Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 154 - 161)

Cây ăn quả Rau

4.2.6. Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm

(Theo kết quả xử lý từ phiếu điều tra, có 97% số người được hỏi cho đây là giải pháp rất quan trọng và quan trọng, xem Phụ lục 10 - câu hỏi 25).

Nông sản phẩm ngoại thành Hà Nội được xác định tiêu thụ thị trường Thành phố là chủ yếu, một phần nông sản đặc sản cung cấp cho các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, trước xu hướng HNQT ngày càng sâu rộng, các mặt hàng này sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Hơn nữa, việc giải quyết tốt vấn đề thị trường sẽ trở nên khó khăn hơn khi nhu cầu của cư dân đô thị về các sản phẩm cao cấp và sản phẩm văn hoá tinh thần ngày càng cao. Nhu cầu này luôn gắn chặt với việc cung cấp các sản phẩm an toàn, có chất lượng cao trong một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Do vậy, để giải quyết tốt vấn đề thị trường cần tập trung vào nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, chất lượng và độ an toàn của nông sản phẩm là một vấn đề quan trọng để bảo đảm việc duy trì sức tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước ở mỗi huyện ngoại thành trong xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm, hay việc phối hợp kiểm soát chặt chẽ với các tỉnh lân cận cung cấp nông sản cho Hà Nội ngay từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm. Việc giám sát, kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và nghiêm túc, trong đó tăng cường quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với các cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm dịch trên địa bàn thành phố. Để công tác thanh tra, kiểm tra có hiệu quả, các cơ quan chức năng cần xây dựng quy chế phối hợp, thực hiện hệ thống đánh giá chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn về sản xuất nông sản hữu cơ và an toàn thực phẩm cho các loại nông sản phẩm ở ngoại thành Hà

Nội, nhất là phát triển các chuỗi sản xuất cho chứng nhận VietGAP, VietGHAP, GlobalGAP, HACCP, GMP…

Thứ hai, Thành phố cần đầu tư nâng cao năng lực dự báo thị trường, nhất là những dự báo trung và dài hạn về số lượng, chất lượng, chủng loại nông sản hàng hoá mà thị trường nội đô Hà Nội, thị trường trong và ngoài nước cần; xác định rõ tình hình cung - cầu, giá cả của mỗi chủng loại hàng hoá. Trên cơ sở thông tin thị trường, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư sản xuất, lựa chọn hình thức và thời điểm tham gia thị trường hiệu quả nhất. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các HTX, trang trại và doanh nghiệp trong và ngoài thành phố ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản ngoại thành Hà Nội.

Thứ ba, cùng với việc thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm (tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm), cần tập trung vào công nghệ chế biến để cung cấp cho người dân Thủ đô những sản phẩm sạch, chất lượng cao. Tạo những điều kiện cần thiết để các sản phẩm sạch, an toàn tiếp cận dễ dàng với người tiêu dùng. Thực tế là nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô đối với các sản phẩm an toàn như rau an toàn, hoa quả đặc sản ngày càng tăng nhưng các điều kiện để bảo đảm gắn kết người tiêu dùng có nhu cầu với sản phẩm sạch còn yếu kém. Các điều kiện đó có thể bao gồm: i) Các kênh thông tin phân biệt sản phẩm sạch làm cho người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng khi mua hàng; ii) Các kênh tiêu thụ thông suốt, đều đặn đến tận các siêu thị, cửa hàng trong thành phố; iii) Mức giá cả phải hợp lý để vừa bảo đảm lợi ích cho người sản xuất vừa phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng.

Để giải quyết vấn đề thông tin, cần hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tiến tới cấp chứng chỉ về chất lượng sản phẩm; kết hợp với tổ chức giới thiệu rộng rãi các sản phẩm để người tiêu dùng biết rõ về xuất xứ nguồn gốc. Phát triển việc hỗ trợ ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện

tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc bảo đảm an toàn thực phẩm tập trung tại các cơ sở sản xuất, HTX, trang trại, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở sơ chế, chế biến quy mô lớn, các chuỗi sản xuất, của hàng chuyên doanh, siêu thị, chợ đầu mối. Hướng tới tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt mức 30% đến 50%.

