Từ quá trình tổng quan tình hình nghiên cứu về nông nghiệp đô thị nói chung, nông nghiệp ngoại thành nói riêng được trình bày ở trên, cho thấy, có nhiều học giả quan tâm nghiên cứu vấn đề này từ các góc độ, khía cạnh khác nhau. Cụ thể là:
- Một số nghiên cứu đã bước đầu làm rõ vai trò của nông nghiệp đô thị hay nông nghiệp ngoại thành trong việc cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, điều hòa môi trường sống cho cư dân đô thị; đồng thời chỉ ra những ưu thế cạnh tranh của nông nghiệp ngoại thành như: thị trường thuận lợi, chi phí vận chuyển thấp, bảo đảm tính tươi sống của các mặt hàng nông sản; dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính… Trong đó, nông nghiệp ngoại thành phát triển thành các VĐX khác nhau với mức độ đa dạng, khả năng thích ứng với điều kiện phát triển KT-XH của đô thị, góp phần bảo vệ môi trường và tham gia vào hoạt động du lịch; thường có 3 - 4 vành đai nông nghiệp bao quanh các thành phố.
- Ngoài việc khẳng định, vai trò của nông nghiệp ngoại thành trong bảo vệ môi trường, một số nghiên cứu nêu bật các VĐX là một đặc điểm của nông nghiệp ngoại thành; đồng thời thể hiện sự nhận định, đánh giá sát đáng về quá trình phát triển nông nghiệp ngoại thành, làm rõ thuận lợi, khó khăn, trong đó có những tác động lớn từ quá trình ĐTH đối với sự phát triển của nông nghiệp ngoại thành, như: diện tích đất giảm dần, đời sống dân cư ngoại thành có sự chênh lệch rõ với thị thành… Một số công trình cũng nêu rõ những rủi ro trong phát triển nông nghiệp ngoại thành, như: nguồn nước sản xuất bị ô nhiễm, thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao.
- Một số công trình nghiên cứu kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ngoại thành, từ thực trạng quá trình phát triển nông nghiệp ngoại thành ở một số thành phố trong và ngoài nước, trong đó tập trung vào vấn đề nông nghiệp đô thị - sinh thái, CDCC ngành nông nghiệp; CDCC lao động, chính sách hỗ trợ phát triển, xây dựng NTM… Qua đó, đã chỉ ra thuận lợi, hạn chế, thách thức, đưa ra những giải pháp phát triển nông nghiệp ngoại thành các thành phố lớn thời gian tới. Cũng qua những nghiên cứu, một số tác giả đề cập đến cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ngoại thành, nhất là việc quy hoạch sử dụng đất và hệ thống VĐX để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, bảo tồn cảnh quan sinh thái, văn hóa nông nghiệp; những vấn đề về chính sách phát triển vùng, chính sách hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho nông nghiệp ngoại thành; chính sách thúc đẩy sự liên kết giữa người nông dân với các nhà quản lý, doanh nghiệp…
Nhìn chung, những công trình được tổng quan trong đề tài có giá trị tham khảo hữu ích khi phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng, phát triển nông nghiệp ngoại thành theo hướng hiện đại, bền vững nhằm phát huy tối đa lợi thế cũng như vai trò của loại hình sản xuất này. Đây là gợi ý để luận án tiếp cận đúng thực trạng phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội trong điều kiện ĐTH, HNQT và BĐKH, khi những công trình trên chưa
nghiên cứu bao quát, có hệ thống về phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội trong điều kiện hiện nay.