Nhóm giải pháp khác

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐIỆN BIÊN PHỦ, TỈNH ĐIỆN BIÊN (Trang 104 - 106)

3.2.8.1. Khuyến khích, ưu tiên triển khai dự án công nghệ trong BVMT

Cách mạng khoa học công nghệ làm thay đổi căn bản và toàn diện nền kinh tế xã hội. Việc lựa chọn, đưa vào vận hành các công nghệ tiên tiến có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển bền vững. Do đó, trong sản xuất và đời sống cần lựa chọn, xem xét ưu tiên triển khai dự án công nghệ gắn với BVMT. Cụ thể:

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ: Kiên quyết không cấp phép hoạt động cho các cơ sở sử dụng công nghệ lạc hậu tiêu tốn nhiều nguyên liệu, sản xuất không tái tuần hoàn sử dụng nguồn nước, không có hệ thống xử lý khói, bụi theo quy chuẩn hiện hành. Khuyến khích cơ sở, doanh nghiệp áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ tái chế.

Kêu gọi đầu tư và có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng trong hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp triển khai các dự án như: Sản xuất túi linon tự phân hủy để đưa vào sử dụng thay thế túi linon khó phân hủy; triển khai dự án xe bus công cộng với nguyên liệu sử dụng khí gas...

Đề xuất triển khai dự án nạo vét lòng sông Nậm Rốm, nạo vét kênh mương quanh nội thành và bố trí kinh phí hoàn thiện hệ thống thu gom thoát nước thải ven sông để chấm dứt tình trạng xả nước thải trực tiếp ra môi trường tiếp nhận.

Quá trình lựa chọn cơ sở, doanh nghiệp hay nhà thầu triển khai các dự án phải thực hiện nghiêm ngặt, có đơn vị tư vấn giám sát độc lập, nhà thầu phải có đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm và đội ngũ cán bộ đáp ứng đúng trình độ và năng lực chuyên môn cao.

3.2.8.2. Giảm thiểu tác hại môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp

Là đô thị loại III, xong thành phố Điện Biên Phủ có 2/3 diện tích đất nông nghiệp, chất thải nông nghiệp ngày càng phát sinh nhiều với nhiều nguồn khác nhau như vỏ bao bì thuốc, hóa chất BVTV, thức ăn, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, nước thải thủy sản...trong khi khả năng đầu tư cho xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rất hạn chế, do đó đề xuất giải pháp giảm thiểu tác hại môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp thực sự cần thiết, cụ thể:

Thực hiện chương trình khảo sát nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy hoạch vành đai khu vực sản xuất thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thành phố, mở rộng nguồn tiêu thụ sản phẩm sang vùng, tỉnh phụ cận và hướng tới xuất khẩu.

Xây dựng, triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch để thực hiện đồng bộ trên toàn thành phố. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, cử cán bộ nông nghiệp đủ năng lực chuyên môn hướng dẫn người dân yên tâm sản xuất.

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng, xây dựng các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để người dân hình thành thói quen sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, dần tẩy chay các sản phẩm nông nghiệp không an toàn.

Thường xuyên cập nhập thông tin, mở rộng mạng lưới tìm kiếm và thu hút các công ty, doanh nghiệp đến liên kết với người dân hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Rà soát diện tích đất nông nghiệp về khả năng, nhu cầu sử dụng nước, diện tích đất hoang hóa để thúc đẩy chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao mà không cần sử dụng nhiều nước.

Bố trí kinh phí để tăng đầu tư xây dựng bể thu gom bao gói thuốc BVTV trên các cánh đồng vì xét nhu cầu thực tế với 1-3ha bố trí 01 bể thu gom là không đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuyên truyền và có hình thức xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh đối với các trường hợp đốt rơm rạ sau thu hoạch, không thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV mà vứt tràn nan trên cánh đồng, tiêu thụ gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc vứt xác động vật không đúng nơi quy định...

Để triển khai các giải pháp trên UBND thành phố quyết liệt chỉ đạo các phòng chức năng, phối hợp với các cấp ngành tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình mẫu, phù hợp thực tế có thể áp dụng theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, lựa chọn hộ gia đình, người dân có tinh thần nhiệt huyết, cầu tiến và ham học hỏi để tham gia các mô hình sản xuất sạch. Thúc đẩy được phong trào sản xuất sạch sẽ nhân rộng được các mô hình một cách thuận lợi.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐIỆN BIÊN PHỦ, TỈNH ĐIỆN BIÊN (Trang 104 - 106)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w