Việc xây dựng thương hiệu phải được thực hiện cho tất cả các vùng chuyên canh tập trung như vùng rau an toàn tại 2 xã Tráng Việt và Tiền Phong của huyện Mê Linh; xã Thanh Đa của Phúc Thọ; Duyên Hà của Thanh Trì…, sau đó, tổ chức quảng bá giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho dân chúng biết về thương hiệu.

Để kênh tiêu thụ được thông suốt đến tận hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong thành phố, việc thành lập các HXT tiêu thụ và tổ chức tốt hoạt động tiêu thụ là cần thiết cho các vùng chuyên canh tập trung, như vùng rau Đông Anh, Thanh Trì hay các vườn hoa quả đặc sản như bưởi Diễn ở Phúc Thọ. Với hình thức cung ứng này sẽ bảo đảm cung cấp sản phẩm đều đặn và có địa chỉ cụ thể, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Do vậy, để phát triển nông nghiệp ngoại thành theo hướng hiện đại, bền vững, phải nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX tiêu thụ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hệ thống cung ứng; làm nhiệm vụ ký kết hợp đồng cung ứng, vận chuyển nông sản phẩm cho các siêu thị, cửa hàng trong nội thành. Các HTX phải chú trọng đến 03 tiêu chuẩn quan trọng mà cư dân nội thành cần là giá cả, chất lượng và tính đều đặn của việc cung ứng.

Cần hỗ trợ giá trong giai đoạn nông sản phẩm sạch, an toàn mới tung ra thị trường do có giá thành sản xuất cao, để người tiêu dùng tiếp cận, làm quen với sản phẩm; đồng thời kích thích người sản xuất mở rộng đầu tư cho các sản phẩm sạch, an toàn. Trong thời gian này, giá cả đối với các sản phẩm sạch, an toàn là một khó khăn lớn đối với người sản xuất và người tiêu dùng, do đó, chính sách trợ giá phải được xây dựng khoa học trên cơ sở điều tra nhu cầu thị

trường, thu nhập của người tiêu dùng để xác định đúng giá thành cho từng loại nông sản phẩm. Phải làm từng bước với những thí điểm, thăm dò thị trường để tính toán các yếu tố phát sinh khi thực hiện trợ giá. Thành phố có thể nghiên cứu hình thức trợ giá qua các HTX tiêu thụ nếu như các HTX này ký hợp đồng cung cấp giá thấp hơn cho siêu thị.

Thứ tư, đối với các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh tập trung, cần đầu tư xây dựng phát triển thành khu liên hợp từ cung cấp nguyên liệu, đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong mối liên kết 4 nhà; thực hiện tốt Quyết định số 80/TTg ngày 26/06/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hoá theo hợp đồng. Đa dạng hoá các hình thức tiêu thụ nông sản cho nông dân ngoại thành, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tiếp thị và nâng cao trình độ tiếp thị cho hộ nông dân và các tổ chức kinh doanh nông sản phẩm đặc sản, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước trong quảng cáo, tìm kiếm thị trường và tổ chức tốt hoạt động xuất khẩu. Phương thức có thể sử dụng là liên kết đầu tư vốn, công nghệ và bao tiêu sản xuất, học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất NNCNC, sản xuất hoa, cây cảnh, rau an toàn, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu của, Đài Bắc, Bangkok hoặc Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ năm, nông sản phẩm ở các huyện ngoại thành Hà Nội được xác định tiêu thụ thị trường nội đô là chủ yếu, ngoài ra cung cấp cho các tỉnh khác và một phần tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, trước xu hướng HNQT thì sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là từ các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Để kích thích sản xuất phát triển, cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:

- Xây dựng mạng lưới chợ đầu mối, chợ nông thôn nhằm tiêu thụ nông sản phẩm cho nông dân, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, phù hợp với Chương trình xây dựng NTM. Hình thành những trục, những điểm giao lưu hàng hoá trên địa bàn ngoại thành Hà Nội gắn với việc phát triển các

thị trấn, thị tứ, các trung tâm “công nghiệp - dịch vụ nông thôn”, với các trục giao thông chính tạo ra những thuận lợi tiêu thụ nông sản phẩm.

- Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các HTX nông nghiệp có thể đảm nhiệm dịch vụ đầu vào và đầu ra cho nông sản hàng hoá theo chuỗi sản phẩm cũng như đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông sản để tạo thị trường đầu ra ổn định. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư vào phát triển công nghệ chế biến nông sản, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản ngoại thành kết nối thông suốt với thị trường nội thành.

- Xây dựng thương hiệu sản phẩm từ việc áp dụng kỹ thuật sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng và được công nhận của cơ quan kiểm định trong nước và quốc tế, cho tới việc quảng bá cung cấp sản phẩm tới người tiêu dùng.

- Thường xuyên tổ chức các buổi hội trợ, triển lãm tại khu vực nội đô nhằm giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các nhà đầu tư, mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Hỗ trợ các HTX, trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp ở ngoại thành liên kết mở chuỗi cửa hàng giới thiệu, trực tiếp đưa nông sản đến tận tay người tiêu dùng nội đô hoặc đưa vào các nhà hàng, trường học, bệnh viện… trong nội thành.

- Quản lý chặt chẽ về giá cả nông sản ngoại thành, cũng như vật tư nông nghiệp, không để tư thương ép giá, bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

- Thành phố chủ trì, phối hợp với các huyện ngoại thành và các tỉnh thành lân cận tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề giới thiệu, quảng bá nông sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua tiêu thu sản phẩm, tiếp cận dễ dàng hơn với các nhà sản xuất tại địa phương. Tổ chức hội thảo hoặc thuê chuyên gia tư vấn từ các nước có nền NNCNC và có thị trường lớn nhằm xác định rõ định hướng về lĩnh vực/mặt hàng mà Thủ đô có lợi thế so sánh (như cây rau vụ đông) để đầu tư công nghệ cao, tìm kiếm thị trường và làm chủ thị trường.

KẾT LUẬN

Phát triển nông nghiệp ngoại thành là quá trình gia tăng số lượng, chất lượng ngành nông nghiệp gắn liền với CDCC nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH và phát triển bền vững nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện đầy đủ vai trò: góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố; CDCC kinh tế nông thôn theo hướng bền vững; CDCC lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân ngoại thành; VĐX cho thành phố.

Thời gian qua, nông nghiệp ngoại thành Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của toàn thành phố. Tăng trưởng kinh tế nông nghiệp luôn ở mức cao, liên tục tăng qua các năm. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng theo lợi thế so sánh của từng địa phương. Tổ chức sản xuất trong khu vực kinh tế nông nghiệp đã thể hiện sự chuyển biến mạnh về chất, nhiều hình thức hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hiệu quả đầu tư cao ở hầu hết các huyện ngoại thành. Nông nghiệp ngoại thành phát triển đã góp phần giảm khoảng cách giàu - nghèo giữa các quận nội thành với ngoại thành; thu nhập bình quân của nông dân không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp các huyện ngoại thành chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh; khả năng sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch chậm, chưa vững chắc. Các hình thức tổ chức sản xuất và liên kết chưa đạt hiệu quả, nhất là nhiều HTX có quy mô nhỏ, thiếu vốn và năng lực sản xuất còn thấp. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất chủ yếu vẫn là các hộ gia đình, có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, công cụ sản xuất nhiều nơi vẫn còn lạc hậu. Chưa hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn; những vùng sản xuất tạo nên những nông sản chủ lực mang lợi thế cạnh tranh của nền nông nghiệp đô thị.

Nguyên nhân của những hạn chế kể trên là do: công tác xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH chậm, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, KT-XH của Thủ đô; đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn còn ở mức thấp, dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với vị trí, tầm quan trọng và đóng góp của khu vực nông thôn ngoại thành; năng lực huy động, sử dụng nguồn vốn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực thấp, khả năng ứng dụng công nghệ hạn chế; năng lực phát triển thị trường yếu, thị trường tiêu thụ nông sản phẩm, nhất là các sản phẩm an toàn, có chất lượng cao của nông nghiệp ngoại thành Hà Nội chưa ổn định; hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội chưa phát huy hiệu quả...

Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, cần phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp: i) Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội; ii) Đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; iii) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp ở các huyện ngoại thành; iv) Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển nông nghiệp ở các huyện ngoại thành; v) Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; vi) Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Một phần của tài liệu Luan an _Bui Thanh Tuan_ (Trang 154 - 161)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(194 trang)
w