Đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH CAO BẰNG (Trang 116 - 118)

Nhằm phát huy hơn nữa vai trò ngân hàng của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách phát triển tín dụng của Nhà nước, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế và thực thi chính sách an sinh xã hội, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn từ nay đến 2025 đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần tập trung, ưu tiên theo hướng:

Thứ nhất, NHPT chủ động đề xuất với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan về việc sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của NPPT, trước hết là những nội dung vướng mắc khi thực hiện Nghị định 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư của Nhà nước; cách thức phân loại nợ, cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất, cơ chế trích lập dự phòng rủi ro và cơ chế tài chính đảm bảo tính tự chủ đối với NHPT. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển tín dụng phát triển theo hướng đơn giản hoá thủ tục, quy chế quy trình.

Thứ hai, NHPT Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Đề án tái cấu trúc, Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, NHPT Việt Nam cần nghiên cứu hoạt động phát triển tín dụng của các ngân hàng phát triển các nước, rút ra được những kinh nghiệm phù hợp có thể vận dụng được với điều kiện của Việt Nam. Dựa trên chiến lược phát triển của NHPT Việt Nam, NHPT Cao Bằng chủ động xây dựng định hướng phát triển tín dụng cho Chi nhánh.

Thứ ba, xây dựng cơ chế huy động vốn phù hợp với hoạt động của ngành và đảm bảo tính linh hoạt, tính cạnh tranh trên thị trường huy động vốn trình chính phủ phê duyệt. Đa dạng hoá các phương thức huy động vốn như huy động các nguồn vốn uỷ thác, quản lý nguồn vốn cấp phát từ NSNN và các nguồn vốn uỷ thác từ các tổ chức tài chính, bảo hiểm, tín dụng…. Gắn liền huy động vốn với hiệu quả hoạt động và cơ chế tiền lương. Đây là bước tạo động lực quan trọng nhằm động viên, cá nhân trong toàn hệ thống phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành

nhiệm vụ được giao. NHPT Việt Nam cần xây dựng cơ cấu lãi suất thích hợp, lãi suất huy động thấp là nguyên nhân dẫn đến việc không thu hút được khách hàng của toàn hệ thống. Từng bước lành mạnh hoá về tài chính, đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động của NHPT để nâng cao hệ số tín nhiệm của VDB trên thị trường vốn trong và ngoài nước. Có thể tăng cường hình thức huy động vốn qua phát hành trái phiếu thông qua việc giao cho các sở giao dịch, các Chi nhánh bán trái phiếu gắn với kế hoạch, nhu cầu sử dụng vốn…

Thứ tư, NHPT Việt Nam cần tạo tính chủ động cho Chi nhánh để việc vay vốn được kịp thời, nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các chủ đầu tư cũng như có biện pháp kịp thời xử lý các rủi ro, góp phần hạn chế những tổn thất có thể xảy ra. Định kỳ hàng năm, NHPT Việt Nam cần điều chỉnh mức phân cấp thẩm định, quyết định cho vay tạo dựa trên căn cứ vào kết quả hoạt động của chi nhánh . Việc điều chỉnh phân cấp hàng năm là cơ sở để chi nhánh phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà hội sở chính đề ra. Theo quy định, cấp nào quyết định cho vay thì cấp đó có thẩm quyền xem xét và xử lý rủi ro đối với các trường hợp điều chỉnh mức trả nợ, gia hạn nợ. Tuy nhiên, để đảm bảo xử lý được rủi ro được nhanh chóng NHPT Việt Nam cần tạo tính chủ động cho chi nhánh trong việc xử lý các dự án trên địa bàn do chi nhánh quản lý (trừ những dự án nhóm A, những dự án đặc biệt khác). Để việc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay nhanh chóng, thu hồi nợ kịp thời NHPT Việt Nam cho phép chi nhánh chủ động xử lý tài sản đảm bảo tiền vay theo quy định hiện hành của pháp luật và được khởi kiện ra toà khi chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, sau đó báo cáo hội sở chính theo quy định.

Thứ năm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực: cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về tính tất yếu trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập, phải tổ chức hoạt động theo các thông lệ và chuẩn mực quốc tế; trên cơ sở đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng về chính sách TDĐT, các cách thức tổ chức hoạt động này theo thông lệ quốc tế và những vấn đề liên quan đặt ra khi áp dụng vào NHPT Việt Nam. Giúp đỡ, hỗ trợ cán bộ chi nhánh trong công tác nghiệp vụ, để đơn giản hoá và rút ngắn thời gian thẩm định, tạo điều kiện trau dồi kinh

nghiệm thực tế cho các cán bộ thẩm định tại HSC, NHPT Việt Nam có thể cử các cán bộ thẩm định tại HSC tham gia thẩm định trực tiếp cùng Chi nhánh ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ đối với các dự án lớn để cùng trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời cần phải tăng cường hơn nữa các khóa đào tạo tập trung về chuyên môn dành riêng cho nhân viên về nghiệp vụ phát triển, đảm bảo cho những nhân viên này đều được thông qua các khóa đào tạo liên quan, luôn được cập nhật, bổ sung kiến thức mới về phát triển tín dụng. Ngoài ra, bên cạnh các khóa đào tạo nội bộ, cũng cần tạo điều kiện để nhân viên có thể tham gia các khóa học do các đơn vị bên ngoài tổ chức để có thể học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức, các ngân hàng bạn.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động huy động vốn, cho vay TDĐT, xử lý nợ, quản lý tài chính, công tác cán bộ… đảm bảo việc tổ chức, triển khai thực hiện chính sách TDĐT đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm, đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền và tài sản của Nhà nước giao cho hệ thống NHPT. Dự báo việc quản lý giám sát dòng tiền cũng hết sức quan trọng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Thứ bảy, chú trọng đầu tư phát triển công nghệ làm nền tảng cho công tác thanh toán, cần hoàn thiện theo hướng thống nhất từ HSC tới Chi nhánh. nâng cao hàm lượng công nghệ thông tin trong các giao dịch thanh toán, giảm bớt các khâu thanh toán thủ công qua nhiều phần mềm khác nhau trong quá trình giải ngân và thu nợ. Nâng cao tốc độ đường truyền thông, xây dựng thêm đường dự phòng trong trường hợp rủi ro ngưng trệ thanh toán khi xảy ra các sự cố với hệ thống.

Nhằm đạt được định hướng đến năm 2020 là Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải trở thành một Ngân hàng chuyên nghiệp của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư phát triển đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của NHPT Việt Nam nói chung và chi nhánh NHPT Cao Bằng nói riêng, cũng như nhận được sự hỗ trợ, đồng thuận của các cơ quan ban ngành và sự đồng thuận hợp tác của khách hàng.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH CAO BẰNG (Trang 116 - 118)