại thành Hà Nội. Bảo đảm mối liên kết giữa bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, NNCNC, nông nghiệp đô thị - sinh thái.
- Thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ mở rộng mối liên kết kinh tế giữa nông nghiệp ngoại thành Hà Nội với nông nghiệp các tỉnh phụ cận bằng cách rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đánh giá tiềm năng và các cơ hội phát triển mối liên kết của nông nghiệp ngoại thành Hà Nội với nông nghiệp các tỉnh ĐBSH. Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết trong sản xuất nông sản mang tính chất vùng để tạo điều kiện cho nông sản cung cấp vào Hà Nội bảo
đảm tính an toàn ngay từ nơi sản xuất và có xuất xứ nguồn gốc nông sản rõ ràng. Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết kinh tế giữa nông nghiệp Thủ đô Hà Nội với nông nghiệp các tỉnh ĐBSH theo hướng phát huy vai trò, vị thế của Thủ đô; gắn kết giữa những chủ thể sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa nông nghiệp ngoại thành Hà Nội với nông nghiệp các tỉnh ĐBSH.