Hệ thống văn bản, chính sách về quản lý môi trường đô thị ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐIỆN BIÊN PHỦ, TỈNH ĐIỆN BIÊN (Trang 37 - 39)

* Quy hoạch phát triển đô thị

- Ngày 23/01/1998, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg định hướng tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến 2020; đến 04/7/2009 phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm của quy hoạch là phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy hoạch tại nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là số lượng đô thị tăng nhưng chất lượng đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Phát triển đô thị sử dụng lãng phí tài nguyên, tiêu hao năng lượng, phát thải lớn, gây mất cân bằng sinh thái, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu...

- Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chương trình Nghị sự 21; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến 2020, tầm nhình đến 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu... đã đặt ra các yêu cầu về phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái, bảo vệ môi trường.

* Quy định về bảo vệ môi trường nước đô thị

Bảo vệ môi trường nước được cụ thể hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Luật Tài nguyên nước 2012, với các nội dung phòng chống ô nhiễm nguồn nước, suy thoái cạn kiệt nguồn nước, giám sát tài nguyên nước và hành lang bảo vệ nguồn nước. Các văn bản dưới Luật quy định về thoát nước, xử lý, quản lý nước thải, giấy phép tài nguyên nước... cụ thể:

- Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, trong đó đối tượng chịu phí nằm trong khu đô thị có nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt

- Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, trong đó quy định về giá dịch vụ thoát nước, quy định có liên quan về quy hoạch thoát nước thải đô thị, đầu tư hệ thống thoát nước, quản lý vận hành hệ thống thoát nước.

- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó từ điều 36 – 44 quy định về hệ thống thu gom nước mưa, thu gom, xử lý nước thải theo quy hoạch và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật của các KCN, cơ sở sản xuất kinh doanh và các khu đô thị, khu dân cư tập trung.

* Quy định về bảo vệ môi trường không khí đô thị:

Điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã bổ sung các điều khoản quy định về BVMT không khí, đặc biệt tại khu vực đô thị có các quy định về BVMT đối với những ngành có hoạt động gây ONMT không khí cao như giao thông vận tải, xây dựng, công nghiệp, cụ thể các văn bản:

- Chỉ thị số 24/2000/CT-TTg ngày 23/11/2000 của Thủ tướng về việc triển khai sử dụng xăng không pha chì.

- Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

- Quyết định số 909/2010/QĐ-TTg ngày 17/6/2011 của Thủ tướng phê duyệt đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh thành phố.

- Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng phê duyệt Đê án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải.

* Quy định về quản lý chất thải rắn đô thị

Công tác quản lý chất thải rắn nói chung, chất thải rắn đô thị nói riêng đã nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước, thể hiện trong các chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn, được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường; trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn tới 2025, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu đặt ra đều tập trung vào các vấn đề nâng cao hiệu quả quá trình thu gom, xử lý chất thải rắn, phân loại chất thải rắn tại nguồn; tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy khi bị thải bỏ; sản phẩm thân thiện với môi trường; giảm thiểu thải lượng chất thải khó phân hủy vào môi trường...

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐIỆN BIÊN PHỦ, TỈNH ĐIỆN BIÊN (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w