- Tín dụng cho vay phát triển của Nhà nước là phương thức sử dụng tài chính Nhà nước hiệu quả: Trong nền kinh tế thị trường, đầu tư của tư nhân không phải bao giờ cùng phủ lấp đầy các nhu cầu của các ngành và lĩnh vực nên Nhà nước phải bổ sung bằng đầu tư của mình. Tuy nhiên, nguồn vốn của Nhà nước có hạn nên không thể cấp không cho tất cả các dự án Nhà nước muốn đầu tư. Hơn nữa, nhiều dự án đầu tư có khả năng thu hồi nên cấp vốn dưới hình thức tín dụng cho vay của Nhà nước sẽ hiệu quả hơn. Nói cách khác, sự ra đời của tín dụng cho vay của nhà nước đã thu hẹp phạm vi các dự án được cấp phát không hoàn trả từ NSNN. Thay vào đó, chủ đầu tư phải sử dụng các nguồn thu từ dự án để hoàn trả toàn bộ số vốn đã vay Nhà nước, và số vốn này lại được sử dụng để cho vay đối với những dự án khác. Như vậy, nguồn vốn tín dụng cho vay của Nhà nước đã góp phần tích cực giải quyết khó khăn của tài chính nhà nước thông qua việc hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi ĐTPT của NSNN.
Mặt khác, do phải hoàn trả số vốn vay (cả gốc và lãi) nên chủ đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn phương án đầu tư có khả năng sinh lời cao, đồng thời tìm cách giảm thiểu chi phí đầu tư bằng cách cắt giảm những khoản chi không
cần thiết. Điều đó cũng có nghĩa là việc tài trợ cho các dự án thông qua tín dụng cho vay góp phần hạn chế tình trạng dàn trải, thất thoát, lãng phí trong đầu tư, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Hơn nữa, do nhu cầu chi của NSNN để duy trì hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển KT-XH không ngừng tăng trong khi nguồn thu NSNN lại bị hạn chế và tăng chậm, nên ở hầu hết các quốc gia đều xảy ra tình trạng thâm hụt NSNN, cho dù quốc gia đó là một nước giàu, có nền kinh tế phát triển hay là một nước nghèo, chậm phát triển. Đối với các nước đang phát triển, thâm hụt NSNN càng trầm trọng và phổ biến hơn bởi ngân sách của các nước này luôn ở trong tình trạng thu không đủ chi do nền kinh tế kém phát triển, trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế lại nhỏ bé, lạc hậu nên Nhà nước cần phải tài trợ một lượng vốn ĐTPT rất lớn. Để giải quyết nhu cầu về số vốn ĐTPT còn thiếu hụt, hầu hết các quốc gia đều lựa con đường đi vay như là một cứu cánh cho NSNN. Điều này đã giúp giải thích khía cạnh thứ hai trong sự cần thiết của tín dụng cho vay của Nhà nước - đó là Nhà nước phải đi vay để ĐTPT.
- Tín dụng cho vay của Nhà nước là công cụ thực hiện chức năng của Nhà nước trong việc khắc phục các khiếm khuyết của kinh tế thị trường.
Mặc dù kinh tế thị trường là bước phát triển cao của nền kinh tế sản xuất hàng hoá với rất nhiều điểm ưu việt nhưng bên cạnh đó nó cũng có khá nhiều khiếm khuyết mà bất cứ quốc gia nào trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường cũng đều phải đối mặt như ô nhiễm môi trường, tình trạng phân hoá giàu nghèo, bất công xã hội, phát triển không cân đối giữa các vùng miền… Để khắc phục những khiếm khuyết này, Nhà nước có thể sử dụng nhiều công cụ (thuế, chi NSNN, tín dụng cho vay nhà nước…) trong việc điều tiết, phân bổ các nguồn lực, đảm bảo cho các vùng, các ngành, hoặc thành phần kinh tế phát triển một cách đồng đều, trong đó tín dụng cho vay được sử dụng như là công cụ chủ yếu để tài trợ cho các dự án ĐTPT có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Do đó, có thể coi tín dụng cho vay như “ bàn tay hữu hình” mà Nhà nước sử dụng trong quá trình thực hiện chức năng điều tiết vĩ mô của minh đối với nền kinh tế.
- Tín dụng cho vay của Nhà nước góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội
Có rất nhiều mục tiêu và quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô mà bất kỳ một quốc gia nào cũng phải hướng tới như mục tiêu về sản lượng, việc làm, lạm phát, lãi suất..., cân đối tiết kiệm - tiêu dùng - đầu tư, cân đối xuất khẩu - nhập khẩu... Để đạt được những mục tiêu và quan hệ cân đối này, Nhà nước phải sử dụng kết hợp nhiều chính sách kinh tế vĩ mô khác nhau mà trong đó chủ yếu là chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Là một bộ phận cấu thành trong hệ thống các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, tín dụng cho vay của Nhà nước có tác động rất lớn trên các mặt:
+ Thông qua việc hỗ trợ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng và các cơ sở sản xuất, tín dụng cho vay của Nhà nước góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm.
