Khái niệm nông nghiệp ngoại thành

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 35 - 36)

Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, tiếp cận một số công trình tiêu biểu, tác giả nhận thấy, vẫn còn khoảng trống về khái niệm nông nghiệp ngoại thành. Vì vậy, đề tài luận án xuất phát từ khái niệm “nông nghiệp đô thị” trong những nghiên cứu mà tác giả tiếp cận được để bước đầu làm rõ phạm trù “nông nghiệp ngoại thành”.

Trước hết, có thể hiểu, thuật ngữ “nông nghiệp đô thị” (Urban argiculture) được dùng để gọi chung việc sản xuất nông sản hàng hoá dựa vào các vùng đất và diện tích mặt nước nằm xen kẽ, rải rác trong khu đô thị và vùng ngoại ô. Phần lớn các nghiên cứu về nông nghiệp đô thị thường hướng vào nông nghiệp ven đô vì vai trò của nó trong cung cấp thực phẩm; không gian nghỉ ngơi, giải trí gần gũi thiên nhiên, bảo đảm sự phát triển toàn diện của con người cả về sức khoẻ và giá trị văn hoá tinh thần. Phát triển nông nghiệp ven đô với mục đích đầu tiên là phát triển nông thôn ngoại thành chứ không phải chỉ là để thoả mãn nhu cầu của dân cư đô thị. Loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị là tập hợp các hình thức sản xuất nông nghiệp ở khu vực nội thị và ven đô có những đặc trưng chung về chức năng, tính chất, mục đích, trình độ phát triển [31].

Công trình “Cities of the future: Urban Agricultrure in the third millennium” (Đô thị tương lai: Nông nghiệp đô thị trong thiên niên kỷ thứ ba) của tác giả I.M. Madeleno cho rằng: khác với nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp đô thị kết nối, hòa nhập vào hệ thống sinh thái và hệ thống kinh tế đô thị. Nông nghiệp đô thị góp phần tạo ra hệ thống thực phẩm cung cấp, kết nối với sự tiêu dùng của cư dân đô thị; tác động trực tiếp lên hệ sinh thái đô thị. Ngoài ra, nông nghiệp đô thị chịu sự cạnh tranh về đất với các chức năng khác ở đô thị, chịu sự tác động bởi quy hoạch và chính sách của đô thị [78].

Trong Luận án tiến sỹ của Vũ Thị Mai Hương, tác giả cho rằng: Nông nghiệp đô thị là ngành kinh tế trong đô thị và ven đô thị; vừa cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật cảnh; vừa tạo thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị; sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chất thải đô thị; ứng dụng kỹ thuật thâm canh cao, thường mang lại hiệu quả kinh tế cao [27].

Trong bài “Cơ sở khoa học của các hình thái phát triển nông nghiệp đô thị và vận dụng cho Đồng bằng sông Cửu Long” tác giả Hồ Cao Việt cho rằng:

Nông nghiệp đô thị diễn ra ở vùng thành thị hoặc ven đô được tích hợp rất nhiều hoạt động chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với hoạt động kinh tế, tiếp thị, kinh doanh nhằm mang lại nguồn thu nhập và phúc lợi, tạo cảnh quan đẹp và bảo vệ môi trường; cải thiện sức khỏe và môi trường sống cho cộng đồng cư dân nội thị và ngoại thị [72, tr.108].

Trong bài “Nhận dạng nông nghiệp đô thị Việt Nam” tác giả Lê Văn Trưởng quan niệm: nông nghiệp đô thị là một ngành sản xuất ở trung tâm, ngoại ô, vùng lân cận đô thị, có chức năng trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, phân phối các loại thực phẩm, lương thực và các sản phẩm khác, sử dụng nguồn lực tự nhiên và nhân văn, các sản phẩm cùng các dịch vụ ở đô thị và vùng lân cận đô thị để cung cấp trở lại cho đô thị các sản phẩm, dịch vụ cao cấp. Nông nghiệp đô thị bao gồm nông nghiệp nội thị và nông nghiệp ngoại thị với các hoạt động chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản [55].

Từ những quan niệm nêu trên, có thể nhận thấy, nông nghiệp ngoại thành là một bộ phận của nông nghiệp đô thị, với địa bàn ven đô, xa đô; hòa nhập với hệ sinh thái và có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình phát triển KT- XH, công nghiệp hóa và ĐTH của một đô thị.

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(194 trang)
w