Tổ chức kênh phân phối

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ KÊNH PHÂN PHỐI DỊCH VỤ DI ĐỘNG VINAPHONE TẠI TRUNG TÂM KINH DOANH VNPT – ĐIỆN BIÊN (Trang 77 - 80)

Mặc dù, TTKD đã có nhiều thành công nhất định thông qua hệ thống kênh phân phối hiện tại, công tác tổ chức hệ thống kênh phân phối vẫn còn một số hạn chế làm giảm khả năng cạnh tranh của TTKD.

Dòng đàm phán

Khi các khách hàng đại lý, điểm bán có nhu cầu về sim thẻ thì đại diện của Trung tâm sẽ trực tiếp đàm phán để xác định rõ số lượng, chủng loại, giá cả, nơi giao hàng, hình thức thanh toán, dịch vụ mà khách hàng được hưởng. Trong đó, yếu tố hai bên quan tâm nhất trong đàm phán là yếu tố giá cả. Đối với sản phẩm dịch vụ di động Vinaphone, Tập đoàn VNPT ban hành chính sách chiết khấu bán hàng thống nhất cho toàn Tập đoàn. Tuy nhiên, thực tế một số đơn vị trực thuộc Tập đoàn có các cơ chế hỗ trợ bán hàng khác nhau để thực hiện các mục tiêu kế hoạch của từng đơn vị nên giá cả vẫn có sự biến động theo mức chuẩn ban hành của Tập đoàn.

Việc đàm phán chủ yếu diễn ra giữa các thành viên kế tiếp nhau trong kênh phân phối như giữa TTKD với các đại lý, điểm bán, giữa các đại lý trung gian với các các điểm bán, giữa các điểm bán với khách hàng và thường xảy ra trong thời gian khá ngắn. Nội dung đàm phán giữa hai bên chỉ tập trung vào hoạt động phân phối hằng ngày, các hợp đồng mua bán chưa đề cập đến các điều khoản ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi lâu dài giữa hai bên, chưa chủ động phân chia công việc phân phối giữa các bên.

Dòng chuyển quyền sở hữu

Khi khách hàng đặt hàng thì TTKD sẽ triển khai các thủ tục hợp đồng (nếu chưa có hợp đồng đã ký trước đó), xuất hóa đơn bán hàng và thực hiện các thủ tục

bàn giao, chuyển quyền sở hữu cho khách hàng.

Đối với kênh bán hàng trực tiếp từ TTKD đến các khách hàng, điểm bán thì số lần chuyển quyền sở hữu thường ít hơn và nhanh chóng hơn qua các kênh đại lý trung gian.

Dòng vận động vật chất của sản phẩm

Đặc điểm của sản phẩm dịch vụ viễn thông là sản phẩm gọn nhẹ, không tốn nhiều không gian lưu trữ. Sim, thẻ Vinaphone được Trung tâm nhập kho theo từng lô hàng. Với các sản phẩm vật lý như thẻ cào, sim trắng, sim thuê bao, dòng chảy sản phẩm di chuyển theo các đường sau đây:

Từ kho TTKD đến các điểm giao dịch, nhân viên thị trường, đại lý trung gian, nhân viên chăm sóc điểm bán. Từ nhân viên chăm sóc điểm bán, đại lý trung gian đến các điểm bán. Từ các điểm giao dịch, nhân viên thị trường, đại lý, điểm bán đến tay người tiêu dùng.

Đối với các đơn hàng nhỏ, lẻ, việc vận chuyển được thực hiện chủ yếu bằng phương tiện cá nhân, đối với các đơn hàng lớn sẽ do TTKD thực hiện bằng xe TTKD hoặc đại lý tự vận chuyển hàng hóa tùy thuộc vào kết quả thương thảo, đàm phán giữa hai bên.