+ Thông qua việc huy động vốn và cho vay đối với các dự án, tín dụng cho vay của Nhà nước tác động đến cung- cầu trên thị trường vốn và thị trường tiền tệ,từđó ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát và mặt bằng lãi suất của nền kinh tế.
+ Thông qua việc đầu tư cho các dự án phục vụ xuất khẩu, hoặc đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức ODA, tín dụng cho vay của Nhà nước còn góp phần điều chỉnh quan hệ cân đối xuất khẩu - nhập khẩu, đồng thời tác động đến trạng thái cán cân thanh toán quốc tế của quốc gia, từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái.
+ Thông qua lãi suất huy động vốn, tín dụng cho vay nhà nước góp phần điều tiết tỷ lệ giữa tích luỹ và tiêu dùng của dân cư. Đồng thời, thông qua việc quy định đối tượng và điều kiện được hưởng ưu đãi, tín dụng cho vay góp phần định hướng đầu tư của các chủ thể trong nền kinh tế vào các ngành, các vùng và lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích phát triển.
- Tín dụng cho vay của Nhà nước góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinhtế.
CNH, HĐH là một quá trình tất yếu mà các nước chậm phát triển phải trải qua để trở thành một nước công nghiệp phát triển. Nội dung trọng tâm của quá trình này là xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nền kinh tế mà trong đó chủ yếu là xây
dựng các công trình kết cấu KT-XH và phát triển các ngành công nghiệp quan trọng, đưa công nghiệp trở thành ngành giữ vai trò chủ đạo và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinhtế.
Tín dụng cho vay của Nhà nước là công cụ quan trọng để Nhà nước tài trợ cho các dự án ĐTPT nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH (giao thông, điện lực, thông tin, thuỷ lợi, cấp - thoát nước…) và phát triển các ngành công nghiệp then chốt (cơ khí, điện tử - viễn thông, công nghệ sinh học, vật liệu mới…), do đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Mặt khác, việc tập trung nguồn vốn tín dụng cho vay của Nhà nước cho xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại và phát triển các ngành công nghiệp then chốt, có khả năng đi tắt đón đầu cũng là nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó góp phần đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
- Tín dụng cho vay của Nhà nước góp phần tạo việc làm cho người lao động, giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, việc giải quyết việc làm là vấn đề hết sức quan trọng được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Tín dụng cho vay của Nhà nước với mục đích là hỗ trợ các dự án ĐTPT của các thành phần kinh tế thuộc một số ngành, lĩnh vực quan trọng, chương trình kinh tế lớn, các lĩnh vực mà không có sự ưu đãi đầu tư của Nhà nước thì sẽ không phát triển được, hoặc các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà ít có hiệu quả kinh tế trực tiếp. Do đó, khi thực hiện ĐTPT sản xuất tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn như: các tỉnh miền núi, biên giới hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc các ngành nghề thuộc diện khuyến khích ưu đãi đầu tư của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế, ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế là thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu ngân sách, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế…còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự xã hội. Ví dụ như thông qua cho vay chương trình mía đường của Chính phủ, tín dụng cho vay của Nhà nước không chỉ góp phần giảm nhập khẩu đường mà còn tạo việc làm cho trên 470.000 nông dân ở các vùng nông thôn, miền núi; cho vay chương trình đánh cá xa bờ của Chính
phủ, ngoài ý nghĩa kinh tế tạo ra hàng hoá xuất khẩu góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu thu ngoại tệ về cho đất nước, còn có ý nghĩa về chính trị, đó là bảo vệ an ninh bờ biển của nước ta, tạo ra công ăn việc làm cho trên 200.000 người dân tại các tỉnh ven biển…
- Tín dụng cho vay nhà nước góp phần nâng cao vị thế của quốc gia, tạo điều kiện mở rộng và phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại.
Việc cung cấp ODA cho các nước kém phát triển dưới hình thức cho vay ưu đãi để xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH cũng là một nội dung trong hoạt động tín dụng cho vay của Nhà nước. Thông qua các khoản ODA này, nước cho vay có thể tăng cường ảnh hưởngcủa mình đối với nước đi vay, đồng thời nâng cao vị thế trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế. Điều đó có nghĩa là tín dụng cho vay đã góp phần nâng cao vị thế của quốc gia trong cộng đồng thế giới.
Mặt khác, các công trình cơ sở hạ tầng KT-XH được đầu tư bằng nguồn vốn ODA cho vay ưu đãi đã tạo điều kiện để nước cho vay mở rộng đầu tư trực tiếp và xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ vào thị trường của nước được vay ODA ưu đãi, và như vậy, tín dụng cho vay đã tạo điều kiện để mở rộng và phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại của quốc gia.