Dòng thông tin

Hiện nay, dòng thông tin trong hệ thống kênh phân phối sản phẩm của Trung tâm đã được cải thiện nhiều nhờ vào đội ngũ cộng tác viên chăm sóc điểm bán hàng tuần. Thông tin truyền tải qua kênh chủ yếu là những thông tin về giá cả, điều kiện mua bán, thời gian và địa điểm giao nhận, thanh toán, tình hình đối thủ cạnh tranh…

Tuy nhiên, Trung tâm chỉ quan tâm quản lý những thông tin để chỉ đạo hoạt động phân phối hằng ngày chứ chưa quản lý được những thông tin chiều sâu, chi tiết, những thông tin dài hạn về thị trường để điều hành kênh về mặt chiến lược. Công tác báo cáo, cung cấp thông tin còn chậm, qua nhiều khâu trung gian nên chưa kịp thời, chính xác, các thông tin cũng bị ngắt đoạn theo từng khâu lưu thông.

Dòng thanh toán

Cơ chế thanh toán trong kênh thường được các thành viên trong kênh quy định cụ thể với nhau. Trung tâm thường yêu cầu các thành viên trong kênh phải trả tiền trước khi nhận hàng, khi đó thành viên đó sẽ được hưởng các khoản chiết khấu ưu đãi, không chấp nhận hình thức thanh toán trả chậm hay nợ gối đầu. Đối với khách hàng đại lý là công ty thường thanh toán qua ngân hàng, các đại lý, điểm bán nhỏ thường thanh toán bằng tiền mặt.

Việc áp dụng hình thức thanh toán ngay của TTKD sẽ đảm bảo an toàn về mặt tài chính cho TTKD nhưng cũng gây khó khăn cho các kênh phân phối do không được hỗ trợ về dòng thanh toán.

Dòng xúc tiến hỗn hợp: Trong kênh phân phối sản phẩm Vinaphone, Trung tâm chủ yếu thực hiện các nỗ lực "marketing kéo" như quan hệ công chúng, quảng cáo, khuyến mại cho khách hàng… nhưng TTKD chỉ hướng các chương trình này đến nhóm các khách hàng là những người tiêu dùng trực tiếp chứ không phải cho toàn bộ hệ thống kênh phân phối. Hầu như TTKD chưa nhận thức được kết quả kinh doanh của mình phụ thuộc vào thành công chung của cả hệ thống và tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến hỗ trợ cho các thành viên khác trong kênh nên việc tổ chức các hoạt động xúc tiến cho toàn kênh chưa thật sự được chú trọng. Bên cạnh đó, TTKD vẫn chưa tận dụng được những hiệu quả mang lại nhờ vào việc sử dụng chiến lược "marketing đẩy" trong hệ thống kênh.

Dòng tài chính: Hầu hết các điểm bán đều có quy mô vừa và nhỏ nên vốn kinh doanh ít, tuy nhiên TTKD lại không có cơ chế hỗ trợ chậm thanh toán, hoặc chỉ áp dụng cho một vài đại lý lớn trong thời điểm bán hàng cụ thể nên cũng gây không ít khó khăn cho đại lý, điểm bán khi kinh doanh dịch vụ.

Dòng chia sẻ rủi ro: đối với việc kinh doanh sản phẩm viễn thông, đại lý, điểm bán ít gặp rủi ro hơn so với kinh doanh các sản phẩm khác. Rủi ro lớn nhất đối với hệ thống phân phối của TTKD là sản phẩm sim thẻ đại lý mua vào không bán được làm ứ đọng vốn, sim số hết hạn sử dụng bị thu hồi số. Một số trường hợp rủi

ro như thẻ hết thời hạn sử dụng, cào mất số TTKD đều có chính sách hỗ trợ thích đáng.

Dòng đặt hàng: Các thành viên trong kênh phân phối chủ yếu đặt hàng qua điện thoại, fax, email hoặc gặp gỡ trực tiếp. Ngoài ra, trong kênh, chủ yếu đặt hàng trực tiếp giữa hai thành viên kế tiếp nhau, TTKD chưa có dòng đặt hàng được thiết kế và quản lý khoa học.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ KÊNH PHÂN PHỐI DỊCH VỤ DI ĐỘNG VINAPHONE TẠI TRUNG TÂM KINH DOANH VNPT – ĐIỆN BIÊN (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(115 trang)
w